Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, các siêu pháo hạm là con bài chủ chốt của nhiều lực lượng hải quân. Trong xu hướng khi đó, Nhật Bản từng chế tạo siêu pháo hạm Yamato – chủ lực hạm của Hạm đội Liên hợp của đế quốc Nhật Bản.
Trong khi tuần dương hạm mang máy bay Đô đốc Kuznetsov của Nga có kích thước đồ sộ nhưng cũng chỉ đạt lượng choán nước hơn 61.000 tấn thì tải trọng của Yamato lên tới 72.800 tấn. Tuy to lớn nhưng chiến hạm này có thể di chuyển với tốc độ lên tới 27 hải lý/giờ nhờ buồng máy được trang bị 4 động cơ tua-bin hơi nước. Người Nhật đã dùng tới 8 nồi hơi để tạo ra nguồn động lực làm chạy các động cơ này.
Không chỉ có kích thước to lớn, Yamato được trang bị hỏa lực cực mạnh. Người Nhật lắp trên chủ lực hạm Yamato 9 pháo hạm cỡ nòng 460 mm, nặng hơn 3.000 tấn. Đây là loại pháo hạm lớn nhất từng được chế tạo.
Ngoài hệ thống hỏa lực chính, Yamato còn có “tua tủa” 6 pháo hạm 155 mm, 12 pháo hạm 127 mm, 132 pháo phòng không 25 mm. Để xứng tầm là chủ lực hạm, thiết giáp hạm hàng đầu, Yamato được bọc thép dày 650 mm ở phía trước tháp pháo, 410 mm ở hai bên hông, 200 mm ở sàn tàu trung tâm và 230 mm ở sàn tàu ngoài. Với những thông số này, dường như Yamato là “pháo đài không thể công phá trên biển”.
Sự nguy hiểm của Yamato khiến người Mỹ hết sức lo lắng. Họ quyết tâm bằng mọi giá phải đánh chìm chiến hạm này. Đánh bại Yamato không chỉ là một chiến thắng có ý nghĩa quân sự mà cả về chính trị. Vì vậy, trong suốt cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, Yamato luôn bị săn đuổi.
Ngày 5/4/1945, Yamato nhận lệnh tham gia trận chiến cuối cùng là tiến đánh hạm đội Mỹ ở Okinawa. Nhận thấy sự xuất hiện của Yamato, hải quân Mỹ đã dồn toàn lực quyết đánh chìm siêu chiến hạm này. Sau 2 ngày chiến đấu khốc liệt, Yamato đã nhiều lần trúng ngư lôi. Một nửa tháp pháo phòng không của chiến hạm bị bom Mỹ vô hiệu hóa, nhiều phần con tàu bị ngập nước. Tuy nhiên, Yamato vẫn đứng vững cho đến khi quả ngư lôi thứ 10 đánh trúng hầm đạn của con tàu, khiến nó nổ tung từ bên trong.
Sự kiện siêu pháo hạm Yamato bị đánh chìm từ trên không chính là hồi chuông báo hiệu ngày tàn của chủ lực hạm trong tác chiến hải quân. Từ sau sự kiện này, các nước không đóng mới những tàu chiến to lớn như vậy.
Để ghi nhớ sự tồn tại của Yamato, ngành điện ảnh Nhật Bản đã làm một bộ phim hoành tráng, ghi lại thời khắc cuối cùng của siêu pháo hạm trong trận đánh ở gần Okinawa.