Đã tung cánh trên bầu trời được gần 40 năm nhưng F-16 Fighting Falcon vẫn tỏ ra là loại tiêm kích nhẹ số 1 thế giới nhờ những ưu điểm như rất linh hoạt, bảo trì bảo dưỡng đơn giản, chi phí hoạt động thấp, tiềm năng hiện đại hóa còn rất lớn…
Mặc dù F-35 đã chuẩn bị đi vào hoạt động nhưng dây chuyền sản xuất F-16 dự kiến sẽ vẫn còn được duy trì tới năm tận 2017 để phục vụ những đơn hàng mới.
Ngoài ra, những nước có F-16 trong biên chế hầu như đều đã lên kế hoạch nâng cấp giữa vòng đời để kéo dài thời gian sử dụng, một số quốc gia khác thì lại tỏ ra rất quan tâm đến những chiếc F-16 secondhand dư thừa của Không quân Mỹ.
F-16 - Tiêm kích 40 tuổi vẫn chưa già
Trong khi đó, tình trạng với Mirage 2000 của Pháp lại trái ngược hoàn toàn, bất chấp thực tế đây là loại tiêm kích nhẹ có tính năng chiến đấu được đánh giá còn cao hơn cả F-16.
Tại lần đối đầu duy nhất giữa 2 loại máy bay vào ngày 10/10/1996, một chiếc Mirage 2000 của Hy Lạp đã phóng tên lửa R-550 Magic 2 và bắn hạ một chiếc F-16D (số hiệu 91-0023) của Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Aegea.
Hay ở cuộc xung đột Kargil năm 1999, Mirage 2000 của Ấn Độ đã chứng tỏ khả năng lý tưởng khi thực hiện tốt nhiệm vụ ném bom ở độ cao lớn và tỏ ra gần như miễn nhiễm trước MANPAD của đối phương.
Tuy vậy, các quốc gia và vùng lãnh thổ đang sử dụng Mirage 2000 lại tỏ ra không còn mặn mà với loại tiêm kích nhẹ này. UAE mới đây đã cho không Iraq 10 chiếc Mirage 2000 hay Đài Loan cũng đang phải tìm cách nhanh chóng thay thế chúng.
Mirage 2000 đang ở trong tình cảnh trái ngược hoàn toàn với F-16
Để lý giải thảm cảnh đang xảy ra với Mirage 2000, có thể tham khảo qua những nhận định của Không quân Đài Loan:
Thứ nhất, cùng là tiêm kích nhẹ nhưng chi phí hoạt động của Mirage 2000 cao hơn F-16 rất nhiều. Cụ thể, hạ tầng mặt đất cho Mirage 2000 đắt gấp 3 lần F-16, tiêu hao lượng nhiên liệu cao gấp rưỡi cho cùng một quãng đường bay hành trình.
Thứ hai, phụ tùng thay thế của Mirage 2000 khá hiếm và trung bình đắt gấp 2,5 lần F-16 vì dây chuyền sản xuất đã ngừng từ lâu và số quốc gia sử dụng loại máy bay này cũng rất ít. Các loại vũ khí đi kèm với Mirage 2000 cũng có giá cao hơn hẳn F-16.
Thứ ba, tiềm năng hiện đại hóa của Mirage 2000 không còn. Trong khi F-16 đã được cung cấp gói nâng cấp với radar quét mảng pha điện tử AESA thì Pháp để bảo vệ khả năng xuất khẩu của Rafale, đã bác bỏ khả năng trang bị radar AESA cho Mirage 2000 hiện đại hóa.
Ngoài ra còn một yếu tố nữa rất cần phải xem xét đến đó là Pháp chưa bao giờ là một nhà cung cấp vũ khí đáng tin tưởng. Họ rất hay để các yếu tố chính trị ảnh hưởng tới những hợp đồng của mình.
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Argentina, Đài Loan, Ấn Độ và mới đây nhất là Nga đã phải toát mồ hôi vì chính sách không nhất quán của Pháp.
Tóm lại, chi phí vận hành và vũ khí đắt đỏ, cộng khả nâng cấp bị giới hạn và nguồn cung phụ tùng dài lâu thiếu sự bảo đảm đã khiến Mirage 2000 tỏ ra thất thế hơn rất nhiều khi so sánh với F-16.