Cửa an ninh của sân bay Cairo, Ai Cập được đặt ở lối vào phòng chờ trước khi ra máy bay. Hành khách phải để hành lý đi qua máy quét lớn, đưa hộ chiếu và vé máy bay cho nhân viên kiểm tra rồi đi bộ qua cổng từ.
Đây cũng chính là lúc phóng viên Claire Read của BBC gặp rắc rối.
Nữ nhân viên an ninh phát hiện trong túi quần bên phải của cô có vật thể lạ. Read tưởng đó là khăn giấy nên rút ra ngoài nhưng ngay lập tức bối rối khi biết đó là một chiếc băng vệ sinh (tampon). Nữ nhân viên nhướn mày và tiếp tục hỏi: "Cái này là gì vậy?".
Sau một hồi giải thích qua lại, Read cũng giúp cô nhân viên hình dung ra công dụng của loại băng vệ sinh này dù ban đầu có chút ngượng nghịu. Trong khi đó, hành lý của của Read cũng bị giữ lại vì các loại dây và micro.
Sau đó, Read hỏi nữ nhân viên có muốn xem hướng dẫn sử dụng tampon không nhưng cũng nhận được thắc mắc: "Cô vẫn còn thứ đó à? Chúng tôi phải kiểm tra qua máy quét".
Đây không phải lần đầu tiên Read chứng kiến những phản ứng như thế này. Cô cũng từng nghe những câu chuyện tương tự về sự bối rối của nhân viên an ninh Ai Cập khi phát hiện loại băng vệ sinh này cũng như sự tò mò của phụ nữ Ai Cập về nó.
Ở Ai Cập, việc giáo dục giới tính còn nhiều bất cập. Giáo dục giới tính chủ yếu hướng đến các bậc phụ huynh trong khi ở trường, các bé gái vẫn chưa được trang bị kiến thức về tuổi dậy thì dù đã bắt đầu có kinh nguyệt.
Thậm chí trong tiếng Arab, chu kỳ kinh nguyệt còn được xem là "đáng xấu hổ". Các hiệu thuốc cũng có thể đưa ra lời khuyên lệch lạc, báo chí đôi khi làm dấy lên những hiểu lầm. Một bài báo gần đây còn viết về cuộc trò chuyện đầy lo lắng của ba bà mẹ về sự nguy hiểm của băng vệ sinh.
Trở lại với câu chuyện ở sân bay Cairo, hộp tampon của Read buộc phải đi qua máy quét một lần nữa. Khi ấy, nữ nhân viên nhìn lướt qua các chỉ dẫn trên vỏ hộp. Thậm chí cô còn cúi xuống và hỏi nhỏ Read: "Liệu tôi có thể mua thứ này ở Ai Cập không?"
Read vui mừng gật đầu và thầm ước có thể đưa cô này vài chiếc.