Nếu thành công, đây sẽ là hợp đồng xuất khẩu đầu tiên của chiến đấu cơ Su-35.
Trung Quốc và Nga đã có nhiều năm đàm phán về thương vụ mua bán tiêm kích siêu cơ động Su-35.
Hai bên đã có nhiều mâu thuẫn trong trong quá trình đàm phán về số lượng máy bay. Tuy nhiên những mâu thuẫn phát sinh đã được loại bỏ khi mà Nga đã đồng ý bán cho Trung Quốc 24 chiếc Su-35 thay vì số lượng yêu cầu trước đó là 48 chiếc.
Các phương tiện truyền thông Nga cho biết rằng hợp đồng có thể được ký kết vào năm 2014. Tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải 2012, Chủ tịch Tập đoàn máy bay thống nhất của Nga Mikhail Pogosyan nói rằng:
"Trung Quốc rất quan tâm đến việc mua Su-35, nhưng chúng tôi đã thống nhất với phía Trung Quốc là sẽ không để rò rỉ thông tin trước khi hợp đồng được ký kết, vì vậy tôi sẽ không bình luận về vấn đề này."
Nga đang lo ngại rằng Trung Quốc, sau khi nhận được tổng cộng 24 chiếc Su-35 sẽ tiến hành sao chép loại tiêm kích đa năng này, giống như những gì mà người Trung Quốc đã làm với Su-27SK.
Năm 1995, Nga đã ký một thỏa thuận cấp phép sản xuất cho 200 Su-27SK (J -11A) ở Trung Quốc với tổng số tiền lên tới 2,5 tỷ đô la.
Tuy nhiên, vào năm 2006, Trung Quốc, sau khi nhận được 95 máy bay chiến đấu J-11A thì đã đơn phương phá vỡ hợp đồng, và chuyển sang sản xuất các biến thể tiêm kích riêng của mình với tên gọi J-11B.
Tất nhiên, Nga sẽ vẫn tiếp tục cung cấp các động cơ AL-31FN để trang bị cho các máy bay chiến đấu J -10 của Trung Quốc.
Mil.news.sina.com.cn cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc sẽ mua các động cơ theo tỷ lệ 1:4 (tức là cứ một động cơ sẽ có 4 phụ tùng thay thế kèm theo).
Hiện tại, ngành công nghiệp hàng không của Nga đang cần rất nhiều tiền để tổ chức dây chuyền sản xuất quy mô đầy đủ cho tiêm kích Su-35, cũng như bổ sung nguồn lực để đảm bảo tiến độ cho các dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 5 Sukhoi-T-50, máy bay được chế tạo để thay thế các tiêm kích MiG-29 và Su-27 đã lỗi thời.
Chắc hẳn, người Nga sẽ không để chuyện tương tự xảy ra với siêu tiêm kích T-50 của họ. Chính vì vậy, Nga cần phải bán những chiếc Su-35 cho Trung Quốc để có tiền “đổ” vào dự án phát triển tàng hình cơ thế hệ năm Su-T-50.
Khi đó, Trung Quốc sẽ không còn là nước duy nhất sở hữu Su-35 mà Brazil, Ấn Độ hay Hàn Quốc cũng sẽ là những nước có trong tay loại tiêm kích tối tân này.
Chiến đấu cơ tiên tiến Su-35 được thiết kế để thực hiện như một máy bay chiến đấu thế hệ 4++. Tính năng đặc biệt của máy bay là hệ thống điện tử mới dựa trên hệ thống điện tử kỹ thuật số, hệ thống quản lý thông tin tích hợp, radar quét mạng pha điện tử bị động có thể phát hiện 30 mục tiêu cùng lúc và tấn công đồng thời 8 mục tiêu, cũng như hỗ trợ tấn công 4 mục tiêu trên không và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.
Su-35 có thể thực hiện các nhiệm vụ đối không, đối đất, đối hải bằng các loại vũ khí gắn trên 12 giá treo vú khí như tên lửa không đối không tầm ngắn/tầm trung/tầm cao (R-37), tên lửa không đối đất (K-28, Kh-25, Kh-38), tên lửa không đối hải (Kh-31), tên lửa chống radar, bom dẫn đường bằng laser/TV…Công ty Su-khoi mới đây cho hay, trong năm 2012, máy bay chiến đấu đa chức năng mới nhất Su-35 của họ sẽ bắt đầu được thử nghiệm với các vũ khí chiến đấu.
Động cơ thế hệ năm 117S
Động cơ 117S ban đầu được gọi là AL-37FU – biến thể tinh vi và mạnh mẽ nhất của seri động cơ AL-31F từ trước tới nay.
117S trang bị loại quạt mới có đường kính tăng 3% so với AL-31F (932 mm so với 905 mm), các tuốc bin cao áp và thấp áp mới, hệ thống điều khiển động cơ kỹ thuật số mới (FADEC) và loa phụt điều khiển vector lực đẩy nên tăng được khả năng cơ động của máy bay.
Lực đẩy của động cơ lớn nhất ở chế độ đốt tăng lực lên tới 14,5 tấn (lớn hơn 2 tấn so với AL-31F), ở chế độ không đốt tăng lực đạt 8,8 tấn.
Lực đẩy mạnh giúp máy bay có các đặc tính động học cao, cải thiện tính tăng tốc, giúp phi công dễ dàng cắt đuôi kẻ địch hoặc rút ngắn khoảng cách với đối phương.
Tuổi thọ của động cơ 117S lên tới 4.000 giờ bay với thời gian sửa chữa lớn đầu tiên là 1.000 giờ bay. Trong khi, AL-31F chỉ có tuổi thọ 1.500 giờ bay, thời gian sửa chữa lớn đầu tiên 500 giờ bay.