Vũ khí giúp Mỹ đẩy lùi cơn ác mộng đáng sợ ngang Tu-22M ở châu Á

Đức Anh |

Mỹ từng thở phào khi một cuộc tấn công bằng máy bay ném bom Tu-22M từ phía Liên Xô không xảy ra. Tuy nhiên, khi TQ triển khai chiến lược A2/AD, nỗi lo sợ tương tự lại dấy lên.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Dave Majumdar cho rằng Hải quân Mỹ cần tới một loại tiêm kích tương tự như F-4 trước đây để có thể ứng phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ các loại máy bay hiện đại của Nga, Trung Quốc.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Mặc dù các yêu cầu về khả năng tấn công tầm xa trên tàu sân bay là chủ đề thường xuyên trong các cuộc thảo luận ở Washington nhưng nhu cầu của Hải quân Mỹ trong việc cải thiện năng lực chiếm ưu thế trên không thường bị không được để tâm.

Hải quân Mỹ không có một loại máy bay chiến đấu chuyên dụng nào cho nhiệm vụ không đối không khi họ ngừng hoạt động của tiêm kích F-14 Tomcat từ năm 2006, sau khi mối đe dọa từ Liên Xô chấm dứt.

Từ những năm 1980 đến khi ngưng hoạt động, F-14 là tiêm kích chiếm ưu thế trên không, phòng thủ hạm đội và trinh sát tầm xa chủ lực của Hải quân Mỹ.

Song giờ đây, khi tàu sân bay Mỹ đối mặt với các mối đe dọa mới và đối thủ của Washington bắt đầu triển khai các loại chiến đấu cơ có thể thách thức F/A-18 E/F và F-35 thì sứ mệnh bị sao nhãng Hải quân Mỹ mới được chú trọng trở lại, đặc biệt là ở Tây Thái Bình Dương.

“Loại máy bay mới phải là tiêm kích chiếm ưu thế trên không”, bản báo cáo gần đây của Viện Hudson viết.

Bản báo cáo lưu ý rằng, cả Super Hornet và F-35C đang đối mặt với sự thách thức nghiêm trọng từ phía máy bay chiến đấu thế hệ 5 PAK FA (T-50) do Nga chế tạo và Chengdu J-20 của Trung Quốc.

Một số chiến đấu cơ của đối phương như Su-35, Su-30SM hay J-11D, J-15 gây ra mối đe dọa rất lớn cho phi đội Super Hornet.

Đó là nhận định của nhiều quan chức trong ngành công nghiệp quốc phòng, hải quân, không quân, thậm chí cả những phi công của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Cả F/A-18 E/F và F-35 sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt đáng kể khả năng siêu tốc, tầm xa, tầm cao, tàng hình, khả năng mang nhiều tên lửa so với máy bay đối phương như T-50 hay J-20.

Những máy bay này có khả năng tấn công hiệu quả các tàu sân bay hiện tại hay tương lai của Mỹ và xâm nhập hệ thống phòng thủ để tấn công các mục tiêu có giá trị cao như máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm (AEW), chống ngầm và tiếp dầu.

F/A-18 và F-35 bất lợi về tốc độ

Tốc độ tối đa của tiêm kích trên hạm F/A-18E/F Super Hornet chỉ khoảng Mach 1,8 so với Mach 2,5 của J-11.
Tốc độ tối đa của tiêm kích trên hạm F/A-18E/F Super Hornet chỉ khoảng Mach 1,8 so với Mach 2,5 của J-11.

Hiện tại, tiêm kích hạm chủ lực F/A-18 E/F Super Hornet của Mỹ phải đối mặt với bất lợi về tốc độ trước tiêm kích J-11 Trung Quốc.

Còn F-35C chỉ có thể mang theo 2 tên lửa AIM-120 trong khoang, điều này giới hạn khả năng của nó trong điều kiện điện từ phức tạp.

"Tạm thời, hải quân và không quân nên đẩy nhanh tiến độ nâng cấp F-35C lên Block 5 để nó có thể mang theo 6 tên lửa AIM-120 trong khoang" - Bản báo cáo viết.

F-35C chưa từng được thiết kế để trở thành máy bay chiếm ưu thế trên không. Những năm 1990, các nhà hoạch định chiến lược hải quân muốn JSF là một phi cơ tấn công có định hướng.

Theo một cựu quan chức Hải quân Mỹ, máy bay này có khả năng tác chiến không đối không rất hạn chế.

Vào thời điểm thảo luận việc cho F-14 "nghỉ hưu", một số nhà hoạch định Mỹ ủng hộ duy trì hoạt động các máy bay A-6 Intruder.

Nhưng ở thời điểm đó, nhiều quan chức quân đội tin rằng, sau khi Liên Xô sụp đổ, định hướng của hầu hết các cuộc xung đột trong tương lai sẽ là tác chiến không đối đất.

Cùng với việc thiếu kinh phí, có lẽ đó là lý do tại sao hải quân không tiếp tục dự án Máy bay chiến thuật hải quân nâng cao (NATF) hay dự án sau đó là A/FX.

Chương trình F/A-XX hiện nay có thể lấp chỗ trống trong năng lực chiếm ưu thế trên không của Hải quân Mỹ kể từ khi F-14 ngưng hoạt động và sự sụp đổ của dự án A/FX.

Song, vấn đề là, Hải quân Mỹ theo đuổi dự án F/A-XX để tạo ra một mẫu tiêm kích Super Hornet đa nhiệm, thay vì cho ra đời một cỗ máy chuyên dụng chiếm ưu thế trên không.

Hải quân cần tiêm kích F-14 mới

Một Tomcat mới trong thế kỷ 21 sẽ giúp tăng cường năng lực chiếm ưu thế trên không của Hải quân Mỹ trước các mối đe dọa mới.
Một Tomcat mới trong thế kỷ 21 sẽ giúp tăng cường năng lực chiếm ưu thế trên không của Hải quân Mỹ trước các mối đe dọa mới.

Dẫn lời Chuẩn Đô đốc Mike Manazir, Giám đốc chương trình tác chiến trên không của Hải quân Mỹ từng nói, bản báo cáo cho rằng:

Hải quân Mỹ cần một mẫu máy bay được trang bị nhiều cảm biến chủ động và thụ động, có khả năng bay siêu tốc mà không dùng buồng đốt 2 lần, khoang vũ khí lớn để mang nhiều tên lửa và có không gian cần thiết để áp dụng các công nghệ tương lai như vũ khí viba, laser.

Phương tiện chiếm ưu thế trên không này sẽ có khả năng chống lại các loại vũ khí, máy bay và cảm biến nhắm mục tiêu của đối phương ở một khoảng cách nhất định.

Vào những năm 1980, Hải quân Mỹ đã hình thành một khái niệm không chiến nhằm chống lại cuộc tấn công của Liên Xô, phối hợp giữa máy bay Tu-22M Backfire, tàu ngầm hạt nhân lớp Oscar và nhóm tác chiến mặt nước do tuần dương hạm lớp Kirov dẫn đầu.

Những phương tiện chiến đấu này có thể phóng tên lửa hành trình từ nhiều hướng.

Theo Bob Work, Thứ trưởng quốc phòng Mỹ, Hải quân Mỹ từng khá tự tin rằng họ có thể đánh chìm tàu ngầm Oscar và các tàu chiến mặt nước của Liên Xô trước khi chúng kịp phóng tên lửa nhưng lại không có được sự tự tin tương tự trước các máy bay ném bom Tu-22M.

Trong mô hình không chiến này, các máy bay Tomcat sẽ tìm cách tiêu diệt Tu-22M trước khi chúng kịp bắn tên lửa và ra sức loại trừ bất cứ những tên lửa hành trình nào mà chúng đã phóng đi.

Tuy nhiên, ông Work cho biết, không ai biết chắc hiệu quả của mô hình này nếu giao chiến với Liên Xô. Rất may là điều đó đã không xảy ra.

Song giờ đây, khi Trung Quốc triển khai chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) thì mối đe dọa đó một lần nữa xuất hiện.

Mặc dù các dự án F/A-XX của Hải quân và F-X của Không quân Mỹ chưa hoàn thiện nhưng có thể thấy rõ chúng sẽ là những thiết kế khác nhau dựa trên những công nghệ chung.

Để đối phó với các mối đe dọa tương ứng, Hải quân Mỹ có vẻ đang theo đuổi một hình mẫu tiêm kích với khả năng phòng thủ nhiều hơn, còn Không quân Mỹ đang tìm kiếm một loại máy bay tấn công chiếm ưu thế trên không để thay thế F-22 Raptor.

Theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, trong những năm tới, sự khác biệt giữa nhiệm vụ và các mối đe dọa sẽ dẫn đến sực khác biệt đáng kể trong chương trình F/A-XX và F-X, tương tự như 2 dự án F-22 và F-35.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại