3 nước cờ bành trướng của Trung Quốc sau Gạc Ma 1988

Kiều Tỉnh |

Từ tháng 1/1974 tới tháng 3/1988, Trung Quốc đã có bước tiến dài thực hiện tham vọng từ đánh chiếm Hoàng Sa đến đánh chiếm Gạc Ma, để từ đó tiếp tục lấn sâu xuống phía Nam.

LTS: Tiếp nối bài viết Nghe 4 chữ này của lãnh đạo Trung Quốc, hãy nhớ họ làm gì ở Gạc Ma 1988! mà chúng tôi đã đăng tải ngày hôm qua (14/3), xin gửi tới độc giả bài phân tích tiếp theo để trả lời câu hỏi về dã tâm bá quyền của Bắc Kinh: Liệu có thể xảy ra một trận Gạc Ma thứ hai?

>> Bài 1: Nghe 4 chữ này của lãnh đạo TQ, hãy nhớ họ làm gì ở Gạc Ma 1988!

-----

Từ Hoàng Sa tới Gạc Ma

Từ tháng 1/1974 tới tháng 3/1988, Trung Quốc đã có bước tiến dài trong việc thực hiện tham vọng của mình. Từ đánh chiếm Hoàng Sa tới đánh chiếm Gạc Ma, để từ đó tiếp tục lấn sâu xuống phía nam.

Từ Hoàng Sa tới Gạc Ma cho thấy:

Một là, Trung Quốc đã có bài bản, có kế hoạch, có tính toán để từng bước “gặm nhấm” và đánh chiếm các đảo để bành trướng xuống nam Biển Đông.

Trong bài “Trung Quốc với mưu kế Liên hoàn trận lấn chiếm Biển Đông”, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông ngày 11/3/2013 cho biết “kế liên hoàn trận” nằm trong “36 mưu kế” do các nhà quân sự Trung Quốc thời cổ đại đã từng vận dụng để thôn tính lẫn nhau, giờ đây được lãnh đạo Trung Quốc vận dụng để lấn chiếm Biển Đông.

Để thực hiện kế này, Trung Quốc đã tiến hành ba bước: Bước thứ nhất, không ngừng tăng cường sức mạnh kinh tế, quân sự và ảnh hưởng chính trị trong khu vực và trên thế giới làm chỗ dựa cho lấn chiếm quân sự.

Bước thứ hai, tìm mọi cách chia rẽ nội bộ giữa Mỹ với các đồng minh, giữa Mỹ với ASEAN và nội bộ đồng minh của Mỹ nhằm gây rối loạn nội bộ, mâu thuẫn với nhau.

Bước thứ ba, lợi dụng thời cơ, sơ hở của đối phương để phát động tấn công, lấn chiếm một cách công khai hay bí mật. Đây là kế sách lâu dài hơn.

Đối với các nước trong khối ASEAN và các nước nhỏ, yếu hơn thì Trung Quốc một mặt gây sức ép kinh tế, đồng thời sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, gây hấn quân sự, lấn chiếm dần từng đảo và bãi nhỏ để mở rộng phạm vi thế lực của mình ở Biển Đông.

Thực tế đã chứng minh các chiêu trò này của Trung Quốc.

Sau hải chiến Trường Sa, tháng 2/1995, Trung Quốc điều bảy tàu đến chiếm đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và cho xây dựng những cấu kiện hình đa giác dựng trên những cột thép, đĩa vệ tinh và cắm cờ Trung Quốc.

Tiếp đó, tháng 6/ 2012, Trung Quốc đã đánh chiếm bãi cạn Scarborough.


Ảnh vệ tinh ngày 27/5/2015 chụp đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp trái phép trên đá Gạc Ma xâm chiếm của Việt Nam. (Ảnh: CSIS/AMTI)

Ảnh vệ tinh ngày 27/5/2015 chụp đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp trái phép trên đá Gạc Ma xâm chiếm của Việt Nam. (Ảnh: CSIS/AMTI)

Hai là, tác động và vai trò của các nước lớn.

Ngày 19/1/2016 Viện nghiên cứu chiến lược và vấn đề quốc tế của Mỹ (CSIS) công bố tư liệu trong đó cho rằng sở dĩ Trung Quốc lấn tới ở Biển Đông và thậm chí sẽ với tay ra tây Thái Bình Dương đe dọa lợi ích của Mỹ ở khu vực này là do Chính phủ Mỹ không có biện pháp chính sách răn đe và ngăn chặn rõ ràng.

CSIS cảnh báo thế cân bằng quân sự ở khu vực này đang bất lợi đối với Mỹ.

Nếu Mỹ không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu thì thời gian tới Trung Quốc sẽ cho công bố cái gọi là cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như nước này đã làm ở biển Hoa Đông và tới năm 2030 Trung Quốc sẽ biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình.

Báo chí Nga cho biết, thời gian qua Tập Cận Bình cố gắng lôi kéo Nga về hùa với mình để kiềm chế Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương, như yêu cầu quân đội Nga cùng tiến hành cuộc tập trận chung “Liên hợp trên biển 2014” (20-26/5/2014).

Đại tá Roman Martov, Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Nga ngày 13/5/2014 cho biết phía Trung Quốc yêu cầu cuộc diễn tập kéo dài, tiến sát tới đảo Senkaku/Điếu Ngư và đi xa hơn nữa xuống Biển Đông.

Thời gian và địa điểm của cuộc tập trận chung này do chính Tập Cận Bình đề xuất với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm kiềm chế Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Tháng 5/2014, ông Putin thăm Trung Quốc để ký Hiệp định hợp tác dầu lửa trong 30 năm trị giá 400 tỉ USD.

Tại đây, Nga-Trung cam kết nâng cấp quan hệ hai nước từ “Quan hệ đối tác hiệp tác chiến lược toàn diện tin cậy bình đẳng sâu rộng hơn nữa” lên “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Nga-Trung giai đoạn mới”.

Đồng thời, Moscow đồng ý tiến hành tập trận chung ở Biển Hoa Đông. Cũng thời gian này, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương 981 vào xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Ba là, vai trò của các nước trong khu vực, nhất là ASEAN trước đây chưa có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.

Trong thập niên 1990, do sự đoàn kết và gắn bó của các quốc gia Đông Nam Á chưa chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng nên Trung Quốc đã lợi dụng, chia rẽ, li gián, đe dọa, gây sức ép từ đó thực hiện tham vọng của mình.

Từ khi bước vào thế kỷ XXI đến nay, ASEAN gắn kết hơn, nên đã kịp thời ngăn chặn những mưu đồ của Trung Quốc.


Tàu hải cảnh Trung Quốc tìm cách ngăn cản tàu Philippines tiếp tế cho chiếc tàu BRP Sierra Madre bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Inquirer)

Tàu hải cảnh Trung Quốc tìm cách ngăn cản tàu Philippines tiếp tế cho chiếc tàu BRP Sierra Madre bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Inquirer)

Sau Gạc Ma

1. Trở thành "cường quốc biển" bằng con đường xâm lược?

Sau Gạc Ma 1988, Trung Quốc đã tiến hành thêm 2 vụ “Gạc Ma mới" là bãi Vành Khăn (2/1995) và bãi cạn Scarborough (6/2012). "Gạc Ma" tiếp theo sẽ là nơi nào? Đó là câu hỏi hiện các nhà nghiên cứu đặt ra.

Dư luận các nước cho rằng hiện nay Trung Quốc xác định đại chiến lược trở thành “cường quốc biển thế kỷ 21” với nội dung như cường quốc quân sự biển, cường quốc trong công tác biển quốc tế, cường quốc thăm dò và khai thác dầu khí trên biển.

Trong bài “Cường quốc biển thế kỷ 21”, báo chí Trung Quốc viết: “Thế kỷ 21 là Thế kỷ biển đồng thời cũng là Thế kỷ Thái Bình Dương, đây là hai nhiệm vụ lịch sử cùng một lúc giao cho chúng ta, nên thế hệ chúng ta hiện nay không thể chối từ sứ mệnh này.

Nếu không trở thành cường quốc biển thì không thể thực sự trở thành nước lớn trên thế giới theo đúng nghĩa của nó.

Không trở thành cường quốc biển thì cũng không thể coi là thực sự phục hưng vĩ đại. Bởi vậy sự nghiệp đại phục hưng của dân tộc Trung Hoa phụ thuộc vào xây dựng cường quốc biển.

Trước tiên chúng ta phải là cường quốc biển Thái Bình Dương.”

2. Tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình

Để từng bước biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình, Trung Quốc một mặt dùng biện pháp quân sự, mặt khác từng bước ngụy tạo cơ sở pháp lý cho sự lấn chiếm này .

Báo chí Hồng Kông ngày 24/5/2015 cho rằng Trung Quốc vội vã đưa ra cái gọi là “đường chín đoạn” trong khi không hề có bất cứ cơ sở pháp lý nào. Bắc Kinh "chỉ nói bừa" như vậy nhằm "xí phần", đối phó với Mỹ.

Cái gọi là “đường chín đoạn" phi nghĩa đó không phải là biên giới địa lý mà chỉ là vấn đề chính trị, âm mưu địa chiến lược của Bắc Kinh.

Bởi vậy, những nước cờ bành trướng của Trung Quốc hiện nay và thời gian tới sẽ tiến hành có thể là như sau.

Một là, nhận xây dựng các công trình của Liên Hợp Quốc (LHQ) và các tổ chức quốc tế ở Biển Đông, như trạm khí tượng, trạm đo đạc dòng chảy, hải đăng để tranh thủ ngụy tạo các bằng chứng về cơ sở pháp lý.

Hai là, dựa vào vị thế nước lớn và tiềm lực kinh tế, quân sự để lấp biển, xây đảo nhân tạo trái phép nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Trên cơ sở đã tuyên bố trước đây, khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình ra sức tiến hành các công trình lấp biển xây 6 đảo nhân tạo và đưa người tới cư trú để "tự nhận" là đã kiểm soát đảo và khu vực này theo công ước quốc tế.

Đồng thời, quân đội Trung Quốc thúc đẩy quá trình biến các đảo nhân tạo trái phép thành căn cứ làm "bàn đạp" tiến sâu xuống phía nam và coi như “sự đã rồi” để kiềm chế và tranh giành ảnh hưởng với Mỹ.

Tạp chí Kanwa Defence Review của Canada số tháng 5/2015 cho biết, tới nay Trung Quốc đã lấp biển và xây dựng các đảo nhân tạo trái phép có diện tích bằng 17 sân bóng đá với một cảng có thể cho tàu 5.000 tấn tới 500.000 tấn ghé đậu, trên đó có 6 kho chứa xăng dầu.

Tháng 2/2016, Trung Quốc đã đưa tên lửa đất đối không HQ-9 tới bố trí phi pháp ở Đảo Phú Lâm và cho máy bay tiêm kích bay thử ở Hoàng Sa.

Ba là, điều chỉnh lại sách lược để xoa dịu dư luận, che đậy âm mưu và làm yên lòng Mỹ, như tuyên bố cho các nước kể cả Washington cùng sử dụng các công trình hải cảng, sân bay, thiết bị tiếp liệu, tránh bão do Trung Quốc mới xây dựng (trái phép-PV) ở Biển Đông nhằm hợp lý hóa các phần mà họ đã lấn chiếm.


Ảnh vệ tinh chụp ngày 9/4/2015 cho thấy các tàu Trung Quốc hút cát để bồi lấp đảo nhân tạo trái phép ở bãi Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: CSIS/AMTI)

Ảnh vệ tinh chụp ngày 9/4/2015 cho thấy các tàu Trung Quốc hút cát để bồi lấp đảo nhân tạo trái phép ở bãi Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: CSIS/AMTI)

3. Tham vọng bành trướng trước dư luận lên án của các nước

Kể từ khi thực hiện tham vọng bành trướng và biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình, Trung Quốc luôn bị các nước trên thế giới lên án.

Hai tác giả Tiết Lý Thái và Hà Quốc Trung, thuộc Trung tâm hợp tác và an ninh quốc tế Đại học Stanford (Mỹ) và Trung tâm nghiên cứu an ninh doanh nghiệp Trung Quốc thuộc Đại học giao thông Bắc Kinh, bình luận trên tạp chí “Cùng trên chiếc thuyền” số 11 năm 2015:

“Một khi Trung Quốc dùng biện pháp quân sự gây ra cuộc khủng hoảng ở Biển Đông thì sẽ bị toàn thế giới lên án, ngay cả Nga là nước thân cận nhất vào thời điểm này cũng tìm cách xa lánh”.

Hai tác giả đánh giá, Trung Quốc đang trỗi dậy, chưa thực sự hoàn thiện đã vội vã thực hiện chiến lược đối đầu với các nước, nhất là với Mỹ và các nước, thì đây là một hạ sách.

Theo đó, thời gian qua biện pháp chính sách cứng rắn của Trung Quốc đối với Biển Đông là do “phái diều hâu” ở Trung Quốc chi phối.

Phái này gồm những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chưa trải qua chiến tranh, chỉ tính toán theo ý chủ quan của mình, "bàn binh trên giấy", đưa ra những lập luận phi lý không phù hợp với bối cảnh thế giới hiện nay.

Mỹ nhận thức được mối hiểm họa từ Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nên đã xác định cuộc đọ sức của Mỹ với Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương mới là cuộc đọ sức thực sự trong Thế kỷ 21.

Hiện nay, Mỹ vẫn chiếm ưu thế ở khu vực này. Vừa qua, “phái diều hâu” và một số nhà lý luận quá khích ở Trung Quốc kêu gọi lãnh đạo chuyển từ chính sách “giấu mình chờ thời” sang “phát huy vai trò” với những biện pháp mạo hiểm ở Biển Đông.

Rốt cuộc, Trung Quốc đã đẩy toàn bộ dư luận quốc tế về phía Mỹ. Từ đó, dư luận cho rằng Mỹ vẫn là nước chủ đạo ở Biển Đông và Châu Á-Thái Bình Dương.

Hai tác giả cho rằng Trung Quốc nếu vẫn khăng khăng thực hiện chính sách cứng rắn như hiện nay ở Biển Đông thì rốt cuộc sẽ đưa lại hậu quả là “vẽ hổ thành chó”.


Hai tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản và một tàu chiến Philippines tham gia tập trận chung trên biển Đông tháng 5/2015. (Ảnh: SCMP)

Hai tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản và một tàu chiến Philippines tham gia tập trận chung trên biển Đông tháng 5/2015. (Ảnh: SCMP)

Đúng như các học giả đánh giá, bối cảnh hiện nay khác xa với những thời kỳ trước đây khi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, và một phần Trường Sa.

Giờ đây các nước ASEAN đã trở thành Khối cộng đồng chung, gắn bó, hợp tác, đoàn kết và có sự đồng thuận hơn trước, nên họ rất cảnh giác đối với Trung Quốc.

Trong khi đó chẳng những Mỹ, Nhật mà các nước như Australia, New Zealand cùng các nước khác ngoài khu vực trên thế giới cũng nhận thức được mối đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông và Châu Á-Thái Bình Dương.

Bởi vì, nếu chiếm được Biển Đông, Trung Quốc sẽ đe dọa toàn bộ quân Mỹ ở Biển Đông tới eo biển Malacca và sang phía tây Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh này, Trung Quốc sẽ không dễ dàng tạo ra thêm những “Gạc Ma mới” thời gian tới, bởi lẽ họ sẽ bị toàn thế giới lên án./

TÁC GIẢ KIỀU TỈNH
Tác giả từng theo học tại Học viện Ngoại thương Bắc Kinh trong thập niên 1960, sau đó công tác tại TTXVN từ năm 1983 tới năm 2006. Ông là Trưởng Phân xã TTXVN tại Bắc Kinh từ 1984–1991, Trưởng Phân xã TTXVN tại Hồng Kông từ 1996-2001 và 2004–2006.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại