Trung Quốc sắp viện trợ hệ thống TLPK tầm xa nào cho Campuchia?

Tuấn Trung |

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh mới đây đã đề nghị phía Trung Quốc cung cấp tên lửa phòng không "có thể bắn tầm xa hay kể cả các phi cơ bay nhanh cũng không chạy thoát".

Thông tin Trung Quốc sẽ cung cấp tên lửa phòng không tiên tiến cho Campuchia được ông Tea Banh cho biết hôm 6/11, sau lễ ký kết với người đồng cấp Thường Vạn Toàn.

Ngay sau tuyên bố trên của ông Tea Banh đã lập tức xuất hiện câu hỏi: Tên lửa phòng không tầm xa nào sắp được Trung Quốc viện trợ cho Campuchia?

Nhiều ý kiến cho rằng rất có thể đó sẽ là KS-1A (Kai Shan-1A), tương tự loại mà Quân đội Myanmar mới đưa vào trang bị cách đây không lâu.


Xe mang phóng tự hành (sử dụng khung gầm 6x6) của hệ thống tên lửa phòng không KS-1A

Xe mang phóng tự hành (sử dụng khung gầm 6x6) của hệ thống tên lửa phòng không KS-1A

KS-1 là hệ thống tên lửa đất đối không đầu tiên của Trung Quốc sử dụng radar quét mảng pha, nó được thiết kế nhằm thay thế vai trò của các tổ hợp HQ-2 (bản sao S-75 Dvina - SA-2 của Liên Xô).

Hệ thống KS-1 thực hiện thành công lần bắn thử nghiệm vào năm 1989, quá trình phát triển hoàn tất vào năm 1994 và nó chính thức được ra mắt tại Triển lãm Hàng không Chu Hải năm 1998.

Sau đó vào năm 2006, cũng tại Triển lãm Chu Hải, Trung Quốc đã giới thiệu biến thể nâng cấp của KS-1 với tên định danh là KS-1A, nó được tăng cường đáng kể năng lực chống lại các mục tiêu có diện tích phản xạ radar nhỏ cũng như có độ cơ động cao.


Đài radar H-200 của hệ thống KS-1A

Đài radar H-200 của hệ thống KS-1A

KS-1A được trang bị đài radar quét mảng pha thụ động thế hệ mới H-200 (cải tiến từ radar SJ-202 của KS-1), có tầm phát hiện mục tiêu tối đa 115 km, theo dõi từ cự ly 80 km và dẫn đường cho tên lửa ở tầm 50 km.

Theo tuyên bố của nhà sản xuất, radar này có thể dẫn đường cho 6 tên lửa tấn công 3 mục tiêu cùng lúc (phân bổ 2 tên lửa cho 1 mục tiêu).

Mặc dù được tối ưu hóa cho việc phát hiện máy bay cánh cố định cũng như trực thăng nhưng H-200 được cho là cũng có một chút năng lực trong việc cảnh báo sớm tên lửa hành trình.

Đạn tên lửa của tổ hợp KS-1A có chiều dài 5,6 m; đường kính 0,4 m; trọng lượng 900 kg, lắp đầu đạn nặng 100 kg; vận tốc 1.200 m/s; khả năng chịu quá tải tối đa 20G; tấn công được mục tiêu bay ở vận tốc 750 m/s với độ cơ động lớn nhất 5G.

Tên lửa có tầm bắn tối đa 50 km, tối thiểu 100 m; độ cao lớn nhất 25 km và nhỏ nhất là 500 m. Một đài radar H-200 chỉ huy được 4 xe mang phóng tự hành với tổng cộng 8 đạn tên lửa.


Tên lửa của tổ hợp KS-1A rời bệ phóng

Tên lửa của tổ hợp KS-1A rời bệ phóng

Mặc dù là một hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới nhưng KS-1A lại tồn tại nhược điểm rất khó hiểu ở cơ cấu phóng, đó là đạn tên lửa được treo dưới ray phóng thay vì nằm ở phía trên.

Cách bố trí này buộc động cơ tên lửa phải khởi động trước khi giá treo bung ra, nếu không quả đạn sẽ rơi ngay trên bệ phóng, cơ cấu này cũng gây khá nhiều khó khăn cho việc tái nạp đạn.

Ngoài ra, radar dẫn bắn H-200 cũng chưa chứng tỏ được gì nhiều, chúng ta hẳn chưa quên việc các đài radar cảnh báo sớm được Trung Quốc bán cho một số quốc gia Nam Mỹ đã đột ngột ngừng hoạt động mà không rõ lý do.

Tuy vậy, nếu được Trung Quốc viện trợ hệ thống tên lửa tầm xa này, chắc chắn sức mạnh Lực lượng phòng không của Quân đội Hoàng gia Campuchia sẽ được nâng lên một tầm cao mới, nhất là khi hiện nay họ chỉ có các tên lửa tầm thấp dạng vác vai FN-6 trong biên chế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại