Vì sao xe chiến đấu mới của Nhật có thể khiến TQ bất an?

Nhật Huy |

Quyết định cắt giảm xe tăng chủ lực, tăng cường xe chiến đấu cơ động là một trong những bước đi trọng tâm trong chiến lược quốc phòng mới của Nhật Bản, trong đó tập trung vào khả năng phòng thủ những hòn đảo nhỏ, nằm cách xa phần lãnh thổ chính.

Bộ quốc phòng Nhật Bản đã công bố một kế hoạch cải tổ toàn diện cơ cấu lực lượng thiết giáp của mình. Theo đó, số lượng xe tăng chiến đấu chủ lực sẽ bị cắt giảm mạnh, từ 740 xuống còn 300 trong vòng 10 năm tới. Đa số sẽ được triển khai tại 2 đảo chính là Hokkaido và Kyushu. Khoảng trống này sẽ được lấp đầy bởi một loại xe chiến đấu mới do Nhật tự thiết kế và sản xuất, gọi là MCV (Maneuver Combat Vehice - Xe chiến đấu cơ động). Dự kiến quân đội nước này sẽ mua từ 200 đến 300 MCV.

Giới thiệu MCV

Bước đi này là một trong những điểm trọng tâm trong chiến lược quốc phòng mới của Nhật Bản, trong đó tập trung vào khả năng phòng thủ những hòn đảo nhỏ, nằm cách xa phần lãnh thổ chính. Thay vì triển khai thường xuyên những tiền đồn phòng thủ tại đó, Nhật Bản quyết định xây dựng những đơn vị cơ động chiến lược, có khả năng triển khai nhanh.

Chiến lược này đòi hỏi một loại thiết giáp mới, gọn nhẹ, nhưng có hỏa lực mạnh. Chương trình MCV được khởi động từ năm 2008, với Mitsubishi Heavy Industries là nhà thầu quốc phòng chính. MCV là xe bọc thép bánh hơi 8x8, nặng 26 tấn, với động cơ diesel có công suất 570 mã lực. Tỷ số công suất trên trọng lượng của MCV tương đương với những xe tăng chủ lực hàng đầu hiện nay, cho phép nó đạt vận tốc tối đa trên đường nhựa lên đến 100 km/h, tầm hoạt động tối đa 400 km.

Xe chiến đấu cơ động (MCV)

Tổ lái gồm 3 người: lái xe, chỉ huy, pháo thủ và người nạp đạn. Vũ khí chính là pháo tăng nòng rãnh L7 105 mm. Ngoài ra còn có 1 súng máy đồng trục 7.62mm NATO, tháp pháo của MCV được dịch chuyển gần phía đuôi xe, trên tháp lắp ụ súng máy 12,7 mm М2 điều khiển bằng tay. Cơ chế tìm và diệt mục tiêu của MCV tương tự như trên xe tăng chủ lực, chỉ huy và pháo thủ được trang bị kính ngắm bức xạ nhiệt riêng, hoạt động độc lập. MCV còn được trang bị máy đo khoảng cách laser, cảm biến thời tiết, cho phép nó khai hỏa trong mọi điều kiện thời tiết và ánh sáng, kể cả khi đang di chuyển.

Vai trò tác chiến chính của MCV là chống đổ bộ, đường không hoặc đường biển. MCV cần được triển khai nhanh, bằng đường sắt hoặc đường không, đến địa điểm đổ bộ của đối phương hỗ trợ hỏa lực cho việc phòng thủ và phản công nếu có thể. Do đó, hướng thiết kế của MCV là ưu tiên việc giới hạn trọng lượng của xe dưới 26 tấn, để có thể được không vận bằng máy bay vận tải C-2. Những đặc tính khác của MCV có thể được hy sinh cho ưu tiên trên như không có cơ chế nạp đạn tự động và lớp giáp bảo vệ tương đối mỏng, chỉ có thể chống lại đạn từ vũ khí cá nhân và mảnh đạn pháo.

Kawasaki C-2 cũng là một chương trình quốc phòng nội địa của Nhật và đang trong giai đoạn cuối của quá trình phát triển

Hình ảnh mô phỏng nhiệm vụ của MCV được in trong tài liệu của Bộ quốc phòng Nhật Bản

Ngoài ra, hình ảnh trên của Bộ quốc phòng Nhật Bản cho thấy bên cạnh nhiệm vụ chống đổ bộ, MCV còn có thể được dùng trong tác chiến đô thị với bộ binh của đối phương. Nhìn chung, MCV không phù hợp với tác chiến trong chiến tranh cơ giới thông thường, đối đầu với đối thủ được có hỏa lực mạnh, do có lớp giáp khá yếu. Tuy nhiên, đây không phải là yêu cầu nhiệm vụ của MCV vì đối phương khi đổ bộ cũng khó có thể triển khai những vũ khí hạng nặng.

Khả năng cơ động chiến lược vẫn là ưu tiên cao nhất của MCV. Không phải ngẫu nhiên mà Nhật quyết định tự phát triển C-2, khi mà trên thị trường có rất nhiều máy bay vận tải hạng trung như C-130 hay A400. Chúng đều là những máy bay cánh quạt, trong khi C-2 sử dụng động cơ phản lực và có lợi thế về tốc độ, cho phép rút ngắn tối đa thời gian triển khai.

Việc Nhật Bản đưa MCV vào sử dụng không chỉ có ý nghĩa đối với khả năng phòng thủ của nước này mà còn có thể tác động đến cán cân quân sự trong khu vực. Mỹ và Nhật Bản gần đây đã công bố một số điểm dự kiến được sửa đổi trong bản thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương giữa 2 nước. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc quy mô của sự hợp tác này sẽ không chỉ giới hạn trong việc bảo vệ Nhật Bản mà còn có thể mở rộng ra khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Như vậy, viễn cảnh Nhật cho triển khai những đơn vị cơ động chiến lược, được trang bị những vũ khí như MCV đến Đài Loan hay thậm chí là bán đảo Triều Tiên, nếu được Mỹ yêu cầu trợ giúp, là hoàn toàn có thể xảy ra. Và dĩ nhiên Trung Quốc sẽ là nước cảm thấy bị đe dọa nhiều nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại