Tổ chức, sử dụng lực lượng phản công chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Thiếu tướng, TS. Đặng Quang Minh, Học viện Quốc phòng |

Tổ chức, sử dụng lực lượng trong tác chiến nói chung và phản công chiến lược nói riêng là vấn đề thuộc nghệ thuật quân sự.

Vì thế, nghiên cứu về tổ chức, sử dụng lực lượng phản công chiến lược nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có ý nghĩa thiết thực hiện nay.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), địch thường vận dụng phương thức “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Cùng với đòn tiến công hỏa lực đường không, chúng sẽ tổ chức các hướng, mũi tiến công trên bộ quy mô lớn vào nước ta, hòng đánh ngay vào các mục tiêu chiến lược trọng yếu.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động chiến tranh tâm lý, chính trị, kinh tế, ngoại giao, nhằm ép ta chấp nhận các điều kiện do chúng đặt ra. Do đó, chiến tranh sẽ diễn ra ác liệt ngay từ đầu và quyền chủ động chiến lược ban đầu thuộc về kẻ xâm lược.


Pháo binh huấn luyện thực hành vượt chướng ngại nước.

Pháo binh huấn luyện thực hành vượt chướng ngại nước.

Để giành thắng lợi trong chiến tranh, chúng ta phải tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; trong đó, cùng với các hoạt động tác chiến phòng thủ, phòng ngự, phản công chiến lược đóng vai trò rất quan trọng, nhằm đánh bại lực lượng địch đang tiến công, khôi phục địa bàn, bảo vệ mục tiêu trọng yếu, giành quyền chủ động chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tác chiến chiến lược tiếp theo.

Tuy nhiên, muốn tác chiến chiến lược phản công giành thắng lợi, phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, từ nghiên cứu đánh giá chính xác tình hình, xác định ý định đến làm tốt công tác tổ chức chuẩn bị, thực hành tác chiến...; trong đó, vấn đề tổ chức, sử dụng lực lượng giữ vai trò quan trọng.

Phản công chiến lược là loại hình tác chiến chiến lược, do các binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược làm nòng cốt, kết hợp với hoạt động tác chiến của khu vực phòng thủ địa phương và các mặt đấu tranh khác, được tiến hành ở một hoặc một số chiến trường tác chiến (hướng chiến lược) theo ý định và kế hoạch tác chiến chiến lược thống nhất của Bộ hoặc Bộ Tư lệnh chiến trường.

Vì thế, để nâng cao hiệu quả tổ chức, sử dụng lực lượng trong tác chiến phản công chiến lược, phải tập trung nghiên cứu, giải quyết các vấn đề về quy mô tổ chức, yêu cầu, nhiệm vụ và việc vận dụng nó trong suốt quá trình tác chiến phản công chiến lược; trong đó, cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau.


Pháo phản lực Extra mới được trang bị của Hải quân Việt Nam sẵn sàng đánh địch tiến công từ hướng biển.

Pháo phản lực Extra mới được trang bị của Hải quân Việt Nam sẵn sàng đánh địch tiến công từ hướng biển.

Một là, tổ chức, sử dụng lực lượng tại chỗ trong tác chiến phản công chiến lược.

Đây là nội dung quan trọng trong ý định tác chiến phản công chiến lược, nhằm tạo lập thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, góp phần tạo ra lực mạnh, thế hiểm, thời cơ có lợi, khắc phục hạn chế, khó khăn về cơ động và phương tiện so với địch để đánh bại tiến công của địch ở thời điểm, thời cơ quyết định.

Thông thường, lực lượng tại chỗ trong phản công chiến lược gồm các trung đoàn, tiểu đoàn bộ đội địa phương của tỉnh, huyện; các tiểu đoàn, đại đội binh chủng chiến đấu và bảo đảm; lực lượng công an, bộ đội biên phòng, dân quân, tự vệ ở các xã, phường, nhà máy, nông trường, xí nghiệp, lực lượng chính trị quần chúng trong các khu vực phòng thủ địa phương,... nhưng được tổ chức với quy mô phù hợp và khả năng, yêu cầu nhiệm vụ của từng lực lượng.

Với các tỉnh (thành phố) trọng điểm, chiến lược, lực lượng tại chỗ có thể được tăng cường một số đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ, của quân khu làm nhiệm vụ tác chiến phòng thủ trên địa bàn.

Trong trường hợp địa bàn tác chiến bị địch chia cắt, chiến trường có thể tổ chức hình thành các cụm lực lượng nhằm phối hợp, hỗ trợ nhau trong suốt quá trình tác chiến.

Về cơ bản, lực lượng tại chỗ được sử dụng làm nhiệm vụ tạo lập thế trận, tác chiến rộng khắp, nhằm phân tán, tiêu hao địch, tạo điều kiện, thời cơ có lợi cho lực lượng cơ động của Bộ, chiến trường thực hiện các chiến dịch, chiến dịch - chiến lược phản công ngăn chặn, bẻ gãy các hướng, mũi tiến công của địch.


Bộ đội xe tăng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Bộ đội xe tăng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Đặc biệt, ở chiến trường (hướng chiến lược) trọng điểm, lực lượng này (có thể là một số cụm lực lượng chiến dịch, bao gồm cả bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương) được sử dụng để tiến hành các trận đánh, chiến dịch quy mô nhỏ hoặc đợt hoạt động tác chiến tập trung tiêu diệt, tiêu hao và phân tán địch.

Ngoài ra, do tác chiến phản công chiến lược diễn ra trong các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), nên tùy tình hình có thể sử dụng lực lượng ban, ngành, đoàn thể địa phương trong xây dựng công sự trận địa, ngụy trang, nghi binh, bảo đảm giao thông cũng như tham gia đấu tranh chính trị, binh địch vận, đấu tranh điện tử, dập tắt bạo động và làm suy yếu hàng ngũ địch.

Đây là nét mới, sáng tạo về sử dụng lực lượng tại chỗ của tác chiến phản công chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, tổ chức và sử dụng lực lượng cơ động trong phản công chiến lược. Đây là nội dung quan trọng nhất, cốt lõi nhất, nhằm tạo ra sức mạnh để đánh bại địch tiến công, giành thắng lợi quyết định trong phản công chiến lược.

Vì thế, lực lượng này gồm các binh đoàn chủ lực cơ động của Bộ, của quân khu và các đơn vị quân chủng, binh chủng trên chiến trường tác chiến (hướng chiến lược), do cơ quan chiến lược hoặc Bộ Tư lệnh chiến trường tổ chức.

Tuy nhiên, việc tổ chức các lực lượng cơ động ở quy mô nào phải căn cứ vào ý định và tình hình cụ thể trên các hướng, địa bàn tác chiến.

Trên chiến trường (hướng) phản công chiến lược trọng yếu, có thể tổ chức cụm lực lượng chiến lược với đầy đủ thành phần lực lượng binh chủng hợp thành và các quân chủng, binh chủng có liên quan; các chiến trường, hướng khác có thể tổ chức cụm lực lượng chiến dịch.


Không quân sẵn sàng tham gia hiệp đồng.

Không quân sẵn sàng tham gia hiệp đồng.

Đối với cụm lực lượng chiến dịch, thường được tổ chức khi chiến trường (hướng chiến lược) mở các chiến dịch phòng ngự, phản công, tiến công, nhằm nâng cao khả năng tác chiến độc lập, cơ động thực hiện nhiệm vụ nhanh, tạo được sức mạnh tổng hợp trên từng địa bàn; đồng thời, kịp thời cơ động xử trí các tình huống phát sinh trong quá trình phản công chiến lược.

Tác chiến phản công chiến lược trên phạm vi cả nước sẽ khó xảy ra; dẫu vậy, ta vẫn phải tính đến. Trong trường hợp đó, mỗi chiến trường (hướng chiến lược) có thể tổ chức 02 đến 03 cụm lực lượng chiến dịch.

Trong đó, những quân khu thực hiện nhiệm vụ trên hướng chiến lược chủ yếu, có thể tổ chức 01 đến 02 cụm lực lượng chiến dịch với quy mô từ 01 đến 03 sư đoàn/cụm cùng với một số đơn vị quân chủng, binh chủng, ngành và 01 đến 02 trung đoàn bộ đội địa phương hoặc lực lượng cơ động của quân khu trong địa bàn tác chiến.

Với quy mô đó, cụm lực lượng chiến dịch có thể được sử dụng mở chiến dịch phòng ngự trên một hướng (khi địch bị mất dần quyền chủ động chiến lược), nhằm ngăn chặn địch, tạo thế và lực cho hướng phản công chủ yếu mở các chiến dịch phản công tiêu diệt địch hoặc sử dụng mở chiến dịch phản công ngay từ trên hướng đó để bẻ gãy hướng tiến công của địch, giành thắng lợi.

Đối với cụm lực lượng chiến lược, thường được tổ chức lâm thời trong các loại hình tác chiến chiến lược, trong đó có phản công chiến lược, do Bộ Quốc phòng chỉ định hoặc do Bộ Tư lệnh chiến trường tổ chức ra; có khả năng tác chiến độc lập ở các hướng (chiến trường) trên một địa bàn chiến lược.

Đây là mô hình tổ chức lực lượng cao nhất trong tác chiến phản công chiến lược, có khả năng tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng quy mô lớn, hoàn thành nhiệm vụ tác chiến chiến lược, bảo vệ hay phản công đánh chiếm lại một địa bàn chiến lược hoặc thực hiện nhiệm vụ độc lập trên một hướng chiến lược.

Cụm lực lượng chiến lược trong phản công chiến lược được tổ chức trên cơ sở nòng cốt là quân đoàn, cùng một số sư đoàn của các quân khu, các đơn vị quân chủng, binh chủng chiến đấu và bảo đảm.

Quy mô mỗi chiến trường (hướng chiến lược) có thể tổ chức từ 01 đến 02 cụm lực lượng chiến lược. Do quy mô lực lượng lớn, lại bao gồm nhiều lực lượng khác nhau, nên việc sử dụng cụm lực lượng chiến lược phải được cân nhắc hết sức cẩn trọng.

Căn cứ vào tình hình cụ thể, khi địch tiến công trên chiến trường đã từng bước mất quyền chủ động chiến lược, có thể sử dụng cụm lực lượng này mở chiến dịch hoặc chiến dịch - chiến lược phản công trên 01 hướng chiến trường trong khu vực đảm nhiệm, đánh bại hướng tiến công chủ yếu của địch, giành quyền chủ động chiến lược và tạo cục diện mới cho cuộc chiến tranh.

Cùng với đó, lực lượng các quân chủng (Hải quân, Phòng không - Không quân…) được sử dụng vào nhiệm vụ tác chiến phối hợp; có thể sử dụng một bộ phận để tăng cường hoặc hiệp đồng tác chiến với các quân khu và lực lượng binh chủng hợp thành của Bộ.

Các binh chủng chiến đấu, bảo đảm được sử dụng vào nhiệm vụ tác chiến độc lập và bảo đảm; có thể sử dụng một bộ phận để tăng cường hoặc chi viện cho các chiến dịch - chiến lược hoặc chiến dịch quyết chiến chiến lược.

Lực lượng hậu cần, kỹ thuật được sử dụng vào nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các đơn vị tham gia phản công trong suốt các giai đoạn tác chiến chiến lược.

Thực tế Chiến tranh thế giới thứ 2 cho thấy, tại mặt trận Xô - Đức (năm 1945), để thực hiện thắng lợi những chiến dịch - chiến lược phản công, Bộ Tổng Tư lệnh tối cao (Liên Xô) đã tổ chức, sử dụng một khối lượng lớn binh sĩ và phương tiện kỹ thuật làm lực lượng cơ động phản công; trong đó, tổ chức, sử dụng từ 100 đến 200 sư đoàn, 20 nghìn đến 40 nghìn pháo và cối, 3 đến 6 nghìn xe tăng và pháo tự hành, 2 đến 7,5 nghìn máy bay (1) và đã giành thắng lợi áp đảo kẻ thù.

Ba là, tổ chức và sử dụng lực lượng dự bị. Xuất phát từ đặc điểm của tác chiến phản công là tiến công địch khi chúng đang ở trạng thái tiến công nên tình hình địch, ta, địa bàn tác chiến sẽ có nhiều biến động, có thể dẫn đến nhiều tình huống ngoài dự kiến.

Vì vậy, tổ chức và sử dụng lực lượng dự bị trong tác chiến phản công chiến lược là vấn đề quan trọng và là điều kiện bắt buộc để bảo đảm giành thắng lợi.

Trong phản công chiến lược, lực lượng này thường gồm một số binh đoàn bộ đội binh chủng hợp thành, các đơn vị quân chủng, binh chủng do Bộ hoặc Bộ Tư lệnh chiến trường trực tiếp nắm và điều hành.

Tùy tình hình cụ thể trên từng chiến trường (hướng chiến lược), quy mô của lực lượng dự bị trong tác chiến phản công chiến lược được tổ chức một cách phù hợp.

Song, dù tổ chức ở quy mô nào, người chỉ huy và cơ quan tham mưu cần bám sát nguyên tắc, yêu cầu và phát huy được sức mạnh sở trường của từng lực lượng, sức mạnh tổng hợp của cả địa bàn, khu vực tác chiến để giải quyết mọi tình huống trong các giai đoạn phản công chiến lược.


Tiểu đoàn thiết giáp 47 - Bộ Tư lệnh Thủ Đô.

Tiểu đoàn thiết giáp 47 - Bộ Tư lệnh Thủ Đô.

Theo đó, việc sử dụng lực lượng dự bị phải bảo đảm đúng thời cơ, khu vực và nhiệm vụ tác chiến; có sự hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác và phải tạo được bất ngờ đối với địch.

Để làm được điều đó, cấp chiến lược phải dự kiến được trước về phương thức sử dụng, vị trí bố trí và công tác bảo đảm các mặt, nhất là bảo đảm về cơ động, bí mật và an toàn.

Hiện nay, vấn đề tổ chức, sử dụng lực lượng phản công chiến lược đã được chúng ta chuẩn bị trước một bước ngay từ thời bình, theo những phương án dự kiến.

Khi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xảy ra, người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến trường (hướng chiến lược) kịp thời điều chỉnh, bổ sung sát với điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến được giao.

Đồng thời, tổ chức điều hành hoạt động tác chiến phản công chiến lược kiên quyết, sáng tạo, phát huy được sở trường của từng thành phần, sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, kết hợp với các hoạt động tác chiến và các mặt đấu tranh khác đánh bại quân địch tiến công, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

(1) - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự, Tập 2, H. 1986, tr. 280.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại