Tổ chức canh phòng trong QĐND Việt Nam - Những điều ít biết

Đại úy, ThS, KS Phạm Bạch Dương |

Thông tư 104/2010/TT-BQP về Ban hành Điều lệnh Quản lý bộ đội QĐND Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh ký ngày 6/8/2010 có nội dung "Tổ chức canh phòng" trong đó ghi rõ:

Canh phòng để bảo vệ an toàn những mục tiêu được giao, bảo vệ tính mạng, trang bị, tài sản, duy trì kỷ luật, trật tự ra, vào những mục tiêu đó. Các đơn vị quân đội đóng quân trong doanh trại, đóng quân dã ngoại hay ở nhà dân, trong bất kỳ tình huống nào cũng phải tổ chức canh phòng.

Canh phòng bao gồm: canh gác và tuần tra.


Chiến sĩ cảnh vệ tuần tra bảo vệ vành đai doanh trại

Chiến sĩ cảnh vệ tuần tra bảo vệ vành đai doanh trại

Quy định chung

Người chỉ huy đơn vị trực tiếp được phân công cử đội canh phòng có trách nhiệm bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra công tác chuẩn bị và phái đội đến nơi làm nhiệm vụ đúng thời gian quy định.

Người chỉ huy mục tiêu canh phòng cùng người chỉ huy phái ra đội canh phòng phải bảo đảm nhà ở, thiết bị vọng gác, phương tiện thông tin, ánh sáng và các phương tiện khác dùng cho công tác canh gác, tuần tra và sinh hoạt của đội canh phòng.

Bên cạnh đó, đề ra nội quy và quy tắc ra, vào mục tiêu được canh phòng.

Khi di chuyển hàng và chuyển quân phải tổ chức canh phòng chu đáo ở nơi xuất phát, trên đường đi và nơi đến để đảm bảo an toàn cho người, hàng hóa, trang thiết bị, phương tiện vận tải.

Khi di chuyển hàng bằng phương tiện vận tải quân sự, đơn vị vận tải phải tổ chức canh phòng. Khi sử dụng phương tiện vận tải dân sự mà bên chủ phương tiện không nhận ký gửi thì đơn vị chủ hàng phải tổ chức canh phòng. Khi chuyển quân, đơn vị được chuyển phải tổ chức canh phòng.


Một buổi tập huấn cán bộ về công tác canh phòng

Một buổi tập huấn cán bộ về công tác canh phòng

Phân công, tổ chức lực lượng canh phòng

Để thực hiện nhiệm vụ canh phòng phải tổ chức đội canh phòng. Đội canh phòng là phân đội vũ trang được chỉ định để bảo vệ an toàn nơi đóng quân và những mục tiêu được giao.

Đội canh phòng có thể do lực lượng chuyên nghiệp (cảnh vệ) hoặc do lực lượng không chuyên nghiệp của đơn vị thay phiên nhau đảm nhiệm.

Đội canh phòng thuộc quyền người chỉ huy và chịu sự kiểm tra đôn đốc của trực ban tác chiến hoặc trực ban nội vụ của đơn vị phái ra đội canh phòng. Thời gian thuộc quyền từ khi nhận nhiệm vụ đến khi thay phiên xong.

Chỉ có người chỉ huy phái ra đội canh phòng mới được quyền ra lệnh rút đội canh phòng.

Khi bảo vệ mục tiêu thường xuyên, đội canh phòng thực hiện nhiệm vụ theo bảng phân công. Khi bảo vệ mục tiêu lâm thời thực hiện nhiệm vụ theo lệnh của người chỉ huy phái ra đội đó.


Chiến sĩ cảnh vệ làm nhiệm vụ canh gác tại quần đảo Trường Sa

Chiến sĩ cảnh vệ làm nhiệm vụ canh gác tại quần đảo Trường Sa

Thành phần đội canh phòng gồm có: Đội trưởng, khi cần có thêm phó đội trưởng; Người đốc gác; Người gác; Người (tổ) tuần tra.

Đội trưởng là sĩ quan, có thể là hạ sĩ quan. Khi bảo vệ mục tiêu đặc biệt quan trọng hoặc khi đội canh phòng đảm nhiệm 4 vọng gác trở lên phải cử sĩ quan làm đội trưởng. Phó đội trưởng là sĩ quan, có thể là hạ sĩ quan. Người đốc gác là hạ sĩ quan hoặc binh nhất đã được huấn luyện đầy đủ.

Không được sử dụng quân nhân chưa hoàn thành chương trình huấn luyện chiến sĩ mới, quân nhân vi phạm kỷ luật nhưng chưa được kết luận hoặc đang bị xử phạt, làm nhiệm vụ canh phòng.

Đối với quân nhân vi phạm kỷ luật trong khi đang làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra thì xử phạt sau khi thay phiên hoặc đổi gác. Nếu vi phạm nghiêm trọng phải cử người thay thế ngay.


Chiến sĩ cảnh vệ của tàu tên lửa 379 đang làm nhiệm vụ canh phòng

Chiến sĩ cảnh vệ của tàu tên lửa 379 đang làm nhiệm vụ canh phòng

Người gác là người đang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ mục tiêu được giao. Không ai được xâm phạm đến thân thể, vị trí của người gác.

Người gác phải ở vị trí gác, có thể đi lại xung quanh khu vực vọng gác. Tư thế phải nghiêm túc, đúng động tác gác; nếu trang bị súng tiểu liên thì ở tư thế mang súng hoặc chuẩn bị bắn, nếu trang bị súng trường thì ở tư thế nghiêm, nghỉ, khi di chuyển thì xách súng hoặc cầm ngang súng.

Người gác phải luôn tỉnh táo, tập trung tư tưởng, không ngủ gật, hút thuốc, đọc báo, hát, nói chuyện, cười đùa, ăn uống. Cấm bỏ gác hoặc nhận bất cứ vật gì của người khác.


Xe thiết giáp của Lữ đoàn 144, đơn vị cận vệ của Bộ Tổng tham mưu

Xe thiết giáp của Lữ đoàn 144, đơn vị cận vệ của Bộ Tổng tham mưu

Trang bị vũ khí và những trường hợp được sử dụng vũ khí

Đội canh phòng được trang bị súng tiểu liên, súng trường, súng ngắn. Khi cần thiết được trang bị thêm các loại vũ khí bộ binh khác. Lượng đạn cho đội canh phòng, gồm đạn dự trữ và đạn theo súng theo quy định của Bộ Tổng tham mưu.

Quân nhân đang làm nhiệm vụ canh phòng chỉ được sử dụng vũ khí trong các trường hợp sau:

- Tính mạng của mình và người xung quanh bị uy hiếp nghiêm trọng.

- Mục tiêu canh phòng bị tấn công.

- Kẻ phạm pháp chạy trốn sau khi đã cảnh cáo vẫn kháng cự hoặc không đứng lại.

Quân nhân làm nhiệm vụ canh phòng phải tỉnh táo, thận trọng, bình tĩnh khi sử dụng vũ khí. Chú ý những trường hợp người câm, điếc, điên, say rượu hoặc người chưa có hiện tượng gây nguy hại đến tính mạng hoặc mục tiêu canh phòng.


Chiến sĩ kiểm soát quân sự làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ trận địa pháo hoa

Chiến sĩ kiểm soát quân sự làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ trận địa pháo hoa

Ai có quyền kiểm tra đội canh phòng?

Người chỉ huy, trực ban cấp trên và của đơn vị phái ra đội canh phòng hoặc những người được ủy quyền của những người đó mới có quyền kiểm tra đội canh phòng.

Người kiểm tra được quyền trực tiếp hoặc qua đội trưởng ra lệnh báo động và ra tình huống để đội canh phòng xử trí (trừ người đang gác và tuần tra).

Khi những người có thẩm quyền đến kiểm tra đội canh phòng, mục tiêu canh phòng, thì đội trưởng và trực ban đơn vị phái ra đội canh phòng phải đi cùng để tiếp nhận những nhận xét của người kiểm tra.

Người kiểm tra không trực tiếp nhận xét người đang làm nhiệm vụ gác mà nhận xét qua đội trưởng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại