Trung Quốc có vượt được Nga trên thị trường xuất khẩu vũ khí?

Hải Vy |

Theo Sina, một số hệ thống vũ khí Trung Quốc đã có thể cạnh tranh với vũ khí Nga trên thị trường quốc tế.

Theo mạng quân sự Sina, gần đây, một bức ảnh chụp 3 chiếc trực thăng tấn công Z-10 mà Trung Quốc chuyển giao cho Pakistan đã lan truyền trên internet.

Điều này đã làm dấy lên cuộc tranh luận, so sánh giữa các cư dân mạng về các hệ thống vũ khí xuất khẩu của Nga và Trung Quốc.

Trong một số lĩnh vực nhất định, ngành công nghiệp quốc phòng Nga có lợi thế rõ rệt. Những tinh hoa kế thừa từ Liên Xô và những nỗ lực trong nghiên cứu và phát triển đã đưa Nga đi đầu trong thị trường vũ khí quốc tế.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm, Nga hiện là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới. Có 56 quốc gia đã trở thành khách hàng của vũ khí Nga.

Sản lượng xuất khẩu vũ khí tới Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria chiếm tới 60% tổng sản lượng xuất khẩu vũ khí của Nga.

Mặc dù bước vào thị trường xuất khẩu vũ khí chưa lâu nhưng Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp lớn thứ 3 thế giới.

Các loại vũ khí mà nước này đã xuất khẩu bao gồm tiêm kích JF-17 Thunder (hợp tác với Pakistan sản xuất), pháo tự hành PLZ-45 155mm và các tên lửa chống tàu dòng C-.

Ngành xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng trưởng mau lẹ như vậy là nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế - nhân tố thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Điều này đã cho phép một số hệ thống vũ khí Trung Quốc có thể cạnh tranh với vũ khí Nga trên thị trường quốc tế.

Changhe Z-10.jpg

Trực thăng Z-10

Ví dụ điển hình là việc Pakistan quyết định mua các trực thăng tấn công Z-10 từ Trung Quốc.

Theo trang Strategy Page (Mỹ), Bắc Kinh đã chuyển giao 3 trực thăng loại này cho Pakistan. 3 chiếc này được chuyển trước cho Pakistan để họ có thể thử nghiệm.

Pakistan sẽ mua 17 chiếc Z-10 và trước cuối năm nay, nước này sẽ nhận được thêm 2 chiếc nữa.

Việc Trung Quốc chuyển giao các hệ thống vũ khí ngay trong giai đoạn đầu của thoả thuận là điều chưa từng xuất hiện trong các hợp đồng mua bán quốc phòng và có thể được coi như dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh rất muốn cạnh tranh giành khách hàng với Moscow.

Pakistan là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua mẫu trực thăng này của Trung Quốc.

Theo báo chí Pakistan, chính phủ nước này còn muốn mua các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Type 094 do Trung Quốc chế tạo.

Tuy nhiên, theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, sau thương vụ trực thăng với Trung Quốc, Pakistan đã cùng Nga ký thỏa thuận mở rộng hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị quân sự.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, Nga sẽ cung cấp 20 trực thăng tấn công Mi-35 cho Pakistan.

Hai nước cũng có thể sẽ đạt được các thỏa thuận cung cấp hệ thống pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S1, hệ thống pháo phòng không, trực thăng tác chiến trong mọi thời tiết Mi-28E và hệ thống tên lửa 9K37 Buk.

Pakistan có kế hoạch vận hành đồng thời các mẫu trực thăng mua từ Trung Quốc và Nga.

Hiện nay, một số hệ thống vũ khí trong biên chế Lực lượng vũ trang Pakistan là do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển, gồm iêm tkích JF-17, các loại xe tăng chiến đấu chủ lực, khinh hạm lớp Zulfiquar, tàu tấn công nhanh lớp Azmat.

Hợp đồng mua sắm các loại vũ khí khác dự kiến sẽ được ký kết sớm, trong đó có thỏa thuận nâng cấp khinh hạm F-22P, thỏa thuận cung cấp 8 tàu ngầm diesel-điện Type 039A (lớp Yuan) phiên bản xuất khẩu và thỏa thuận mua tàu tên lửa Type 022 của Trung Quốc.

Về phần mình, Nga có vẻ đang nỗ lực tiếp cận các khách hàng truyền thống của Trung Quốc như Thái Lan, Myanmar và Pakistan để mở rộng thị trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại