Trung Quốc “lên mâm”
Theo kế hoạch, hôm nay (1/8) cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương - RIMPAC 2014 sẽ kết thúc. RIMPAC khởi động từ năm 1971 và được tổ chức 2 năm một lần. Tham gia RIMPAC 2014 có tổng cộng 55 chiến hạm, hơn 200 phi cơ và khoảng 25.000 binh lính đến từ 22 quốc gia. Thái Lan đã không tham gia tập trận do những bất ổn trong nước.
Các tàu hải quân tham gia diễn tập trên biển hôm 25/7 trong khuôn khổ RIMPAC 2014
Một trong những điểm đáng chú ý của cuộc tập trận năm nay là sự góp mặt lần đầu tiên của Trung Quốc. Sau khi được Mỹ mời, một đội tàu hải quân của Trung Quốc đã tới Trân Châu Cảng từ ngày 24/6 để tham gia cuộc tập trận này.
Đội tàu của Trung Quốc gồm tàu khu trục trang bị tên lửa Hải Khẩu (Haikou), khinh hạm trang bị tên lửa Nhạc Dương (Yueyang), tàu hậu cần Thiên Đảo Hồ, tàu quân y Peace Ark và 2 trực thăng vận tải cùng một đơn vị đặc công, một đội lặn và một nhóm y tế lên tới 1.100 người.
Nhóm tàu này khởi hành rất sớm (từ hôm 9/6) xuất phát từ các quân cảng ở thành phố Tam Á (Sanya) miền Nam và thành phố Chu Sơn (Zhoushan) ở miền Đông Trung Quốc.
Tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu của Trung Quốc
Chỉ huy đội tàu Trung Quốc là Triệu Tiểu Cương (Zhao Xiaogang). Phát biểu với báo giới hôm 1/7, ông này đã có những lời lẽ “hoa mỹ” và có phần “khiêm tốn” khi nhấn mạnh một trong 3 mục tiêu chính của Hải quân Trung Quốc khi tham gia RIMPAC 2014 là cam kết thúc đẩy quan hệ quân sự kiểu mới giữa Bắc Kinh và Washington một cách ổn định và vững chắc. Quan chức này cũng cho biết thông qua cuộc tập trận, Hải quân Trung Quốc hy vọng có cơ hội trao đổi kinh nghiệm và hợp tác sâu rộng với lực lượng hải quân các nước.
Ngay khi đặt chân tới Trân Châu cảng, các binh sĩ Trung Quốc đã tham gia các hoạt động giao lưu (từ ngày 25/6 đến ngày 8/7) như các cuộc họp báo, đi thăm tàu chiến và giao hữu thể thao.
Trong các nội dung diễn tập trên biển diễn ra từ ngày 9-30/7, các tàu Trung Quốc tham gia các hoạt động thử nghiệm vũ khí chung, hải vận, khắc phục thiệt hại, chống cướp biển, các chiến dịch cứu trợ nạn nhân thiên tai, cũng như các nội dung đánh chặn tác chiến và đổ bộ, các cuộc tấn công phối hợp của tàu chiến và các trực thăng vận tải.
Sự tự tin…
Có lẽ, việc được “lên mâm” cùng hải quân các nước lớn như Mỹ hay Nhật Bản đã khiến Trung Quốc đắc ý. Trước khi cử đội tàu hùng hậu tới Hawaii, Trung Quốc đã khiến Biển Đông dậy sóng với những hành động ngang ngược của mình. Trong hơn hai tháng ròng, Trung Quốc đã duy trì hàng trăm tàu các loại, trong đó có nhiều tàu chiến và tàu vũ trang để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 cùng các hành động vây ép, phun vòi rồng và đâm va vào các tàu Việt Nam.
Cũng trong thời gian này, Trung Quốc liên tiếp cử các tàu phi quân sự xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông ngoài việc nằm trong sách lược lâu dài của giới lãnh đạo nước này, còn dựa trên tiềm lực hải quân ngày một tăng. Những con số thống kê thời gian qua đã giúp Trung Quốc thêm tự tin.
Chiến hạm Hải Khẩu (trái) và khinh hạm tên lửa Nhạc Dương của Trung Quốc tại Hawaii
Trung Quốc đã đặt ưu tiên cho việc tăng cường chi tiêu quốc phòng kể từ khi họ bắt đầu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Tháng Ba vừa qua, Bắc Kinh công bố ngân sách của quân đội nước này trong năm nay sẽ vào khoảng 808,2 tỷ nhân dân tệ, tăng 12,2% so với năm ngoái (cao hơn mức tăng trung bình 10%).
Sự đầu tư về tiền bạc đã giúp Trung Quốc có một lực lượng hải quân hùng hậu về số lượng.
Về mặt nhân lực, Trung Quốc là nước chiếm ưu thế, với việc Bắc Kinh đang có quân số hải quân PLA vào khoảng 235.000 người, nhiều gấp 5 lần quân số của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF).
Trung Quốc đang triển khai hàng loạt tàu khu trục hiện đại, tàu chiến loại nhỏ, tàu tấn công nhanh, và các tàu ngầm. Có chuyên gia còn nhận định rằng Nhật Bản đang gặp rắc rối trong việc bám đuổi tốc độ tăng cường lực lượng của Trung Quốc.
…hay ảo tưởng?
Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu với Nhật Bản, lực lượng hải quân áp đảo về quân số của Trung Quốc vẫn bị đánh giá thấp hơn bởi trình độ huấn luyện kém, không có kinh nghiệm tác chiến, vũ khí và trang thiết bị không tinh vi bằng…
Giới chuyên gia đánh giá Hải quân Nhật Bản đang được huấn luyện bằng những chiến lược chiến tranh hiện đại và với các đơn vị khác nhau trong nhiều thập kỷ qua. Trong khi đó, Trung Quốc hiện vẫn đang trong giai đoạn thăm dò biện pháp mới để vận hành chung cũng như hợp nhất các hệ thống vũ khí.
Một chuyên gia của Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ dù đánh giá cao sự phát triển về lượng của hải quân Trung Quốc vẫn nhấn mạnh rằng Hải quân Nhật Bản vượt trội hơn về kinh nghiệm và sự tinh vi trong công nghệ. Không những thế, Nhật Bản còn tập trung chế tạo các loại tàu chiến mà họ cần.
Nhật Bản năm ngoái hạ thủy tàu chiến lớn nhất của họ kể từ sau Thế chiến II. Đó là khu trục hạm trực thăng lớp Izumo. Con tàu dài 248 m này dự kiến sẽ gia nhập biên chế JMSDF trong năm 2015, được thiết kế để chở 14 máy bay trực thăng.
Ngoài ra, Nhật Bản còn bổ sung hai khu trục hạm trực thăng lớp Hyuga, dài 197 m và có thể chở 11 máy bay trực thăng.
Khu trục hạm trực thăng lớp Hyuga của Nhật Bản
Trong khi đó, dù Trung Quốc dù phạt triển ồ ạt các loại tàu chiến khác nhau nhưng hiện mới chỉ có một tàu sân bay duy nhất là Liêu Ninh. Sau 10 năm để chuyển đổi tàu sân bay Varyag tải trọng 67.500 tấn do Liên Xô sản xuất thành tàu Liêu Ninh, con tàu này hiện vẫn chưa thể chiến đấu mà chỉ sử dụng cho huấn luyện của hải quân.
Ngược lại, các khu trục hạm trực thăng của Nhật Bản đã sẵn sàng chiến đấu trong hơn ba thập kỷ qua với sự giúp đỡ của Mỹ. Mỗi một con tàu này đều đủ khả năng hoạt động độc lập trong quá trình chiến đấu.
Đặc biệt, lĩnh vực tàu ngầm và chống ngầm hiện được coi là điểm yếu chưa thể khắc phục của hải quân Trung Quốc. Các tàu ngầm hiện nay của Trung Quốc, nhiều chiếc trong số này là những tàu ngầm kiểu cũ, quá ồn và quá dễ bị phát hiện, trong khi Nhật Bản có một số tàu ngầm diesel-điện với công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.
Binh sĩ Nhật Bản diễn tập đổ bộ tại đảo Kaneohe, Hawaii
Ngoài yếu tố về thực lực của Hải quân Nhật Bản, một yếu tố khác không thể bỏ qua trong cuộc đối đầu Trung - Nhật nếu nó xảy ra là sự hiện diện của Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng nhân tố quyết định sẽ là sự hỗ trợ của hải quân Mỹ. Liên minh Mỹ - Nhật là yếu tố cần thiết để gây ảnh hưởng đối với sự cân bằng hải quân tổng thể.
Không chỉ âm thầm phát triển lực lượng hải quân, Nhật Bản còn luôn chủ động nhằm đáp trả bất kỳ hành động nào của Trung Quốc.
Trong ngày áp chót của RIMPAC 2014, Nhật Bản đã cùng Mỹ, Australia và đáng chú ý là có sự tham gia của Indonesia diễn tập đổ bộ lên một bãi biển ở Hawaii.
Hôm 30/7, các máy bay trực thăng đã thả một đội trinh sát gồm các binh sĩ Nhật Bản xuống vùng biển ngoài khơi Hawaii tại cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương. Các binh sĩ này sử dụng xuồng cao su và trinh sát bờ biển trước khi hàng loạt lính thủy quân lục chiến Mỹ, Australia và Indonesia ập vào trên các phương tiện đổ bộ.
Sự âm thầm và thực tế của người Nhật đang cho thấy họ không hề lơ là trước một Trung Quốc đang lên và ngày càng ngang ngược.