Vì sao Mỹ chưa bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam?

Sự ấm lên trong mối quan hệ Việt - Mỹ đã khiến lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam trở nên “lỗi thời” và “vô duyên”. Nhưng đến khi nào thì Mỹ mới chịu dỡ bỏ?

Thượng nghị sĩ John McCain (phải) và Sheldon Whitehouse trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng 8/2014.

Không quá ồn ào nhưng những chuyến viếng thăm liên tiếp của các tướng lĩnh quân đội Mỹ, các nghị sỹ cấp cao và đặc biệt là chuyến thăm Hà Nội của ông John McCain - thành viên có ảnh hưởng lớn trong Ủy ban Quân vụ - Thượng viện Hoa Kỳ và trước đó là chuyến công du của ông Bob Corker, thành viên cao cấp thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ… đã phần nào chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của chính giới Mỹ đối với Việt Nam cũng như sự đánh giá của họ đối với tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực.

Kể từ sau chuyến thăm Washington hồi tháng 7/2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, mối quan hệ Việt - Mỹ được nâng tầm “Đối tác toàn diện” và kèm theo đó là mối quan hệ giữa quân đội hai nước ngày càng được cải thiện.

Tất cả những hoạt động này đã vô tình biến lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam mà chính quyền Mỹ áp dụng kể từ sau cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam cách đây gần 40 năm trở nên “lỗi thời và vô duyên”. Tuy nhiên, bất chấp sự vận động không ngừng nghỉ của giới nghị sỹ cấp cao, Mỹ vẫn tỏ ra khá chần chừ trong việc dỡ bỏ lệnh cấm.

Theo ông Murray Hiebert - Phó giám đốc chương trình nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, một trong các lý do khiến ông Obama và chính quyền nước này chưa dám mạnh dạn là do họ còn lo lắng rằng hành động đó sẽ kích động Trung Quốc.

Bình luận về vấn đề này, ông Leon Panetta - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, việc hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện mà lệnh cấm vận vũ khí sát thương chưa được dỡ bỏ thì quan hệ quốc phòng song phương vẫn chưa thể được coi là hoàn toàn bình thường.

“Việt Nam là một đối tác ngày càng quan trọng của Mỹ ở khu vực. Tuy nhiên, mối quan hệ này không thể đạt hết tiềm năng trừ khi nó được xây dựng trên sự tin cậy lẫn nhau”, ông Murray Hiebert bình luận trong một bài viết đăng trên trang web của CSIS, “Quân đội Việt Nam hiện đã là một lực lượng có tính xây dựng đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Đồng thời, họ (QĐNDVN) không gây ra các vụ vi phạm nhân quyền như một số vụ việc của các đối tác trong khu vực vốn là chủ thể của lệnh cấm vận này”.

Một lý do khác khiến Washington chưa thực sự “nhiệt tình” đối với việc dỡ bỏ lệnh cấm là vì họ cho rằng “Hà Nội chỉ mong muốn điều đó để làm cảnh chứ không thực sự có ý định trở thành khách hàng của ngành công nghiệp vũ khí Mỹ”.

Tuy nhiên, luồng tư tưởng này đã bị đánh đổ khi trong những tháng gần đây, Việt Nam tỏ ra đặc biệt quan tâm đến các hệ thống giám sát hàng hải và radar do Mỹ chế tạo. Hồi tháng 5 vừa qua, Việt Nam cũng đã tham gia Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) do Mỹ khởi xướng.

Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, mỗi năm Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp nhận từ 5-6 tàu tuần tra mới từ Mỹ trong vài năm tới. Sau chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng John Kerry, Việt Nam còn có thể được hỗ trợ một số tàu tuần duyên bên cạnh gói viện trợ 18 triệu USD. Bên cạnh đó, Nhật Bản - một đồng minh quan trọng của Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ cung cấp cho Việt Nam thêm 6 tàu tuần tra để tăng cường khả năng giám sát an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông.

Một tàu Hải quân Mỹ ghé thăm Đà Nẵng

Theo CSIS, về lâu dài, mối quan hệ đối tác phòng thủ thành công với Cảnh sát biển Việt Nam sẽ không chỉ khẳng định vai trò an ninh của Mỹ trên sườn phía đông của Biển Đông mà còn sẽ đi theo một chặng đường dài hướng tới việc cung cấp các điều kiện để Mỹ duy trì tư cách là đối tác an ninh của các quốc gia không phải là đồng minh theo Hiệp ước phòng thủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sự thận trọng không chỉ đến từ phía Mỹ mà còn xuất hiện cả ở phía Việt Nam. “Điều này thể hiện việc Hà Nội rất kiên trì và mong muốn duy trì tính độc lập và đa phương trong chính sách đối ngoại của mình. Nó là kết quả của lịch sử lâu dài, Việt Nam luôn phải nằm trong các tình huống phức tạp của sự cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn. Mỹ cần phải tôn trọng các quan ngại của Việt Nam trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, Mỹ cần phải khẳng định với Hà Nội rằng, sự hợp tác chặt chẽ hơn với Washington không phải để trói tay họ trong việc hợp tác với các đối tác an ninh khác”, chuyên gia Murray Hiebert bình luận.

Cũng trong quan điểm của chuyên gia này, việc duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ kéo dài quá lâu sẽ hạn chế chiều sâu của hợp tác an ninh song phương Mỹ - Việt. Nó sẽ “để ngỏ” Việt Nam cho các đối tác khác và đưa đến thế bất lợi cho Mỹ so với các nước khác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự và chuyển giao công nghệ với một quốc gia ngày càng quan trọng trong khu vực.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam và rất có thể Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ bay sang Hà Nội vào tháng 11 tới đây. Các chuyến thăm này sẽ là cơ hội để cả hai bên cùng nhau gỡ bỏ những dè dặt và trở ngại cuối cùng trước khi hai nước kỷ niệm tròn 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại