TQ được phen "mừng hụt" vì ngỡ vớ được khách sộp cho J-31

Thiên Minh |

Pakistan mới đây lên tiếng phủ nhận thông tin đàm phán với Trung Quốc về khả năng mua mẫu máy bay chiến đấu tàng hình FC-31.

Theo Đài tiếng nói nước Nga, điều này đã được người đứng đầu bộ phận báo chí lực lượng vũ trang Pakistan, Thiếu tướng Asim Saleem Bajwa công bố trong cuộc gặp gỡ với báo giới tại Washington.

Trước đó, tạp chí quốc phòng IHS Jane's (Anh) đưa tin, một quan chức chính phủ cấp cao giấu tên của Pakistan tiết lộ rằng Không quân nước này đang đàm phán với Trung Quốc để mua từ 30-40 máy bay chiến đấu tàng hình Shenyang FC-31 (phiên bản xuất khẩu của J-31)

"Các cuộc thảo luận đã tiến xa hơn bước thăm dò ban đầu và Pakistan có thể trở thành khách hàng đầu tiên của máy bay Trung Quốc" - Vị quan chức này nói.

Với sự phủ nhận mới đây của Pakistan, J-31 Trung Quốc vẫn chưa thể tìm được một khởi đầu may mắn để bước chân vào thị trường vũ khí.

J-31 tại triển lãm Chu Hải

J-31 tại triển lãm Chu Hải

Đã có nhiều bình luận xung quanh sự xuất hiện của J-31 tại triển lãm hàng không Chu Hải năm nay. Đây là lần đầu tiên máy bay quân sự mới của Trung Quốc được công khai khi nó vẫn đang trong những giai đoạn phát triển ban đầu.

Theo hãng tin CNN (Mỹ), J-31 lộ rất nhiều khiếm khuyết. Lộ trình bay của J-31 cho thấy nó "chảy máu" quá nhiều năng lượng, vì vậy, khi thực hiện chuyển hướng, máy bay bắt đầu mất độ cao. Trong suốt thời gian bay thẳng và bay ngang, phi công phải sử dụng buồng đốt sau của động cơ để máy bay không bị hạ độ cao.

Các nhà phân tích hàng không vũ trụ phương Tây chỉ ra rằng nguyên mẫu J-31 bay trình diễn tại triển lãm Chu Hải là không mang vũ khí, điều này có nghĩa là, khi được định hình cho một nhiệm vụ thực sự và trang bị vũ khí, J-31 sẽ nặng nề hơn, thậm chí còn hoạt động kém hơn.

Nhiều người thậm chí ấn tượng với hình ảnh J-31 được đăng tải trên các trang mạng của Trung Quốc hơn là sau khi tận mắt thấy nó cất cánh trong triển lãm hàng không.

Trung Quốc luôn mạnh miệng nói rằng J-31 sẽ là một đối thủ cạnh tranh lớn của F-35 trên thị trường vũ khí quốc tế nhưng những gì mà loại tiêm kích này thể hiện vừa qua đã cho thấy sự thổi phồng quá mức từ phía Trung Quốc.

Theo tạp chí Diplomat (Nhật Bản), Bắc Kinh vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi J-31 có thể cạnh tranh với tiêm kích F-35 Mỹ trên thị trường vũ khí. F-35 dù cũng gặp phải những nghi ngờ về chất lượng và chỉ trích nặng nề vì sự chậm trễ, chi phí cao nhưng nó vẫn có những sức hút mạnh mẽ nhất định bởi nó được đặt trong một tập hợp các mối quan hệ chính trị và công nghệ lớn hơn.

Chẳng hạn như có rất nhiều quốc gia khao khát công nghệ cao và muốn củng cố quan hệ chính trị- công nghệ với Mỹ. Các nước bạn của Mỹ mua F-35 vì lo rằng máy bay chiến đấu của họ sẽ không thể phối hợp hiệu quả với các tiêm kích Mỹ trong những tình huống tác chiến đa phương. Trong khi đó, Trung Quốc không có mối quan hệ như vậy với bất cứ quốc gia nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại