Trong tay Syria, siêu tiêm kích MiG-31 bỗng trở nên vô dụng

Bạch Dương |

Mặc dù được Nga chuyển giao từ năm ngoái nhưng cho đến nay 6 chiếc tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 của Không quân Syria vẫn "tàng hình".

Vào ngày 17/8/2015, hãng tin Anh IHS Jane's cho biết, 6 chiếc tiêm kích MiG-31 đã được chuyển đến căn cứ không quân Mezze ở ngoại ô thủ đô Damascus.

Đây là một phần trong thỏa thuận quốc phòng Syria ký với Nga từ năm 2007, theo đó quốc gia Trung Đông này sẽ nhận được tổng cộng 8 máy bay tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 tối tân.


Tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 của Không quân Nga

Tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 của Không quân Nga

Việc Syria nhận MiG-31 ngay trước khi Nga tiến hành các hoạt động quân sự tại đây là hoàn toàn có chủ đích.

Cần nhắc lại rằng hiện tại chỉ có duy nhất Nga được phép mang lực lượng quân sự vào hoạt động trong lãnh thổ Syria, còn máy bay của các quốc gia khác đều đang hoạt động trái phép, thậm chí còn thù địch với chính quyền sở tại.

Do vậy, một sĩ quan cấp cao của Syria đã ra tuyên bố: "Chúng tôi sẽ bắn hạ các máy bay mà không đưa ra cảnh báo trước". Điều đó cho thấy quyết tâm rất lớn của quân đội nước này.

Trong tác chiến phòng không, nếu chỉ trông cậy vào tên lửa dưới đất thì sẽ luôn rơi vào trạng thái thụ động. Các máy bay tiêm kích, đặc biệt là loại "mini AWACS" như MiG-31 sẽ đặc biệt có tác dụng trong việc làm chủ bầu trời.

Tuy nhiên từ đó tới nay, đặc biệt là ngay cả trong thời kỳ cao điểm và căng thẳng của chiến dịch oanh kích được Không quân Nga phối hợp tiến hành, các tiêm kích MiG-31 của Syria vẫn im hơi lặng tiếng một cách khó hiểu.

Nếu MiG-31 được Không quân Syria triển khai hoạt động, chắc chắn máy bay Israel sẽ không thể xâm nhập và trút bom thoải mái xuống đầu lực lượng Hezbolla ngay tại thủ đô Damascus như vậy, và gánh nặng trên vai Không quân Nga cũng sẽ được giảm bớt ít nhiều.


Không chỉ có MiG-31, các hệ thống phòng không tối tân Nga đã chuyển giao cho Syria cũng hoàn toàn im hơi lặng tiếng

Không chỉ có MiG-31, các hệ thống phòng không tối tân Nga đã chuyển giao cho Syria cũng hoàn toàn im hơi lặng tiếng

Với những gì đang diễn ra, không thể không đặt ra câu hỏi là liệu vũ khí Nga có đi vào vết xe đổ trong quá khứ, đó là giao nhầm vào tay đối tác kém tin cậy ở khu vực Trung Đông.

Điều này là hoàn toàn có thể, khi thực tế chiến trường đã chứng minh trong nhiều trận đánh, binh lính Syria đã vứt bỏ toàn bộ trang bị còn tốt cho đối phương sử dụng để chạy thoát thân trong khi chưa gặp phải uy hiếp đến mức nghiêm trọng.

Gần đây nhất, đoạn video được FSA tung lên mạng cho thấy lính Syria đã bỏ cả xe tăng T-90 sau khi bị tên lửa TOW bắn trúng, dù cho chiếc chiến xa đó không bị hư hại quá nghiêm trọng.

Trong thời gian tới, khi Nga đã rút phần lớn lực lượng của mình về nước sẽ là cơ hội cuối cùng để MiG-31 cũng như Không quân Syria chứng tỏ năng lực của mình.

Nếu vẫn "tàng hình", rõ ràng danh tiếng của chiếc tiêm kích đánh chặn tầm xa tốt nhất thế giới sẽ bị hủy hoại hoàn toàn và Syria chính là đối tượng phải chịu trách nhiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại