Trao thưởng kỷ lục: Pháo và cối có gì giống và khác nhau?

Chuyên gia quân sự Minh Quân |

Pháo và cối đều đóng vai trò là hỏa lực quan trọng của lục quân, vậy chúng có gì giống và khác nhau? Lần này có tới 4 bạn đọc cùng được trao giải, một kỷ lục mới về số bạn nhận giải.

Pháo và cối có gì giống và khác nhau? Để trả lời câu hỏi này chúng ta sẽ cùng xem xét một số mặt sau:

Xét về mục đích sử dụng thì cả pháo và cối đều được làm ra với mục đích là để yểm trợ hoả lực cho bộ binh, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến đấu hoặc công sự, hoả điểm của đối phương.

Chúng đều hoạt động theo một nguyên lý là dùng áp lực khí thuốc sinh ra khi đốt cháy thuốc phóng hoặc hỗn hợp cháy đặc biệt để đẩy đạn đi. Đây là điểm giống nhau chủ yếu, chính vì vậy trong định nghĩa chính xác về cối người ta gọi nó là “pháo cối”.

Pháo thường dùng để bắn xa và có thể dùng bắn thẳng (trực xạ) nên góc bắn (góc tầm) thường từ -7 đến +70 độ.

Trong khi đó, cối chuyên dùng để bắn cầu vồng, tiêu diệt địch sau các vật che khuất như tường nhà, công sự, khe núi, khối chắn,… nên góc bắn bị hạn chế từ 45 độ trở lên đến 86 độ.

Pháo thường nạp đạn từ phía sau, trong khi hầu hết các loại cối nạp đạn từ miệng nòng trừ các loại cối cỡ lớn từ 120mm trở lên. Nòng pháo thường có rãnh xoắn hay còn gọi là rãnh khương tuyến, nhưng cối thường là nòng trơn.

Tuy vậy cũng có loại cối nòng có rãnh, khi ấy nó có khả năng bắn thẳng (trực xạ), cũng có loại pháo nòng trơn nhưng chúng chủ yếu được dùng trên xe tăng, khi ấy đạn pháo lại được chế tạo với cánh đuôi để tạo độ xoáy sau khi ra khỏi nòng.

Tất cả các loại pháo đều sử dụng phương tiện kéo (pháo xe kéo), chở (pháo tự hành) hoặc được gắn trên phương tiện chiến đấu (xe tăng, tàu chiến,…), hầu hết các loại cối là mang vác bằng sức người.

Do được làm ra để luôn theo sát bộ binh, chi viện trực tiếp nên cối được chế tạo với kết cấu đơn giản, dễ tháo lắp, vận chuyển và có tốc độ bắn nhanh hơn pháo khá nhiều.

Để phân biệt giữa pháo và cối bằng bề ngoài thì dễ nhất là nhìn vào bộ phận trung gian để truyền phản lực của phát bắn xuống mặt đất ở chúng. Ở pháo, đó là hệ thống càng, bánh xe… còn ở cối đó là bàn đế.

Tuy cũng có một số loại cối khi được gắn lên phương tiện chiến đấu không có bàn đế, nhưng hầu hết các loại cối đều sử dụng bàn đế.

Cách phân biệt nữa là nhìn vào đạn, đạn pháo thường có hình trụ tròn dài và đầu đạn nhọn theo hình dáng khí động học, đạn cối thường có hình giọt nước, lớn nhất ở gần giữa viên đạn nơi gắn đai dẫn hướng và nhỏ dần đều về đầu và đuôi./.

Vì cùng lúc có nhiều bạn trả lời rất công phu, mỗi người một vẻ, mặc dù có đôi chỗ chưa thật hoàn toàn chính xác, tuy nhiên sau khi cân nhắc, nhóm chuyên gia quân sự quyết định trao giải cho 4 bạn đọc sau đây:

Câu trả lời của các bạn được trao giải cụ thể như sau:

Bạn đọc Thi (10h59, ngày 23-10-2015):

Cơ bản về súng cối. 
Súng cối hay có thể gọi là pháo cối (thường thì từ súng cối được gọi phổ biến hơn) là một trong 4 loại hỏa lực cơ bản của pháo binh (pháo nòng dài, lựu pháo, pháo phản lực và súng cối).

Như thế có thể coi súng cối cũng là một loại pháo nòng trơn. Và pháo là tên gọi bao trùm nhiều loại khác nhau. 


Theo công năng, súng cối được chia làm hai loại: súng cối và súng cối cá nhân (loại nhỏ). Ngày nay, súng cối được chia thành nhiều loại khác nhau, tùy theo mục đích sử dụng. Loại dùng cho bộ binh rất nhẹ và tốc độ bắn cao, đạn rẻ so với các súng bắn trái phá cùng cỡ khác.

Súng cối kiểu này không có hãm lùi, mà đập phản lực qua đế thẳng xuống đất, góc bắn trên 45 độ, đẩy đạn lên vùng khí loãng nhằm tăng tầm bắn. Khối lượng nhỏ tạo nên ưu thế cho nó trở thành một vũ khí trợ chiến cho bộ binh rất thông dụng và hiệu quả.

Đặc điểm của súng cối là pháo nòng trơn không có rãnh xoắn, quỹ đạo bắn là một hình cầu vồng có góc bắn (góc giữa mặt phẳng ngang và trục nòng pháo) rất lớn (trên 45 độ), quỹ đạo hình cầu vồng dựng đứng hay người ta thường nói là bắn theo kiểu đạn treo.

Chuyển động phóng là nhờ liều thuốc cháy trong phần trên các cánh dẫn hướng. 

Những súng cối nhỏ như 60mm hay 82mm hiện nay cũng không cần dùng cò bấm như trước. Đạn thả từ đầu nòng, rơi xuống đập vào kim hỏa phát nổ, rồi đẩy đạn đi. Cấu tạo đơn giản nên vũ khí này rất ổn định và bền bỉ.

Nhược điểm của súng cối là thời gian đạn bay đến mục tiêu lâu, khó tính toán diện tích cũng như hiệu quả sát thương. Chính vì thế sử dụng cối khi địch quá xa có thể gây tổn hại cho dân thường.

Một nhược điểm quan trọng khác là súng cối cần góc bắn nên khi địch tiến quá sát thì coi như không thể sử dụng được nữa. Lúc này súng cối sẽ trở nên vô hiệu.


Vì đường đạn kém chính xác (nhất là súng cối hạng nhẹ của bộ binh) nên súng cối thường dùng bắn trái phá theo diện tích, phá hủy công trình, áp chế mặt đất. Một số súng cối được đặt trên xe bắn góc thấp, các súng cối bắn góc thấp nâng cao được độ chính xác.

Có thể bắn các ổ hỏa lực địch, hỗ trợ bộ binh tầm gần, như các khẩu pháo của xe BMP.

Trong thời điểm hiện tại hướng phát triển nữa của súng cối là tăng kích thước nòng súng rồi đặt lên xe tự hành với tên gọi quen thuộc là pháo tự hành. Như thế ranh giới giữa 2 cách gọi pháo và cối nhiều khi lẫn lộn với nhau.

Cũng không thể phân biệt cối và pháo theo cỡ nòng được vì nó cũng chồng lấn. Tuy nhiên theo cách nạp đạn thì cối có thể nạp đạn cả ở đầu nòng (đối với cối đời sơ khai hoặc một số loại cối cá nhân cho bộ binh), cuối nòng.

Cơ bản về pháo. 
Pháo hay đại pháo, hoả pháo, là tên gọi chung của các loại hỏa khí tập thể có cỡ nòng từ hai mươi mi-li-mét trở lên.

Pháo có uy lực dùng trong quân đội các nước để tiêu diệt sinh lực và phương tiện của đối phương hoặc làm những nhiệm vụ khác như: tạo khói, chiếu sáng, phòng không, phòng vệ tầu chiến...

Pháo là một cấu thành của hệ vũ khí quân dụng và là cấu thành chính của một binh chủng rất quan trọng trong quân đội có tên là binh chủng pháo binh.

Pháo khác với súng ở chỗ cỡ nòng của pháo lớn hơn nhiều cỡ nòng súng (nòng súng đại liên cỡ lớn là đến 14.5 mm còn nòng pháo cỡ nhỏ nhất cũng đã là 20 mm và loại lớn có thể đến trên 800 mm như là khẩu Gustav) nhưng đặc điểm quan trọng nhất của pháo là đầu đạn pháo có thể nổ để tiêu diệt mục tiêu còn đầu đạn của súng thường không nổ khi bắn vào mục tiêu.


Pháo có thể phân loại theo nhiều cách. Phân loại theo nhiệm vụ như pháo bộ binh, pháo phòng không, pháo hạm… Phân loại theo nòng có pháo lòng trơn, pháo nòng xoắn. Phân loại theo số nòng có pháo đơn nòng, đa nòng.

 
Đặc điểm quan trọng nhất của pháo thời hiện đại là sử dụng cách bắn gián tiếp, tức mục tiêu không nhất thiết phải nằm trong tầm nhìn. Ngày càng có nhiều pháo tự động, giảm thao tác và kíp trắc thủ đồng thời tăng chính xác của phát bắn.

Sự phát triển của công nghệ radar và dữ liệu sẽ làm cho nhiệm vụ và uy lực của pháo ngày càng tăng lên. 

Từ "pháo" lúc đầu không được sử dụng cho vật thể phóng đi với hệ thống đẫn đường bên trong, mặc dù một số đơn vị pháo binh sử dụng tên lửa đất đối đất.

Những tiến bộ trong hệ thống dẫn đường cho vũ khí loại nhỏ đã giúp cho vật thể với cỡ nòng lớn được phát triển, nhờ thế xóa dần đi sự phân biệt này.

Trong Thế chiến I, những loại pháo cỡ nhỏ, có thể bắn tự động được phát minh để trang bị cho máy bay và để chống máy bay.

Ngày nay, các loại pháo tự động đã thay thế các pháo phòng không cỡ lớn trên mặt đất, thay thế súng đại liên nhỏ trên máy bay, được đặt trên xe cộ hoặc tầu chiến một cách phổ biến. Pháo tự động là các loại súng có nhịp bắn cao nhất hiện nay, có thể lên tới 10000 phát/ phút. 

Từ Thế chiến II, một số loại "pháo xách tay", cỡ nòng thường là 20mm, đã xuất hiện. Các pháo nhỏ này được trang bị cho bộ binh để chống tăng, phá hoại xe cộ, máy bay. 

(Một số thông tin về pháo và cối sử dụng dữ liệu trên wikipedia) 

Tóm lược sự giống và khác nhau. 
Giống nhau: 
- Có lịch sử đều rất lâu đời.

- Bắn đạn nổ, đạn có uy lực hơn súng khá nhiều.

Khác nhau:

- Súng cối là một loại pháo nòng trơn. Pháo có cả nòng trơn, nòng xoắn.

- Pháo có thể có nhiều nòng, nhưng súng cối chỉ có 1 nòng.

- Pháo bao hàm rộng hơn súng cối. Pháo được sử dụng cho hầu hết các binh chủng, ngoài ra nó còn là 1 binh chủng riêng, còn súng cối chủ yếu được dùng cho bộ binh nên sử dụng chủ yếu ở trong tầm nhìn. Điều đó cho thấy pháo là vũ khí rộng hơn nhiều so với súng cối.

- Đạn súng cối thuộc loại rẻ tiền, không có điều khiển, phương cách bắn đơn giản (vì dùng cho bộ binh là chính), độ chính xác kém nhưng bù lại phạm vi sát thương lại rộng.

Đạn pháo có nhiều loại, có cả loại có điều khiển, rocket....., độ chính xác của pháo ngày càng tăng lên, phương cách bắn phức tạp, phải sử dụng dữ liệu hỏa lực nên bắn được ngoài tầm nhìn, điều khiển pháo nói chung là khó khăn và phải được đào tạo bài bản, chứ không dễ dàng như điều khiển súng cối.

- Đạn súng cối có thể nạp ở cuối nòng hoặc đầu nòng. Đạn pháo thường nạp ở cuối nòng.

- Về kinh tế thì thường là pháo đắt hơn súng rồi (kể cả đạn lẫn khẩu pháo hay cối). Nó được xếp thứ hạng cao hơn.

Pháo có thể sử dụng ở cả độ cao, tầm xa, tầm gần,… tức là phạm vi rộng hơn so với chức năng của cối. Điều đó nói lên là mặc dù pháo chính xác hơn, nhưng hiện nay cũng chưa thể thay thế được súng cối.

Bạn đọc Nguyễn văn Nhật (11h54, ngày 23-10-2015)

1. Sự giống nhau giữa pháo và cối:

- Thời gian xuất hiện chung là khoảng giữa thế kỷ 13 vì lúc đó chưa phân biệt cối hay pháo, nhưng vì kỹ thuật giống nhau nên tôi cho rằng cả 2 cùng từ 1 xuất phát điểm.

- Đều nằm trong binh chủng pháo binh thực hiện nhiệm vụ tương đối giống nhau đó là hỗ trợ hỏa lực cho lục quân.

- Đầu đạn thường giống nhau.

- Cách thức triển khai nơi đặt vị trí và mục tiêu bắn, đường đạn và cách tiêu diệt mục tiêu giống nhau đó là: vị trí triển khai đều không ở trực tiếp chiến trường, có thể triển khai ở sau vật cản, đường đạn thường ở góc cao, tiêu diệt mục tiêu được che chắn, cũng có các loại cối hoặc pháo bẳn thẳng.

- Kết cấu và kết cấu kĩ thuật nòng tương đối giống nhau: kết cấu bên trong kết cấu nòng xoắn hay trơn tương đương nhau.

- Cỡ nòng chế tạo của cả 2 loại có thể gọi là tương đương nhau tùy theo mục đích và hiệu quả sử dụng.

- Khả năng cơ động khi trọng lượng lớn đều giống nhau.

- Thao tác bắn có nhiều thứ giống nhau như : tự động, bán tự động, không tự động.

- Nguyên lý bắn giống nhau: Đều thuộc nguyên lý phóng trong.

2. Sự khác nhau:

- Khác nhau trước tiên là ở cái tên rõ ràng 2 cái tên khác nhau và thực tế nguồn gốc từ 2 cái tên này về cách xuất hiện cũng khác nhau.

- Khác ở tầm bắn và quỹ đạo bắn, vị trí đầu đạn rơi xuống: pháo thường có quỹ đạo bắn với góc 45 độ còn cối thì thường lớn hơn, nên tầm bắn của pháo thường xa hơn nhiều so với cối. Đạn cối thường rơi thẳng đứng xuống đầu quân địch là đặc điểm đạn pháo thông thường không thể làm được.

- Khác chiều dài nòng và cách nạp đạn, đạn: cối thường có nòng ngắn hơn pháo, và vì thế cho phép nạp đạn ở đầu nòng, còn pháo thì không thể điều này dẫn đến sự khác biệt 1 chút về đuôi đạn cối và đạn pháo, đạn cối.

- Sơ tốc đạn : sơ tốc của cối thường nhỏ hơn pháo.

- Tốc độ bắn: tốc độ bắn của cối thường nhanh hơn so với tốc độ bắn của pháo.

- Riêng cối có khả năng cơ động cao hơn vì có thể nhỏ gọn, còn pháo thì không thể.

Bạn đọc Lê Chí Hiếu · 15h20, ngày 23-10-2015:

Nếu định nghĩa và phân tích về Pháo và súng cối sẽ rất dài. Tôi xin tóm lược nội dung như sau: 
Về mặt bắt nguồn lịch sử chúng ta dễ nhận thấy súng cối theo đúng nghĩa ra đời trước pháo gần như cả một thế kỷ.

Đấy là một phát minh lớn và cải tạo của cả thế giới chứ không riêng gì của bất kỳ quốc gia nào.Pháo và súng cối vốn một thời không được phân biệt rõ ràng.

Vấn đề so sánh chỉ được đặt ra vào đầu thế kỷ 20, khi người Đức chế tạo được súng lớn, nòng dài và đạn xuyên phá, thì sự khác biệt về pháo và cối mới hình thành rõ rệt.

Pháo ra đời sau và thừa hưởng nền công nghiệp luyện kim và công nghệ cao hơn trước nên gần như tuyệt đối chiếm ưu thế trừ khả năng cơ động và triển khai tại các vùng địa thế hiểm trở.

I. Sự giống nhau cơ bản: Pháo và súng cối là thiết bị hỗ trợ hỏa lực, tiêu diệt mục tiêu, hỗ trợ phản công, phòng thủ đắc lực cho bộ binh. Là một loại trong bốn loại hoả pháo cơ bản của pháo binh (pháo nòng dài, lựu pháo, pháo phản lực và súng cối).

Cấu tạo cơ bản đạn nổ được "bắn" đi qua một nòng dạng ống lớn và tiêu diệt lực lượng địch bằng sát thương khi đạn nổ (khác với súng thường).

II. Khác nhau: Ở đây mình chỉ nêu ý chính 
1. Lịch sử và mục đích: Pháo ra đời sau khi nền luyện kim, khoa học phát triển nên yếu tố hỏa lực, sức công phá, tầm xa và đa nhiệm hơn súng cối rất nhiều.

Súng cối ra đời với mục đích chỉ để tác chiến đánh gần và rất hiệu quả trong đánh gần, có thể tiêu diệt các mục tiêu bị khuất lấp bởi vật cản đồng thới nó có thể bắn ra từ vị trí được che chắn tốt.

Và vì có khối lượng nhỏ nên nó cũng là loại pháo trợ chiến cho bộ binh rất thông dụng và hiệu quả.

2. Nguyên tắc cấu tạo cơ bản:

a. Nòng: nòng súng cối là nòng nhẵn không có khương tuyến từ 60-120mm, đạn không có cáp tút nên không có hệ thống quy lát ở phía cuối nòng.

Pháo có nòng cỡ lớn, nòng dài, có khương tuyến-rãnh xoắn hoặc trơn, có quy lát cuối nòng và nòng có liên kết cơ phức tạp với chân đế. 

b. Bàn đế, giá chân và hệ hãm phản lực: Súng cối có chân đế đơn giản (tấm hình tròn hoặc chữ nhật nhỏ), cơ chế dùng chân đế tựa vào địa hình chắc để giảm giật của phản lực.

Pháo có cấu tạo chân đế lớn, có bánh xe di chuyển hoặc gắn trên xe cơ động, hệ thống giảm giật cơ phức tạp-nòng có độ giật lùi cao trên ray dẫn hướng.

c. Đạn: Đạn súng cối đơn giản và nhỏ, đạn súng cối là loại đạn có sơ tốc lực đẩy nhỏ không có cáp tút. Chuyển động phóng là nhờ liều thuốc cháy trong phần trên các cánh dẫn hướng,đạn được nạp từ phía trước nòng.

Đạn pháo có kích thước lớn, là đạn đa kiểu, rocket hoặc cả đạn dẫn hướng.

3.Tính năng cơ động: Pháo cơ động tốt ở vùng địa thế rộng rãi, bằng phẳng do có khối lượng lớn di chuyển nhờ xe kéo hoặc chở chuyên dụng, sự cơ động ở vùng địa hình phức tạp rất kém.

Súng cối gọn nhẹ nên tính cơ động rất cao ở mọi loại địa hình đặc biệt chiếm ưu thế tại địa hình rừng núi, địa hình phức tạp.Việc chuyên chở đạn cho súng cối cũng đơn giản và cơ động sơn Pháo nhiều.

4.Hỏa lực và Quỹ đạo đạn: Súng cối có hỏa lực kém hơn rất nhiều so với Pháo bởi khả năng bắn xa, độ sát thương của đạn hay độ chính xác.

Đạn cối có quỹ đạo bắn là một hình cầu vồng có góc bắn (góc giữa mặt phẳng ngang và trục nòng pháo) rất lớn (trên 45 độ), quỹ đạo hình cầu vồng dựng đứng hay người ta thường nói là bắn theo kiểu đạn treo, có lợi thế trong vài trường hợp do đạn rơi gần như phương đứng.

Đạn pháo có quỹ đạo đa dạng hơn do đó tầm xa và khả năng bắn đứng phòng không tốt hơn.

5. Khả năng tự hành, cơ chế lắp đạn và ngắm bắn: đạn súng cối nạp thủ công trước nòng do nòng ngắn và cấu tạo. Đạn Pháo có thể nạp thủ công, tự động tùy từng loại và nạp phía sau nòng.

Về mặt kỹ thuật tác chiến và ngắm bắn của Pháo cũng khoa học và chính xác hơn súng cối rất nhiều (tất nhiên do pháo được cấu tạo phức tạp và tinh vi hơn súng cối rất nhiều).Khả năng phát triển và ứng dụng của Pháo cũng hơn hẵn súng cối.

6.Quy mô sử dụng: Súng cối được sử dụng đơn lẻ trong các đơn vị trong khi đó Pháo được biên chế hẳn một binh chủng pháo binh cũng đủ biết quy mô và nhiệm vụ của hai loại.

Bạn đọc Hiệp Sơn Tây (20h57, ngày 23-10-2015)

PHÁO và CỐI có những diểm giống và khác nhau như sau: 
Giống nhau:
Là vũ khí cộng đồng, hỏa lực mạnh, dùng để hỗ trợ hỏa lục trong tấn công và phòng ngự, quy mô chiến thuật, chiến dịch, hoặc các trận đánh nhỏ lẻ.

- Đạn sau khi được bắn khi nòng đến mục tiêu sẽ phát nổ, có nhiều loài đạn như đạn nổ thường, đạn xuyên.....tùy từng nhiệm vụ khác nhau. 
- Đạn có thể bay cầu vồng,bắn được nhũng mục tiêu bị che khuất sau vật cản. 
Khác nhau:

- Nguyên lý ,cấu tạo quả đạn khác nhau: Đạn cối không có vỏ đạn, khi bắn, thuốc phóng cháy trong nòng súng tạo áp lực đẩy quả đạn đi.

Khi bắn phải thả quả đạn từ đầu nòng súng, quả đạn trượt suống đáy nòng, hạt nổ chạm kim hỏa ở đáy nòng làm cháy thuốc phóng, đạn cối chỉ bắn cầu vồng, không thể bặn thẳng, tầm bắn ngắn hơn pháo rất nhiều vì sơ tốc đạn nhỏ, và chỉ bắn được phát một thủ công, không thể bắn liên thanh tốc độ bắn chậm.

- Nòng súng cối không có rãnh xoắn nên đạn cối không xoay trong khi bay đến mục tiêu nên độ chính xác không cao, không có bệ khóa nòng như pháo mà kim hỏa gắn cố định ở đáy nòng.

- Cấu tạo súng cối đơn giản, gọn nhẹ, cơ động cao,đễ sử dụng, có thể bắn ứng dụng (trong chiến đấu) không cấn cả chân, bệ, thước ngắm....(ví dụ cối 60mm). Rất dễ dàng trang bị cho tổ chiến đấu nhỏ lẻ hoặc xe chiến đấu, tàu, xuồng nhỏ.

- Đạn pháo rất đa dạng: có vỏ đạn và đầu đạn riêng tạo thành quả đạn, khi bắn lắp đạn ở cuối nòng, có thể bắn thẳng hoặc bắn cầu vồng, hoặc đạn pháo phản lực (hỏa tiễn) bắn bằng bệ phóng chuyên dụng,có nhiều chủng loại đạn pháo: nổ, xuyên, khoan, nhiệt áp, tăng tầm.... 
-Nòng pháo có rãnh xoắn, có bệ khóa nòng, kim hỏa riêng, pháo cấu tạo phức tạp hơn cối rất nhiều nhưng chủng loai rất đa dạng (pháo mặt đất, pháo phòng không, hải pháo, pháo tăng, pháo chuyên dụng, pháo phản lực....).

Cỡ nòng cũng rất phong phú từ nhỏ đến to hoặc rất to, tầm bắn xa hơn và chính xác hơn cối rất nhiều.

Xin chúc mừng các bạn.

Trân trọng,

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại