Vì sao Nga dùng đồng thời cả Su-30M2, Su-30SM và Su-35?

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Đó là câu hỏi mà các chuyên gia phương Tây luôn băn khoăn về nguyên tắc mua sắm các máy bay chiến đấu của Bộ Quốc phòng Nga.

Trong một bài viết đăng trên trang mạng War is Boring, các chuyên gia phương Tây nhận định rằng có vẻ như đang có vấn đề về tính thiết thực khi Không quân Nga sử dụng đồng thời 3 biến thể khác nhau của Su-27. Nội dung bài viết như sau:

Hiện nay, Nga đang sản xuất và mua 3 loại máy bay là các biến thể hiện đại hóa sâu của máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng Su-27 (Flanker theo phân loại của NATO), gồm Su-30M2, Su-30SM và Su-35. Khối lượng mua của mỗi loại máy bay này lên tới hàng chục chiếc. Chúng được thiết kế bởi Cục Thiết kế Sukhoi và được sản xuất bởi hai doanh nghiệp khác nhau - Nhà máy hàng không Komsomolsk-on-Amur (KnAAZ) và Nhà máy hàng không Irkutsk của Công ty Irkut. Lựa chọn này của Nga khá lạ và có thể dẫn đến chi phí tài chính đáng kể.

Trong khi đó, Không quân Mỹ đang có xu hướng sử dụng một máy bay chiến đấu duy nhất trong khái niệm JSF (Joint Strike Fighter – máy bay chiến đấu kết hợp) là F-35 Lightning II. Quân đội Mỹ đã khẳng định sự cần thiết của việc mua 1.763 máy bay mới để thay thế hầu hết các máy bay chiến đấu hiện đang phục vụ và tăng khả năng chiến đấu của lực lượng không quân nước này.

Bộ Quốc phòng Nga không giải thích nguyên tắc của việc mua sắm các máy bay chiến đấu, nhưng các chuyên gia tin rằng điều này có liên quân đến việc duy trì hoạt động của 2 công ty trong nước, trong bối cảnh khối lượng xuất khẩu máy bay chiến đấu đang suy giảm. Chiến lược trên, theo các chuyên gia nước ngoài, có tác động tích cực vào việc cải thiện khả năng chiến đấu của Không quân Nga, lực lượng hiện vẫn đang sử dụng phần lớn các máy bay chuyển giao trong những năm 80 và 90. Trong khi các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mới T-50 (PAK FA) được biết đến rộng rãi cả ở Nga và ở nước ngoài, thì việc Su-30M2 và Su-30SM và Su-35 có mặt trong Không lực Nga lại không gây được nhiều sự chú ý.

Tạo uy tín trong mắt khách hàng nước ngoài

Trong số ba loại tiêm kích, Su-30M2, có lẽ là loại tiêm kích có khả năng ít nhất do mức độ hiện đại hóa thấp hơn so với hai loại tiêm kích còn lại.

Su-30M2 được sản xuất tại KnAAZ.

Su-30M2 được sản xuất tại KnAAZ.

Trước đây có thông tin cho rằng Su-30M2 đã được Không quân Nga mua sau khi hỏa thuận với Trung Quốc thất bại. Su-35S được trang bị động cơ mạnh mẽ hơn, hệ thống điện tử và vũ khí tiên tiến hơn. Trong khi đó, Su-30SM lại có chi phí thấp hơn, và sự hiện diện của hai thành viên trong phi hành đoàn cho phép máy bay có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu phức tạp hơn và hiệu quả hơn trong đào tạo phi công. Hiện triển vọng xuất khẩu các máy bay đang rất mơ hồ. Trên thế giới, nhiều nước vẫn đang sử dụng một số lượng lớn các máy bay dòng Su-30.

Ấn Độ và Trung Quốc thì đang tích cực sản xuất các máy bay theo giấy phép. Malaysia đã quyết định không mua máy bay chiến đấu Su-30MKM bổ sung và quyết định bỏ tiền đi thuê máy bay. Indonesia có thể sẽ mua Su-30 để thay thế các máy bay đã lỗi thời F-5, nhưng ngay cả khi hợp đồng được ký kết thì máy bay chiến đấu cũng chỉ được nhập khẩu với số lượng tương đối nhỏ. Quyết định của Moscow về việc mua sắm cả ba loại máy bay thực chất là nhằm mục đích hỗ trợ cho các nhà sản xuất KnAAZ và Irkut. Đồng thời, việc sử dụng cả ba trong lực lượng không quân sẽ cho phép Nga tạo dựng uy tín cho các tiêm kích dòng Su-30 trong mắt khách hàng nước ngoài.

Su-35S được sản xuất tại KnAAZ.

Su-35S được sản xuất tại KnAAZ.

Đợi chờ T-50

Hiện nay, Không quân Nga đang rất cần các máy bay chiến đấu mới. T-50 sẽ được đưa vào hoạt động sau một vài năm tới. Trái ngược lại với F-35 của Mỹ, T-50 không được thử nghiệm một cách công khai. Theo một số báo cáo, dự án T-50 đã có thể thay đổi đáng kể, nhưng mức độ thay đổi không được xác định.

Thời hạn của chương trình T-50 liên tục bị lùi lại, khả năng 60 chiếc T-50 được bàn giao trong 2016-2020 là không cao. Trong khi đó, Nga lại đang rất cần nâng cấp các phi đội máy bay của mình để thay thế cho các máy bay đã lỗi thời. Vì vậy, Su-30M2, Su-30SM và Su-35S là sự thay thế hoàn hảo cho T-50 trong thời gian loại tiêm kích thế hệ năm này chưa được sản xuất hàng loạt và đưa vào sử dụng với số lượng lớn. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và khủng hoảng kinh tế liên tiếp, khối lượng sản xuất máy bay quân sự của Nga đã đã giảm đáng kể. Mặc dù thực tế rằng các máy bay nói trên có hiệu suất cao hơn so với người tiền nhiệm của chúng, thì việc mới chỉ mua hàng chục các máy bay nói trên là chưa thể cải thiện đáng kể tình hình. MiG-29, một loại tiêm kích có trọng lượng nhẹ hơn so với máy bay chiến đấu Su-27, đã và đang được sử dụng với quy mô nhỏ hơn.

Tàng hình cơ thế hệ năm T-50.

Tàng hình cơ thế hệ năm T-50.

Gần đây, Algeria đã từ chối mua một trung đoàn MiG-29SMT đã qua sử dụng. Máy bay chiến đấu đánh chặn MiG-31 vẫn còn được sử dụng, nhưng chỉ một số ít trong số chúng đã được nâng cấp lên biến thể hiện đại MiG-31BM và không phải tất cả các máy bay này đều nhận được những loại vũ khí tiên tiến.

Điều đó có nghĩa rằng, Sukhoi sẽ vẫn bảo vệ bầu trời Nga trong thời gian dài. Hiện nay, triển vọng ký kết hợp đồng về việc cung cấp các Su-30M2 và Su-30SM và Su-35 cho Không quân Nga không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, tương lai của máy bay chiến đấu Nga phụ thuộc phần lớn vào sự phát triển của chương trình tạo ra máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các chuyên gia phương Tây

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại