Phần trả lời của bạn Lê Hạnh:
Rất nhiều bài báo của các chuyên gia trong lĩnh vực này, nêu cặn kẽ, phân tích cụ thể về chủng loại tàu Hải quân hiện có, dự kiến có trong tương lai, các vũ khí được trang bị, tính năng kỹ thuật, ưu, nhược, mạnh, yếu trong tác chiến...
Trong câu trả lời, tôi không đưa ra các số liệu chứng minh tính năng ưu việt hay hạn chế của các loại tàu săn ngầm Hải quân Việt nam hiện có (5 cái Petya), hay dự kiến đóng thêm loại “tia chớp” Molniya-2 săn ngầm, vì các chuyên gia đã liệt kê rồi.
Ở đây, tôi chỉ tham gia về vấn đề chủ trương tự đóng mới tàu loại nói trên: Nên hay Không nên?
Đọc các tin Quân sự nước ngoài, tôi rất tâm đắc chủ trương của Thủ tướng Ấn độ Narenda Modi là: Các sản phẩm Quân sự tiên tiến phải “Chế tạo tại Ấn độ”.
Chẳng thế mà Ấn độ sẵn sàng mở gói thầu thiết kế, chế tạo, chuyển giao công nghệ tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử, mà chắc sẽ theo mẫu 23000E “Storm” của Nga.
Trong khi Mỹ và Pháp không thể thoả thuận được với Ấn độ do khó khăn trong việc bảo vệ quyền sở hữu phát triển sản phẩm tiên tiến, có nghĩa là: Không chuyển giao công nghệ.
Nếu có nhiều tiền, ta cũng có thể mua được tàu sân bay hoặc các máy bay, tàu chiến cực kỳ hiện đại với số lượng lớn, đậu kín lãnh hải. Nhưng nên hay không nên mua sắm nhiều lúc này?
Trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng nhân Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, có nội dung:
"Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, chú trọng việc ứng dụng, từng bước làm chủ và sáng tạo khoa học công nghệ quốc phòng hiện đại..."
Từ đó thấy rằng, muốn thực hiện được nội dung trên, phải có trong tay công nghệ tiên tiến, hiện đại. Muốn có được công nghệ và làm chủ nó, phải được học tập, chuyển giao. Không có thầy thì ... khó lắm!
Kinh nghiệm và thực tế đã chứng minh rằng, Việt nam có thể chế tạo, cải tạo được các loại tàu hải quân mớn nước nhỏ và trung bình với công nghệ của Nga như tàu tên lửa cao tốc Molniya, tàu pháo TT-400TP...
Đó là các tàu được trang bị vũ khí hiện đại và cải tiến phù hợp với khí hậu nhiệt đới và đặc điểm biển đảo nước ta.
Rồi các loại đạn dược, tên lửa, khí tài khác “Made in Việt nam” tự sản xuất. Chủ động lắm! Tiết kiệm lắm! Tương lai sán lạn lắm! Tự hào lắm!
Có thể nhận ra, các tàu Molniya-2 phiên bản săn ngầm dự kiến đóng tiếp, không mạnh bằng các loại tàu nước ngoài to hơn, hiện đại hơn đang chào bán. Nhưng chắc chắn một điều, tàu hiện đại sẽ rất đắt và không chắc có được chuyển giao công nghệ.
Nếu rẻ và tiếp thu được công nghệ hiện đại, đi tắt đón đầu thì còn gì bằng! E rằng có khó khăn.
Với “đàn ong độc” Molniya đủ các phiên bản, với vận tốc đủ lớn, cơ động, trang bị tương đối đồng bộ, hiện đại, cùng với chiến thuật năng động của chiến tranh nhân dân, những bộ óc thông minh của chỉ huy, chiến sĩ có kinh nghiệm dày dạn...
Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, hiệp đồng tác chiến tốt các loại tàu nổi, tàu ngầm, máy bay, tên lửa bờ biển... Việt nam sẽ giăng bẫy để cảnh báo, răn đe và đập tan các cuộc tiếp cận, xâm lược của kẻ thù.
Song song với việc chế tạo tiếp Molniya để giữ đội ngũ công nhân kỹ thuật, duy trì và phát triển cơ sở nhà xưởng, bến bãi, phương tiện, kinh nghiệm...
Chúng ta có thể nghiên cứu tiếp cận mua thêm những tàu lớn, phiên bản mới, hiện đại để nâng cao sức chiến đấu của Lực lượng Hải quân, tiến vững chắc lên mức Quân đội chính quy hiện đại, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt nam yêu quý.
Như vậy, trong khi chờ cặp Gepard mới, hoặc mua sắm thêm tàu săn ngầm lớn, việc đóng thêm loại Molniya cơ sở, phiên bản chống ngầm, cũng “Nên” lắm chứ!