Vì sao Mỹ khôi phục "Tinh Môn" chống hạt nhân Liên Xô?

Đỗ Phong |

Xung quanh những đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga, Lầu Năm Góc đã khôi phục và hiện đại hóa căn cứ Stargate (Tinh Môn)

Stargate thực chất là khu phức hợp quân sự núi Cheyenne, một trong những biểu tượng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Nó được xây dựng như một thị trấn khép kín nằm sâu dưới lòng núi Rocky, có khả năng chịu được một cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô.

Đây từng là nhà của Bộ Tư lệnh Không gian Bắc Mỹ (NORAD), được dự phòng cho mục đích tìm kiếm tên lửa Nga trên bầu trời cũng như chỉ huy và kiểm soát các trung tâm quân sự của Mỹ nếu Thế chiến III xảy ra. Tuy nhiên nó đã bị đóng cửa từ 10 năm nay.

Sỡ dĩ khu phức hợp này được đặt tên là Stargate vì nó hoạt động giống như một Tinh Môn bí mật để đi lại giữa các ngân hà, dựa theo những câu chuyện khoa học viễn tưởng.

Lối vào căn cứ Tinh Môn và các phòng làm việc bên trong
Lối vào căn cứ Tinh Môn và các phòng làm việc bên trong

Cách đây gần 10 năm, khu phức hợp bị đóng cửa, nguyên nhân là quân đội Mỹ cho rằng các mối đe dọa từ người Nga đã lắng xuống nên không cần duy trì căn cứ này nữa.

Nhưng gần đây, Lầu Năm Góc thông báo họ sẽ phục hồi Stargate và trang bị các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại nhất.

Giới chức quân sự Mỹ cho biết kế hoạch phục hồi khu phức hợp trên – đặt tại bang Colorado – sẽ giúp bảo vệ các bộ cảm biến và máy chủ của Washington trước một cuộc tấn công bằng xung điện từ (EMP) tiềm năng.

Hồi tuần trước, Lầu Năm Góc công bố bản hợp đồng trị giá 700 triệu USD với Công ty Raytheon nhằm giám sát tiến độ thi công cho NORAD và Bộ Chỉ huy phía Bắc (USNC).

Trong vòng 10 năm, Raytheon có nhiệm vụ giúp quân đội Mỹ cảnh báo các vụ tấn công, đánh giá chính xác, kịp thời và rõ ràng các mối đe dọa trên không, bằng tên lửa và từ không gian ở các căn cứ Cheyenne và Petersen.

Khu hầm núi Cheyenne là một hang động có diện tích khoảng 4.000 m2, được đào sâu vào một ngọn núi trong những năm 1960.

Từ bên trong khu phức hợp này, chỉ huy quân đội có thể đưa ra cảnh báo về một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân.

Vào năm 2006, trụ sở của NORAD và USNC được di dời từ Cheyenne tới căn cứ không quân Petersen và hầm núi Cheyenne trở thành trung tâm chỉ huy dự phòng.

Hình ảnh hoạt động của Tinh Môn từ thời Chiến tranh lạnh

Hình ảnh hoạt động của Tinh Môn từ thời Chiến tranh lạnh

Động thái này của Mỹ được đưa ra đúng vào thời điểm mối quan hệ giữa cường quốc này và nước Nga trở lại căng thẳng như thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Và tại châu Âu, Nga cũng không ngừng khẳng định họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt mọi kẻ thù có ý định xâm phạm nước Nga.

Moscow đang chứng tỏ mình không nói đùa khi cuối năm 2014, họ đã tổ chức ít nhất hai cuộc tập trận vũ khí hạt nhân và bắn thử tên lửa liên lục địa có khả năng mang nhiều đầu đạn.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng diễn tập các tình huống giả định tác chiến theo kiểu bị tấn công phủ đầu, tồn tại sau tấn công, và đáp trả hủy diệt kẻ thù.

Thậm chí, những tên lửa liên lục địa có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga còn được trưng bày ở ngay Thủ đô Moscow.

Gần đây nhất, hồi đầu tháng 4/2015, xung quanh các cuộc tập trận và điều quân của NATO, phía Bộ Quốc phòng Nga đã khẳng định sẽ dùng vũ khí hạt nhân nếu đất nước bị đe dọa.

Thậm chí, hồi giữa tháng 3, khi Đan Mạch dự định tham gia vào chương trình lá chắn tên lửa của Mỹ, đại sứ Nga ở Đan Mạch đã khẳng định Moscow sẽ tấn công hạt nhân vào bất kỳ tàu chiến nào của nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại