Như thông tin mà Bộ Quốc phòng Nga đã đưa, vấn đề chế tạo một tàu sân bay sẽ được giải quyết trong khoảng thời gian không sớm hơn 5 năm. Kế hoạch xây mới tàu sân bay không có trong Chương trình vũ khí Nhà nước đến năm 2020 của Nga.
“Tàu sân bay - Đây là quyết định địa chính trị chứ không phải là quân sự-kỹ thuật. Về mặt quân sự-kỹ thuật, chúng tôi đã chứng minh vào ngày 16 tháng 11 năm ngoái rằng Nga có khả năng để thiết lập một hạm đội tàu sân bay của mình." - Ông Rogozin nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Liên bang Nga.
“Nó sẽ được thực thi. Nhưng trong lúc này, công việc như vậy là không thực sự cần thiết" - Ông Rogozin nhấn mạnh khi nói về chương trình vũ khí nhà nước năm 2016-2020.
Hiện nay, trong biên chế của hải quân Nga chỉ có duy nhất một tàu sân bay, được chế tạo từ năm 1982 tại xưởng đóng tàu Ukraina ở Nikolaev. Đây là tàu sân bay Riga. Có thời điểm nó được gọi là Leonid Brezhnev, Tbilisi, và từ mùa thu năm 1990 đến nay, con tàu được mang tên Đô đốc Kuznetsov.
Một số thông tin trong thời gian gầy đây cho biết Hải quân Nga đang phát triển tàu sân bay thế hệ tiếp theo tại Cục thiết kế Nevskoye để thay thế tàu sân bay Kuznetsov. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, điện Kremlin vẫn chưa quyết định việc đóng con tàu này.
Tiêm kích Su-27 trên tàu sân bay duy nhất của Nga - Kuznetsov.
Theo một số chuyên gia quân sự, Nga có đầy đủ khả năng để tạo ra các hạm đội tàu sân bay hùng mạnh. Tính đến năm 1991, Hải quân Liên Xô/Nga đã có tới hơn 100 tàu chiến được chế tạo, quá đủ để tạo ra 15 nhóm tàu sân bay. Hiện còn khoảng 30 tàu chiến như vậy đang phục vụ trong Hải quân Nga. Đây có thể nói là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các nhóm tàu sân bay của Hải quân Nga. Chỉ cần đóng thêm các tàu sân bay là Nga đã có trong tay các nhóm tàu sân bay thỏa sức vùng vẫy trên đại dương.
Ngoài ra, sẽ không cần phải chi tiêu thêm tiền để phát triển thêm các máy bay trên hạm. Hải quân Nga đang có những biến thể máy bay chiến đấu vô cùng hiện đại. Trong đó, theo công bố, tàng hình cơ thế hệ năm T-50 sẽ có cả biến thể trên hạm. Điều này có nghĩa rằng Nga chỉ cần phân bổ lại trật tự cho các máy bay mới vào năm 2020 – giảm các biến thể “trên bờ” của MiG-29, Su-35, T-50 và tăng số lượng các máy bay chiến đấu trên hạm cho hải quân là Nga có thể tạo ra các hạm đội tàu sân bay hùng hậu.
Vậy tại sao Nga vẫn chần chừ đóng tàu sân bay mới? Có nhiều ý kiến phỏng đoán đã được đưa ra sau tuyên bố của ông Rogozin.
Một số cho rằng so với Mỹ, Nga đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào lục quân và không quân. Vì vậy, họ không thể đầu tư vào hải quân nhiều như người Mỹ.
Hồi tháng 4 năm nay, một bài viết đăng trên trang mạng Topwar (Nga) nhận định, để cân bằng về lực lượng với Mỹ (xét về số lượng, chưa nói đến chất lượng), quân đội Nga cần từ 18-19 tàu sân bay và 2.157 máy bay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp đối phó thích hợp với các nhóm tác chiến tàu sân bay không phải là tàu sân bay mà là các loại tên lửa hành trình siêu thanh, tàu ngầm mang tên lửa hành trình.
Bên cạnh đó, theo một số ý kiến khác, sở dĩ Nga chưa vội đóng tàu sân bay là do những khu vực biển mà Hải quân Nga hoạt động không thực sự thích hợp để triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay. Hải quân Nga cũng không được tổ chức hay huấn luyện để kiểm soát các vùng biển xa xôi. Đóng thêm tàu sân bay với Nga có thể là một sự lãng phí thời gian và tiền của.
Bạn là người yêu màu xanh áo lính, bạn có đam mê tìm hiểu các loại vũ khí - khí tài trang thiết bị quân sự cũng như chiến thuật - chiến lược - chiến sử của quân đội các nước trên thế giới và muốn có nơi để thể hiện những hiểu biết của mình. Hãy gửi cho chúng tôi tin hoặc bài viết CHƯA TỪNG ĐƯỢC ĐĂNG TẢI trên các báo, trang mạng khác vào địa chỉ email: quansu@soha.vn. Nếu tin bài của bạn được đăng tải, bạn sẽ được trả nhuận bút trong vòng 24h và có cơ hội nhận được 500.000 đồng cho những nội dung xuất sắc nhất trong ngày. |