T-14 Armata nâng cấp súng máy: Trang quân sự Army Recognition dẫn lời phát ngôn viên nhà máy tăng thiết giáp Degtyaryov cho biết, hệ thống súng máy 7,62mm trên siêu tăng T-14 Armata sẽ được nâng cấp để chúng hoàn toàn tự động hóa, kể cả việc nạp đạn.
Cụ thể, tổ hợp súng máy PKTM 7.62mm điều khiển từ xa được tích hợp sẵn trên T-14 hiện tại sẽ có khả năng tự thay đạn và hệ thống phòng vệ chủ động mới.
Theo đó, T-14 Armata sẽ được trang bị súng máy tự động PKTM 7.62mm do Kalashnikov chế tạo, còn hệ thống nạp đạn tự động trên tổ hợp vũ khí điều khiển từ xa là được Degtyaryov sản xuất.
Trước đó trên các nguyên mẫu T-14 Armata ban đầu, tổ hợp súng máy tự động điều khiển từ xa PKTM được nạp đạn hoàn toàn thủ công tuy nhiên vấn đề này đã được khắc phục và kíp chiến đấu của T-14 chỉ cần dùng một nút bấm để thay đạn cho tổ hợp vũ khí tự động này.
Sau khi nâng cấp, hệ thống súng máy tự động 7,62mm sẽ có tốc độ bắn nhanh hơn hẳn phiên bản cũ và nó có thể bắn tới 700-800 viên/phút với phạm vi hiệu quả tầm 1,5km.
Xe Kurganets-25 bị chê tơi tả: Không chỉ tiến hành nâng cấp súng máy cho T-14 khi dòng tăng này chưa được trang bị, một phiên bản khác của Armata là xe chiến đấu Kurganets-25 với nhiều tính năng đặc biệt đã bị Mỹ chê là lạc hậu, trang Strategypage của Mỹ dẫn phân tích của một số chuyên gia cho biết.
Theo phân tích của trang mạng này, Kurganets-25 có thiết kế khá giống với mẫu xe chiến đấu bộ binh Bradley M-2 của Mỹ, vì nó cũng được trang bị một tháp pháo tự động 25mm cùng với tên lửa chống tăng có điều khiển được gắn ở 2 bên, ngoài ra còn có súng máy 7,62mm.
Tháp pháo được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động.
Theo những thông tin ban đầu, Kurganets-25 có trọng lượng khoảng 25 tấn và động cơ sẽ được lắp phía trước, xe có thể mang theo kíp lái 3 người cùng 6 hoặc 7 lính bộ binh đi kèm.
Hiện nay, việc phát triển Kurganets-25 đang vấp phải một số ý kiến phản đối của các nhà phân tích quân sự, khi Bộ Quốc phòng Nga bỏ qua chi tiết là Mỹ đã đang muốn ngưng sử dụng xe chiến đấu bộ binh M-2.
Nguyên do vì loại xe này kém hiệu quả trong việc chống lại các thiết bị nổ tự chế so với xe tăng M-1, xe thiết giáp đa năng Stryker và xe thiết giáp kháng mìn MRAP - những loại xe có khả năng sống sót cao hơn M-2 khi bị tấn công bởi vũ khí tự tạo.
Hiện nay, Mỹ đang tiến hành nâng cấp những chiếc M-2 để chúng phù hợp hơn cho tác chiến đô thị cũng như tăng khả năng sống sót của chúng trước các loại vũ khí tự tạo.
Điển hình là việc trang bị các tấm giáp lồng xung quanh xe để chống lại các loại mìn tự chế, tự động hóa hệ thống vũ khí cá nhân trên tháp pháo và tăng cường khả năng chống đạn với giáp chống đạn được gắn trên tháp pháo của xe nhằm bảo vệ binh lính khỏi hỏa lực cá nhân.
Ngoài ra, chiếc Bradley M-2 cũng được trang bị một số khả năng giúp nó phù hợp với điều kiện tác chiến mới hiện nay của Quân đội Mỹ.
Với những nâng cấp trên, trọng lượng của chiếc M-2 bị đẩy lên hơn 30 tấn. M-2 còn được nâng cấp động cơ từ 600 lên 800 mã lực, trang bị pháo tự động mạnh mẽ hơn với cỡ 30-40mm và hệ thống kiếm soát điện tử trên xe.
Dự kiến ban đầu, các phiên bản nâng cấp của M-2 sẽ được cho ra mắt vào 2012 nhưng nó đã bị hoãn lại do Quân đội Mỹ cho rằng M-2 này không còn phù hợp so với các mẫu xe Stryker và MRAP được thiết kế có thể chịu được các vụ nổ ở cự ly gần.
Từ những phân tích trên, Strategypage cho rằng trong khi Mỹ đang dần loại biên những chiếc M-2 thì người Nga lại tin dùng và tung hô với Kurganets-25 (có thiết kế tương tự), vì vậy chất lượng và sức mạnh của dòng xe chiến đấu này hiện vẫn là dấu hỏi lớn. (Ảnh trong bài: Tăng T-14 Armata và xe chiến đấu Kurganets-25).