Quốc gia này đang khiến châu Âu phải “ngậm ngùi” chi hàng chục tỷ USD để nhập khẩu dầu Nga, kiếm bộn tiền nhờ “buôn” dầu giá rẻ

Như Quỳnh |

Dù tuyên bố mạnh tay trừng phạt Nga, châu Âu vẫn đang phải nhập khẩu gián tiếp dầu thô của Nga do cấm vận ngày càng gặp khó.

Theo Bloomberg, mặc dù tuyên bố cấm vận dầu Nga tuy nhiên châu Âu lại đang mua dầu Nga một cách gián tiếp thông qua Ấn Độ. Theo số liệu từ Bộ Thương mại Ấn Độ, doanh số bán các sản phẩm tinh chế từ dầu thô của quốc gia Nam Á này đến châu Âu đã tăng lên hơn 70%, đạt 15 tỷ USD được thúc đẩy bởi mức giá hấp dẫn mà Moscow đưa ra cùng khoản lợi nhuận khổng lồ mà Ấn Độ có thể cấm được. Thêm vào đó nguy cơ giá năng lượng tăng mạnh trở lại đã khiến lệnh cấm của châu Âu đối với việc bán lại dầu Nga trở nên ngày càng khó khăn.

Xung đột giữa Nga và Ukraine khiến Nga phải tìm các khách hàng mới cho dầu thô của mình. Dòng chảy dầu thô của Nga đã hướng đến châu Á cùng với mức giá không thể hấp dẫn hơn. Dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ cho thấy, nhập khẩu dầu thô từ quốc gia bị trừng phạt này đã tăng lên 31 tỷ USD trong vòng 12 tháng (tính đến T3/2023). Con số này tăng mạnh mẽ so với kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt 2,5 tỷ USD vào 1 năm trước đó.

Quốc gia này đang khiến châu Âu phải “ngậm ngùi” chi hàng chục tỷ USD để nhập khẩu dầu Nga, kiếm bộn tiền nhờ “buôn” dầu giá rẻ - Ảnh 1.

Ấn Độ tăng nhập khẩu dầu thô của Nga và tăng xuất khẩu sản phẩm tinh chế đến châu Âu. Đồ họa: Reuters

Hiện nay, Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất sang Ấn Độ, vượt qua Iraq và Saudi Arabia. So với mức giá trần 60 USD/thùng mà G7 áp đặt, Ấn Độ được mua với giá ưu đãi hơn vài USD mỗi thùng. Một phần của những lô hàng dầu thô này được dùng cho tiêu dùng nội địa và giúp hạ nhiệt lạm phát.

Phần còn lại đang được tinh chế và vận chuyển dưới dạng dầu diesel và nhiên liệu máy bay sang phương Tây, tạo kẽ hở cản trở những nỗ lực bóp nghẹt nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Theo dữ liệu của Kpler, nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của châu Âu đã tăng lên 200.000 thùng/ngày sau khi EU cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu thô của Nga vào ngày 5/2 từ mức 154.000 thùng trước đó.

Nhận thấy một vấn đề ngày càng gia tăng, nhà ngoại giao hàng đầu của EU - ông Josep Borrell đã kêu gọi ngăn chặn việc mua dầu gián tiếp như vậy bằng cách đánh thuế đối với các nhà máy lọc dầu tư nhân bao gồm Reliance Industries của tỷ phú Mukesh Ambani và Nayara do Rosneft hậu thuẫn. Những công ty này chiếm đến 60% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga vào tháng 1, theo dữ liệu của Vortexa.

Tuy nhiên, việc thực thi một lệnh cấm vận toàn diện như vậy đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí từ tất cả 27 quốc gia EU - một điều rất khó khăn. Các nhà máy lọc dầu thường pha trộn một rổ dầu thô từ các nguồn khác nhau trước khi xử lý, gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc của mỗi thùng. Và New Delhi lập luận rằng những sản phẩm này không thể bị trừng phạt do không liên quan đến dầu Nga mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Để tránh xung đột công khai với Ấn Độ, EU có thể cố gắng nhắm mục tiêu vào các công ty châu Âu mua dầu tinh chế có nguồn gốc từ Nga. Tuy nhiên Brussels cũng sẽ lưu ý rằng lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu cốt lõi vẫn ở mức 7%. Vì vậy việc chuyển hướng xuất khẩu dầu thô ra khỏi khối có thể khơi lại một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

Theo Bloomberg, FT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại