Rất nhiều điều liên quan đến chi phí quân sự đã được tờ Nationalinterest của Mỹ tiết lộ nhân dịp Tổng thống Mỹ Obama sắp công bố ngân sách tài khóa 2017 vào tháng Hai tới.
Theo Viện An ninh và Chính sách đối ngoại Quốc gia Mỹ (INSFP), năm 2011 chi phí cho quốc phòng của Mỹ lớn hàng đầu thế giới, bằng tổng chi tiêu quốc phòng của 13 nước lớn hàng tiếp theo cộng lại.
Và tháng Hai tới đây, Tổng thống Obama sẽ công bố đề xuất ngân sách tài chính 2017, trong đó, chi tiêu cho quốc phòng sẽ cán mốc mới.
Tuy nhiên, trước khi bản ngân sách này được công bố, đã có không ít tranh luận, nào là chi bao nhiêu cho an ninh là hợp lý để khắc phục tình trạng "ném tiền qua cửa sổ".
Hoặc chi quá ít gây ảnh hưởng đến các mục tiêu trong tương lai, nhất là trong bối cảnh an ninh toàn cầu leo thang, bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của Mỹ.
Liên quan đến chi tiêu quốc phòng, tờ Nationalinterest vừa cập nhập 5 tranh luận mà theo Nationalinterest là tán dương cho sức mạnh quân sự và xa hơn, muốn nhắn nhủ Nhà Trắng nên cắt giảm khoản chi này cho hợp lý, hiệu quả.
1. Hiện tại, chi phí quốc phòng Mỹ lớn bằng 7 quốc gia kế tiếp cộng lại
Theo thống kê, hiện nay chi phí quốc phòng của Mỹ bằng 7 quốc gia lớn hàng tiếp theo gộp lại. Thậm chí, chi cho quốc phòng của Mỹ nhiều hơn cả chi cho chăm sóc sức khỏe của 9 quốc gia kế tiếp cộng lại.
Hoặc năm 2012, chi phí cho quốc phòng của Mỹ chiếm 1/3 so với chi phí dành cho giải trí của toàn nhân loại. Người Mỹ tự vỗ ngực là quốc gia giàu có nhất nên có quyền bảo vệ các lợi ích sống còn của mình trên quy mô toàn cầu.
Trong vòng 4 năm trở lại, đây chi tiêu quốc phòng của Mỹ đã giảm nhưng kỷ lục vẫn chưa bị xô đổ.
Nó cho phép Mỹ có thể chặn đứng các mối đe dọa trước khi nó đổ bộ lên bờ biển nước Mỹ, đồng thời duy trì một lực lượng quân sự hùng mạnh có khả năng tham chiến hiệu quả và bảo vệ hòa bình trên quy mô toàn cầu.
2. Chi tiêu quốc phòng có nguy cơ bị "lạm phát"
Phải nói ngay rằng chi tiêu quốc phòng của Mỹ đã tăng mạnh sau cuộc tấn công khủng bố 11/9. Từ năm 2001 đến năm 2015, chi cho các chương trình kinh tế xã hội vẫn tăng cao hơn so với chi tiêu cho an ninh quốc gia: 61% so với 38% sau khi đã điều chỉnh lạm phát.
Chi tiêu của Bộ Quốc phòng Mỹ hiện nay chỉ chiếm 15% trong tổng số các chi tiêu của liên bang, ít hơn trước ngày 11/9/2001. Ngoài khoản này, các bang có thêm 10% chi tiêu cho quốc phòng trong tổng số chi tiêu chung của địa phương.
Nếu tính theo GDP, tỷ lệ phần trăm chi tiêu cho an ninh quốc gia đã giảm từ 4,7% (2010) xuống còn 3,3% (2015), trong khi đó, năm 2001, mới chỉ đạt 2,9%.
3. Các khoản nợ quốc gia là mối đe dọa an ninh lớn đối với Mỹ
Tranh luận này được đông đảo dư luận Mỹ quan tâm bởi các khoản nợ của Mỹ ngày càng phình to và thực sự trở nên nghiêm trọng.
Tuy nhiên theo Nhà Trắng, nó không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia, điều này không có nghĩa Mỹ phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng, mà nợ quốc gia chỉ được xem là một mối đe dọa ở một dạng khác, ít nguy hiểm hơn.
Nợ quốc gia là một lực cản đáng kể đối với nền kinh tế chung, làm cho cuộc sống của người dân trở nên tồi tệ, nhất là cho thế hệ tương lai.
Nhưng nó không phải là mối đe dọa như tên lửa hạt nhân hoặc các cuộc tấn công tự sát, hay các cuộc tấn công của IS, Nga, Trung Quốc, Iran hay Bắc Triều Tiên.
Tuy mối đe dọa này không gây chết người nhưng nếu không quản trị tốt sẽ ảnh hưởng tới chi tiêu cho quốc phòng.
Văn phòng Quản lý và Ngân sách quốc gia Mỹ (OMB) cho hay, Mỹ nhận thức đầy đủ vấn đề nợ công nên bắt đầu cắt giảm chi tiêu. Từ năm 2009 đến năm 2013, thâm hụt ngân sách liên bang hàng năm vượt cả tổng ngân sách an ninh quốc gia.
Riêng chi tiêu của Bộ Quốc phòng sẽ giảm còn 11,7% vào năm 2020 so với mức 15% như hiện nay.
Còn Văn phòng quản lý Ngân sách Quốc hội thì cho biết trong vòng 20 năm tới Mỹ phải tiếp tục giảm chi phí cho 3 hạng mục chính là an ninh xã hội, chăm sóc y tế và thanh toán lãi suất.