Vì sao Mỹ cần có tên lửa hạt nhân tàng hình?

Anh Tuấn |

Mặc dù máy bay B-21 sẽ là máy bay ném bom tàng hình hiện đại nhất của Mỹ, không gì có thể đảm bảo rằng nó có thể hoàn toàn vượt qua các lưới lửa phòng không lợi hại trên thế giới.

Đó là lý do vì sao Lầu Năm Góc vẫn tuyên bố rằng Mỹ cần có một loại tên lửa hành trình tầm xa có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân để có thể đối phó với Nga và Trung Quốc.

“Tôi tin rằng Hoa Kỳ phải có một loại tên lửa tầm xa, không chỉ cho loại máy bay ném bom mới B-21 mà còn cho B-2 và B-52, bởi chúng ta đang phải đối mặt với những vùng nhận dạng phòng không hiện đại”, tướng Robin Rand, quan chức cấp cao của Không quân Mỹ phát biểu trước Ủy ban Lực lượng Vũ trang Hạ viện Mỹ vào ngày 2/3.

“Để đảm bảo khả năng sống sót, chúng ta phải có vũ khí tầm xa”. Các quan chức Lầu Năm Góc khác cũng có chung quan điểm với tướng Rand.

Ông Robert Scher, trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chiến lược và khả năng chiến đấu của quân đội, cho biết, sự kết hợp giữa máy bay ném bom tàng hình và tên lửa hành trình cho phép Nhà Trắng có nhiều lựa chọn khi xung đột xảy ra mà không cần phải trực tiếp tiếp cận không phận của đối phương để thả bom.


Máy bay ném bom tàng hình B-2 của Không quân Mỹ.

Máy bay ném bom tàng hình B-2 của Không quân Mỹ.

Hơn nữa, với việc B-21 có thể vừa thả bom trọng lực cũng như phóng tên lửa hạt nhân tầm xa cũng sẽ khiến đối phương bối rối.

“Thêm vào đó, chúng ta không thể đảm bảo rằng các máy bay có thể vượt qua mọi hệ thống phòng không của bất kỳ nước nào. Do đó khả năng phóng tên lửa từ tầm xa sẽ rất quan trọng”, ông Scher nói.

Tiến sĩ Arthur Hopkins, một trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuyên phụ trách các chương trình vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học cũng đồng tình với ý kiến trên.

“Chúng ta không biết hệ thống phòng không của đối phương sẽ phát triển như thế nào trong vòng 10, 20 hay 30 năm tới. Khả năng tấn công từ xa sẽ là một lựa chọn rất quan trọng cho chúng ta”, ông Hopkins nói.

Mỹ đã có một số lượng đầu đạn hạt nhân có thể gắn lên trên các tên lửa hành trình để sử dụng trên các máy bay, tuy nhiên chúng đang bắt đầu lạc hậu. Việc phát triển tên lửa tầm xa mới và hiện đại sẽ đảm bảo hiệu quả của các đầu đạn này.

“Tên lửa tầm xa đã tồn tại từ nhiều năm trước và tôi tin rằng nó sẽ không bị coi là gây bất ổn đối với an ninh thế giới vào thời điểm này”, ông Scher nói.

Ngược lại, việc một máy bay ném bom không đảm bảo khả năng vượt qua hệ thống phòng không của đối phương là điều đáng lo ngại, bởi các tham mưu quân sự không đảm bảo rằng vũ khí của họ sẽ tỏ ra hiệu quả nếu trường hợp xấu nhất xảy ra.

“Theo tôi, việc có trong tay một loại khí tài không đủ sức qua mặt đối phương sẽ là một vấn đề nghiêm trọng”, ông Scher nói.

Ông Scher tin rằng, trong ba loại vũ khí hạt nhân mà Mỹ đang có, máy bay ném bom và tên lửa là loại khí tài dễ bị phát hiện nhất (vũ khí còn lại là tàu ngầm).

Đối phương có thể quan sát các oanh tạc cơ chuẩn bị cất cánh và khi trên trời, nó sẽ bị theo dõi trong nhiều giờ. “Chúng được nhiều người biết đến và có thể quan sát bằng nhiều cách. Điều đó có nghĩa là loại vũ khí này thực tế không đủ lợi hại”, ông Scher cho biết.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại