Quốc hội bế mạc Kỳ họp thứ 7, chốt tăng lương cơ sở từ 1/7

ANH VĂN |

Tại phiên bế mạc, đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7.

Sáng 29/6, Quốc hội bước vào ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7.

Theo nghị trình, đầu giờ làm việc, Quốc hội biểu quyết thông qua 3 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023" cũng sẽ được bấm nút thông qua.

Quốc hội bế mạc Kỳ họp thứ 7, chốt tăng lương cơ sở từ 1/7- Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự án luật tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: quochoi.vn)

Từ 9h30, Quốc hội họp phiên bế mạc.

Bên cạnh Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ được đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua.

Đáng chú ý, trong Nghị quyết chung của kỳ họp sẽ có nội dung thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7 theo đề xuất của Chính phủ.

Ngoài ra, Nghị quyết này cũng bao gồm nội dung về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giảm thuế giá trị gia tăng; phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn và một số nội dung liên quan đến việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 (nếu có).

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, chiều 25/6, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo Quốc hội về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Chính phủ đề xuất tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng; tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng; bổ sung quỹ tiền thưởng của khu vực công bằng 10% quỹ lương cơ bản.

Trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9% từ 360 nghìn lên 500 nghìn đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng 6%.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là mức tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người lao động, tạo động lực nâng cao năng suất.

Việc bổ sung 10% quỹ tiền thưởng giúp các cơ quan có thêm cơ chế khen thưởng; đồng thời có cơ sở hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, ban đầu với mức lương cơ sở tăng bình quân 20%, tổng kinh phí trong 3 năm khoảng 760 nghìn tỷ đồng. Khi Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở 30% và 10% tiền thưởng và các chính sách liên quan, tổng mức kinh phí lên đến 913.300 tỷ đồng, tăng thêm 127 nghìn đồng so với phương án báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Về nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan, bà Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: "Nguồn này Chính phủ đảm bảo được".

Đến nay, Chính phủ tích lũy được 680 nghìn tỷ đồng. Trong 2 năm (2025 - 2026), với những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế và các giải pháp tăng thu, dự kiến sẽ đảm bảo được nguồn tiền để thực hiện tổng thể các chương trình.

Từ nay đến năm 2026, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, chặng đường tới phải có giải pháp rất quyết liệt, cụ thể về tiết kiệm chi, tăng thu, đồng thời để báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung Nghị quyết 27 để thực hiện giai đoạn sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại