"TQ 'ăn cắp' nhiều đến mấy cũng chưa chắc đóng nổi TSB như Mỹ"

Hải Vy |

Cũng theo nhà phân tích Dave Majumdar, hình ảnh con tàu đang được thi công tại nhà máy đóng tàu Đại Liên, Trung Quốc chưa chắc đã là tàu sân bay.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ) ngày 29/9, nhà phân tích Dave Majumdar đã đưa ra những nhận định về năng lực chế tạo tàu sân bay hạt nhân của Trung Quốc.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Có thực Trung Quốc đang đóng tàu sân bay?

Theo hình ảnh vệ tinh mới được công bố, nhiều nguồn tin suy đoán rằng Trung Quốc đang trong quá trình thi công chiếc tàu sân bay thứ 2 của nước này.

Hình ảnh vệ tinh, đăng tải trên tạp chí quốc phòng Anh IHS Jane’s, cho thấy một con tàu mới đang được chế tạo trên ụ khô mà trước đây dùng để tân trang tàu sân bay Varyag (Liên Xô) thành tàu Liêu Ninh của Trung Quốc.

Đây sẽ là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc nếu quả thực nó là… tàu sân bay.

Theo ước tính của Jane’s, con tàu dài từ 170 – 270m, rộng hơn 30m. Kích thước này quá nhỏ so với 1 tàu sân bay thông thường và các chuyên gia phân tích của Jane’s cũng không khẳng định chắc chắn con tàu mới của Trung Quốc là tàu sân bay.


Hình ảnh vệ tinh cho thấy dường như chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc (khoanh màu vàng) đang được thi công.​

Hình ảnh vệ tinh cho thấy dường như chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc (khoanh màu vàng) đang được thi công.

Trên thực tế, tàu sân bay lớp Kuznetsov (tiền thân của Liêu Ninh) dài khoảng 304m và rộng 72m. Tuy nhiên, nếu phân tích của Jane’s đúng thì chiếc tàu mới của Trung Quốc sẽ dài bằng tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ.

Song, chiều rộng của nó có phần hẹp (hầu hết các tàu sân bay đều rộng hơn nhiều). Điều đó cho thấy đây có thể là một chiếc tàu tấn công đổ bộ hoặc một loại hoàn toàn khác.

Không có gì ngạc nhiên nếu Bắc Kinh đóng tàu sân bay mới, bởi bản báo cáo thường niên năm 2015 do Lầu Năm Góc trình lên Quốc hội Mỹ đã đề cập rằng:

“Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi chương trình tàu sân bay nội địa và có thể sẽ đóng nhiều tàu sân bay trong vòng 15 năm tới”.

Ngoài ra, những ngày qua, theo truyền thông Đài Loan và Hồng Kông, Trung Quốc có thể hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên Type 001A vào ngày 26/12 để kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.

Trước đó, báo chí Trung Quốc cũng đưa tin rằng nước này đang chế tạo tàu sân bay nội địa tại nhà máy đóng tàu Đại Liên.

Chưa đủ khả năng đóng tàu sân bay hạt nhân

Có thể Trung Quốc thự sự đang đóng tàu sân bay mới nhưng con tàu này có vẻ sẽ nhỏ hơn nhiều so với tàu sân bay hạt nhân 100.000 tấn lớp Nimitz hay lớp Ford của Hải quân Mỹ.

Những chiếc tàu của Trung Quốc có thể đều có kích cỡ nhỏ hơn, chạy bằng năng lượng thông thường và không được trang bị máy phóng điện từ.

Lý do rất đơn giản – Trung Quốc không có kinh nghiệm thiết kế và đóng những loại tàu quân sự cỡ lớn như tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ.

Nước này thiếu chuyên môn cần thiết trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo các hệ thống đẩy cho loại tàu như vậy.

Thêm nữa, Trung Quốc còn nhiều yếu kém trong công nghệ luyện kim để chế tạo thân tàu.

Kết cấu máy phóng điện từ trên tàu sân bay Mỹ
Kết cấu máy phóng điện từ trên tàu sân bay Mỹ

Hải quân Mỹ phải mất nhiều năm mới có thể hoàn thiện máy phóng hơi nước và đến nay, vẫn chưa thể chắc chắn về hiệu quả của hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) trên tàu sân bay Ford.

Các kỹ sư Trung Quốc có thể tiếp cận công nghệ này qua những thông tin ăn cắp được nhưng yếu tố quyết định nằm ở kinh nghiệm thực tế.

Trung Quốc không có trong tay công nghệ cần thiết để đóng tàu sân bay hạt nhân.

Hiện nước này vẫn đang nỗ lực xây dựng các lò phản ứng hạt nhân hiện đại dành cho hạm đội tàu ngầm, kết cấu của những con tàu này chỉ có thể so sánh với thiết kế cổ điển của Liên Xô những năm 1970.

Trung Quốc chưa đủ khả năng điều chỉnh thiết kế các lò phản ứng trên để chúng có thể trang bị trên tàu sân bay.

Có vẻ Bắc Kinh cũng ý thức được thiếu sót của mình. Chuyên gia hải quân Trung Quốc tại Bắc Kinh Li Jie đã đề cập vấn đề này với tờ SCMP (Hồng Kông) vào năm ngoái.

“So với tàu ngầm, tàu sân bay có kích cỡ lớn hơn nhiều”, Li nói, “các kỹ sư của chúng tôi cần thời gian để phát triển động cơ hạt nhân mạnh mẽ và an toàn, có thể vận hành được một con tàu khổng lồ, cỡ hơn 100.000 tấn”.

Có khả năng Trung Quốc sẽ học theo cách Mỹ áp dụng trên tàu sân bay USS Enterprise (CVN-65) mới nghỉ hưu gần đây. Con tàu này sử dụng 8 lò phản ứng hạt nhân dùng trên tàu ngầm.


Tàu sân bay USS Enterprise (CVN-65)

Tàu sân bay USS Enterprise (CVN-65)

Khi đóng tàu Enterprise, Mỹ chưa có công nghệ chế tạo lò phản ứng phù hợp với tàu sân bay. Vì vậy, họ lựa chọn trang bị 8 lò phản ứng hạt nhân kích cỡ nhỏ hơn.

Tuy nhiên, do chúng tốn rất nhiều không gian trên tàu nên các tàu sân bay lớp Nimitz sau này đã trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân cỡ lớn để thay thế.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn thua kém Mỹ và Nga trong lĩnh vực công nghệ luyện kim và công nghệ động cơ đẩy.

Các nhà máy đóng tàu Trung Quốc từng có vấn đề về chất lượng luyện kim kém trên các tàu hải quân của họ. Tuy nhiên, trong tương lai, Bắc Kinh có thể sẽ giải quyết được vấn đề này.

Như Ấn Độ, trước đây phải nhập khẩu thép cường độ cao từ Nga, nhưng nay đã tự chế tạo được thép hợp kim nội địa.

Về động cơ đẩy, Trung Quốc vẫn còn nhiều yếu kém nhưng đây là lĩnh vực mà họ có thể tận dụng kinh nghiệm có được từ công nghệ động cơ đẩy hàng hải phục vụ hoạt động thương mại.

Song, nước này có thể sẽ không đủ khả năng để chế tạo các hệ thống đẩy đủ khả năng hỗ trợ tàu sân bay cỡ như Nimitz. Một con tàu kích cỡ nhỏ hơn có vẻ khả quan hơn.

Trong một nghiên cứu của trường US Naval War College, 2 nhà phân tích Gabe Collins và Michael Grubb nhận định: “Các động cơ turbine khí, như động cơ diesel, chưa phải là thế mạnh của ngành công nghiệp Trung Quốc.

Sự phát triển của chúng gặp trở ngại rất lớn do những bước tiến chậm chạp của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo động cơ máy bay.

Về máy phóng, Hải quân Mỹ đã có khoảng thời gian khó khăn với công nghệ máy phóng điện từ.

Khó có thể tin rằng Trung Quốc có thể làm chủ công nghệ này nhanh chóng, thậm chí nếu họ đánh cắp được toàn bộ dữ liệu chương trình này từ Bộ chỉ huy các hệ thống hàng không Hải quân Mỹ.

Đánh cắp công nghệ tuy dễ nhưng để hiểu rõ công nghệ này không hề dễ dàng.

Có lẽ đó là lý do tại sao Trung Quốc lại gặp khó khăn trong lĩnh vực chế tạo các thiết bị quân sự như động cơ máy bay hay động cơ turbine khí.

Tuy nhiên, một số quan chức Trung Quốc vẫn khẳng định rằng tàu sân bay của nước này sẽ được trang bị máy phóng điện từ.

Máy phóng hơi nước có vẻ tiềm năng hơn nhưng vẫn khá phức tạp. Sử dụng boong phóng kiểu nhảy cầu có vẻ là sự đầu tư khôn ngoan cho Trung Quốc.

Theo 2 nhà phân tích Gabe Collins và Michael Grubb, việc chế tạo được các tàu chở dầu thô siêu lớn đã cho thấy các nhà máy đóng tàu Trung Quốc có khả năng chế tạo thân tàu cỡ lớn như tàu sân bay.

Song, họ vẫn chưa thể khẳng định được khả năng tích hợp các hệ thống máy bay, máy phóng phức tạp, cáp hãm đà, các hệ thống vũ khí và động cơ đẩy cỡ lớn cần thiết cho tàu sân bay.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Dave Majumdar.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại