Trước tháng 12-1972, đã có... 23 chiếc B-52 bị tên lửa VN bắn hạ?

Bạch Dương |

Cơ quan tình báo Mỹ từng thừa nhận: "Ném bom không làm hao mòn tinh thần của Bắc Việt Nam, không làm giảm khả năng vật chất của Bắc Việt Nam chi viện cho Nam Việt Nam".

Quyết tâm đánh thắng B-52

Ngày 27/10/1972, Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân họp phiên bất thường quán triệt tinh thần nghị quyết của Quân ủy Trung ương về tình hình nhiệm vụ mới.

Hội nghị đã ra nghị quyết lãnh đạo bộ đội nêu cao tinh thần cảnh giác, chống luận điệu tuyên truyền lừa bịp "Hòa bình trong tầm tay" của địch, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng.

Nghị quyết nêu rõ: Tập trung sự lãnh đạo của Đảng ủy các cấp, nhanh chóng nâng cao trình độ mọi mặt của bộ đội. Tăng cường cảnh giác, bảo đảm cho Quân chủng luôn sẵn sàng chiến đấu cao, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.

Nếu địch dùng B-52 đánh ra miền Bắc, nhất là vào Hà Nội, Hải Phòng, kiên quyết bắn rơi B-52 tại chỗ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống".


Đạn tên lửa V-750 của hệ thống phòng không S-75 Dvina (SAM-2)

Đạn tên lửa V-750 của hệ thống phòng không S-75 Dvina (SAM-2)

Những kinh nghiệm quý báu thu được từ chiến trường

Từ ngày 30/10 - 2/11/1972, Bộ tư lệnh Quân chủng tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và bàn "Cách đánh B-52" cho bộ đội tên lửa tại hội trường Sư đoàn phòng không 361 ở Hòa Mục.

Chủ trì hội nghị gồm các đồng chí Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri, Chính ủy Hoàng Phương, Phó tư lệnh Hoàng Văn Khánh và Phó chính ủy Nguyễn Xuân Mậu.

Thành phần hội nghị gồm các cán bộ chỉ huy sư đoàn phòng không, các trung đoàn, tiểu đoàn trưởng tên lửa và một số kíp chiến đấu của các tiểu đoàn tên lửa đang bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng.

Dự hội nghị có đại diện Bộ Tổng tham mưu, Viện Kỹ thuật quân sự Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan trong Quân chủng để giúp đỡ giải quyết các khó khăn tồn tại.

Tài liệu "Cách đánh B-52" của bộ đội tên lửa được báo cáo trung tâm trong hội nghị. Tài liệu do các Phòng Quân báo, Tác huấn tên lửa, Khoa học quân sự chủ biên được chuẩn bị rất công phu.

Đúc kết từ trận đánh B-52 đầu tiên của Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 vào ngày 17/9/1967 ở Vĩnh Linh, tài liệu "Cách đánh B-52" có bìa màu xanh được ban hành vào tháng 8/1969 có nội dung chủ yếu đánh B-52 bằng phương pháp ba điểm T/T.

Sau trận đánh B-52 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào của Tiểu đoàn 69, Trung đoàn 237, bộ đội xác định đánh B-52 bằng ba điểm T/T và ПC, điển hình là các trận đánh B-52 bảo vệ giao thông của Trung đoàn 263, 275.

Kinh nghiệm nóng hổi nhất là tập trung vào B-52 của các Trung đoàn 236, 275, 274 trong Chiến dịch Trị - Thiên từ tháng 4 - 9/1972, bộ đội tên lửa phòng không đã đánh 110 trận, được công nhận bắn rơi 23 chiếc B-52 nhưng không chiếc nào rơi tại chỗ.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do ta chưa nắm chắc quy luật hoạt động và mạnh yếu của B-52.

Từ 1967 đến hết năm 1971, ta chỉ sử dụng 1 - 2 tiểu đoàn hỏa lực cơ động phục kích đánh địch trong điều kiện B-52 hoạt động ở nam vĩ tuyến 17 và tây Trường Sơn, có tham số (P) lớn, không có vùng hỏa lực chồng lấn của nhiều tiểu đoàn tên lửa.

Trong khi đó, B-52 thường xuyên chỉ bay vẹt qua khu vực hỏa lực.


Đã có 23 chiếc B-52 bị bắn hạ được ghi công cho bộ đội tên lửa, nhưng đáng tiếc là chưa có chiếc nào rơi tại chỗ

Đã có 23 chiếc B-52 bị bắn hạ được ghi công cho bộ đội tên lửa, nhưng đáng tiếc là chưa có chiếc nào rơi tại chỗ

Tháng 4/1972, tại Vĩnh Linh, Quảng Bình ta có điều kiện tập trung nhiều tiểu đoàn hỏa lực vào một tốp B-52 nhưng Mỹ đã sử dụng các loại B-52 cải tiến nhiều lần như B-52D/G/H.

Nhiễu điện tử đậm đặc của B-52 lẫn lộn với các lớp F-4 giả B-52, nhiễu của EB-66, nhiễu của các máy bay cường kích, tiêm kích tham gia bảo vệ hộ tống. Lúc đầu các kíp chiến đấu của ta rất lúng túng, phần lớn đánh vào các tốp B-52 giả và máy bay hộ tống.

(Thuật ngữ B-52 giả là do bộ đội chiến đấu ở Trị - Thiên đặt tên. Vì nhiều lần đánh vào những tốp F-4 có độ cao tương ứng và giống nhiễu B-52 nhưng không rơi, có thể là các tốp F-4 chặn kích, hộ tống hoặc nghi binh).

Trong Chiến dịch Trị - Thiên, ta sử dụng hỏa lực đánh tập trung rất nhiều trận nhưng không có B-52 nào rơi tại chỗ, chủ yếu do nhiễu điện tử gây khó khăn về xạ kích. Nguyên nhân quan trọng là đánh theo yêu cầu phát triển của bộ binh, xe tăng trong chiến dịch.

Sau một loạt trận đánh, ta đồ giải trên sơ đồ thì thấy phần lớn đạn tên lửa gặp máy bay địch ở ngoài hoặc sát mép khu vực sát thương nên xác suất tiêu diệt B-52 rất thấp.

Tuy chưa có B-52 rơi tại chỗ nhưng Chiến dịch Trị - Thiên đã để lại nhiều bài học quý về nghiên cứu địch, bố trí đội hình và cách đánh của bộ đội tên lửa với B-52.

Đón xem phần sau để biết bộ đội tên lửa đã phát hiện ra điểm yếu "cốt tử" của B-52 như thế nào. Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách "Lịch sử bộ đội tên lửa phòng không 1965 - 2005".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại