Trung Quốc ráo riết đóng thêm 2 tàu sân bay để làm gì?

Trung Quốc đang khởi đóng thêm 2 tàu sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu luân phiên huấn luyện, chiến đấu, hiện thực hóa tham vọng biển xanh của hải quân nước này.

Hiện nay, Trung Quốc mới chỉ có một tàu hàng không mẫu hạm “Liêu Ninh” mua lại của Ukraine vào năm 1998, chủ yếu dùng để nghiên cứu và phục vụ công tác huấn luyện trên biển, chứ về cơ bản nó vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu tác chiến phức tạp của một biên đội tàu sân bay giống như Hải quân Mỹ.

Để đáp ứng yêu cầu luân phiên thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu và bổ sung sức mạnh cho Liêu Ninh, ngay từ năm 2011, các quan chức Trung Quốc đã bày tỏ ý định đóng thêm tàu sân bay, đẩy nhanh quá trình đào tạo, huấn luyện phi công tiêm kích hạm nhằm hiện thực hóa tham vọng cường quốc biển trong tương lai của mình.

Trước thực trạng đội ngũ phi công lái tiêm kích hạm của lực lượng hải quân nước này còn thiếu và non kinh nghiệm, bước vào năm 2014, Hải quân Trung Quốc đã lần đầu tiên tiến hành công tác tuyển chọn đào tạo phi công chuyên làm nhiệm vụ lái máy bay chiến đấu trên hàng không mẫu hạm.

Công tác tuyển lựa phi công được tiến hành vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua. Đối tượng dự tuyển là học sinh tốt nghiệp cấp 3, sinh viên các trường đại học, cao đẳng đủ tiêu chuẩn trên phạm vi cả nước. Các đối tượng này sẽ phải trải qua 3 giai đoạn thi tuyển với 270 khoa mục.

Biên đội tàu sân bay tương lai Trung Quốc do dân mạng tự chế

Biên đội tàu sân bay tương lai Trung Quốc do dân mạng tự chế

Những thí sinh trúng tuyển sẽ tiếp tục trải qua 5 năm đào tạo tại Học viện bay Hải quân Trung Quốc, sau đó mới chính thức trở thành phi công lái máy bay chiến đấu thuộc lực lượng không quân của hải quân nước này.

Hồi tháng 4/2013, Chuẩn Đô đốc Song Xue, Phó tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc (PLAN), thông báo với các tùy viên quân sự nước ngoài rằng thế hệ tàu sân bay tương lai của Trung Quốc "sẽ có lượng giãn nước lớn hơn và mang được nhiều máy bay chiến đấu hơn”.

Theo một số nguồn tin cho biết, hiện Trung Quốc đang tiến hành đóng mới 2 tàu sân bay tại các xưởng đóng tàu trong nước, cả 2 tàu sân bay nội địa này được thiết kế, chế tạo dựa trên nguyên mẫu tàu sân bay lớp Ulyanovsk chưa hoàn thiện của Liên Xô cũ.

Theo trang mạng Tổng hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc mang mã số 001A (số hiệu 18), có trọng tải lớn hơn 5% so với tàu sân bay Liêu Ninh, đang được Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc đóng mới tại thành phố Đại Liên, phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh nước này.

Trong khi đó, tàu sân bay thứ hai mang mã số 002 với trọng tải lên tới 61.351 tấn cũng đang được đóng mới tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam trên đảo Trường Hưng - Thượng Hải. Đây có khả năng sẽ là tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc với 4 máy phóng hơi nước, nhiều gấp đôi so với 001A.

Tàu sân bay Liêu Ninh hiện không có khả năng tác chiến

Tàu sân bay Liêu Ninh hiện không có khả năng tác chiến

Dự kiến tàu sân bay 001A sẽ được biên chế cho lực lượng hải quân nước này vào năm 2018 và được đặt tên là Sơn Đông (là tên một tỉnh của Trung Quốc, cũng giống như Liêu Ninh), còn tàu sân bay thứ 2 vào khoảng năm 2020. Cả 2 chiếc tàu sân bay mới đều sẽ định hình khả năng tác chiến trước năm 2025.

Tại sao Trung Quốc cần nhiều tàu sân bay như thế? Đây là vấn đề được cộng đồng thế giới đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Tham vọng tàu sân bay của Bắc Kinh đã trở thành nội dung chính trong các cuộc tranh luận và phán đoán xoay quanh tương lai của Hải quân nước này.

Theo các chuyên gia quân sự, giống như đại đa số hệ thống vũ khí phức tạp khác, tàu sân bay cũng cần phải bảo dưỡng định kỳ để duy trì khả năng tác chiến lâu dài cho tàu sân bay, nhân viên trên tàu cũng cần phải có thời gian huấn luyện và nghỉ ngơi thích hợp để bảo đảm sức chiến đấu tốt nhất.

Chính vì thế mà hầu hết các tàu sân bay, sau một thời gian hoạt động phải đưa về xưởng để bảo dưỡng lại. Chẳng hạn như hải quân Mỹ, kế hoạch mới nhất của một chu kỳ sử dụng và bảo dưỡng tổ hợp chiến đấu tàu sân bay hiện nay là 36 tháng.

Ví dụ, hàng không mẫu hạm CVN-75 của hải quân Mỹ, tháng 11 năm 2014 sẽ bắt đầu bước vào thời gian sửa chữa, bảo dưỡng lần thứ nhất của chu kỳ 36 tháng. Sau chu kỳ bảo dưỡng, nó sẽ thực hiện huấn luyện liên hợp và huấn luyện cơ bản một thời gian, sau đó lại được đưa vào sử dụng trong vòng 8 tháng và cuối cùng là đưa về cảng nghỉ ngơi và tu sửa lại một lần nữa với thời gian 14 tháng.

Mô hình tàu sân bay tương lai Trung Quốc do dân mạng tự chế

Mô hình tàu sân bay tương lai Trung Quốc do dân mạng tự chế

Nhân viên trên tàu và các tàu chiến hộ tống nó tùy thuộc yêu cầu nhiệm vụ để bố trí cho thích hợp trong thời gian tàu sân bay đang được bảo dưỡng.

Chính vì yếu tố thời gian của một chu kỳ hoạt động của tàu sân bay nên cách bảo dưỡng cũng theo đó mà sắp xếp cho phù hợp, có thể cho tàu vào cảng hoặc không cần cho tàu vào cảng cũng được. Ngoài yếu tố đó ra, việc bảo dưỡng còn phải căn cứ vào sự sắp xếp lịch trình giữa mỗi chu kỳ hoạt động của tàu sân bay để bố trí cho hợp lý nhất.

Việc bảo dưỡng có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng về nhu cầu đáp ứng tác chiến của đội ngũ tàu sân bay, nên nếu chỉ có một chiếc hàng không mẫu hạm thì mãi mãi không thể đáp ứng được yêu cầu của hải quân, nhằm phục vụ tham vọng trở thành một cường quốc biển trong tương lai của Trung Quốc.

Ví dụ như trong cuộc chiến Syria trước đây và Iraq hiện nay, mặc dù nuôi tham vọng rất lớn nhưng hải quân Trung Quốc không đủ lực để tiến hành một cuộc chiến nhằm bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình ở rốn dầu Trung Đông.

Thiếu khả năng tác chiến của tàu sân bay, chiến hạm và máy bay của Trung Quốc không đủ tầm với để tấn công từ nước này vào các mục tiêu tầm xa hàng ngàn km. Chính vì lẽ đó mà Bắc Kinh đang ráo riết đầu tư đóng mới nhiều tàu sân bay nhằm đáp ứng được tham vọng bành trướng trên biển trong tương lai.

J-15 luyện tập cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại