Đánh bom tàu của tổ chức “Hòa Bình Xanh” để bảo vệ vụ thử hạt nhân
Năm 1982, Tổng cục tình báo đối ngoại Pháp (DGSE-Direction générale de la Sécurité Extérieure) được chính thức thành lập.
Đây là cơ quan tình báo chuyên thực hiện các sứ mệnh bên ngoài lãnh thổ nước Pháp. Và một điệp vụ của họ tuy thành công nhưng đã đem đến nhiều tai tiếng hơn.
Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, các vụ thử hạt nhân của Pháp thực hiện ở Thái Bình Dương vấp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế và các tổ chức vì hòa bình, vì môi trường trên thế giới, trong đó có Tổ chức “Hòa bình xanh”.
Sau nhiều lần phản đối không thành công, đến năm 1985, Tổ chức “Hòa bình xanh” quyết định phản đối bằng hành động thực tế.
Tổ chức này dự định tổ chức đưa 1 con tàu và nhóm hoạt động ra tận khu vực thử nghiệm hạt nhân của Pháp ở quần đảo Muroara, để ngăn cản hành động của Paris.
Tổ chức “Hòa Bình Xanh” đã điều con tàu mang tên “Rainbow Warrior” (“Chiến binh Cầu vồng”) thực hiện chuyến đi ngăn chặn Pháp thực hiện vụ thử vũ khí hạt nhân trên Thái Bình Dương.
Và nó đã trở thành “cái gai” trong mắt của Pháp, từ đó dẫn đến bê bối lớn nhất trong lịch sử tình báo nước này.
Tháng 7-1985, chính quyền Pháp đã thông qua quyết định đặt bom đánh chìm chiếc tàu “Rainbow Warrior” khi nó đang neo tại cảng Auckland của New Zealand và đương nhiên là DGSE được giao điệp vụ lớn đầu tiên trong lịch sử của mình.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp thời đó là ông Charles Hemu chính là người ra lệnh cho Tổng cục tình báo đối ngoại triển khai chiến dịch “Satanic”.
DGSE đã điều động 5 nhân viên tình báo và 7 điệp viên khác đảm nhận việc đánh bom phá hoại chiếc Rainbow Warrior ở New Zealand.
Ngày 10-7-1985, DGSE đã thực hiện phi vụ đánh chìm tàu Chiến binh Cầu vồng của tổ chức “Hòa Bình Xanh” tại cảng Auckland của New Zealand, làm một người trên tàu thiệt mạng.
Trước đó, các điệp viên Pháp giả làm khách du lịch Thụy Sĩ đã tới thăm tàu để thu thập thông tin.
2 quả bom được đặt và phát nổ vào lúc 11 giờ 38 ngày 10-7-1985. Quả bom đầu tiên chỉ phá một lỗ lớn trong thân tàu, gây hư hại nặng phần dưới tàu.
Lúc đó, nhiều thủy thủ còn đang ngủ, phía trên không bị ảnh hưởng nhiều, chỉ duy nhất có 1 người thiệt mạng.
Một thành viên trong đoàn là nhiếp ảnh gia 35 tuổi người Bồ Đào Nha Fernando Pereira khi đó trở xuống cabin để lấy máy ảnh và đang ở dưới boong ngay khi quả bom thứ hai phát nổ, khiến anh bị kẹt trong cabin và chết đuối.
Nghi vấn được làm sáng tỏ, DGSE mất mặt
Theo điều tra của cảnh sát New Zealand, thủ phạm phá hoại tàu là hai vợ chồng người Pháp mang tên Claire và Jacques Turenge, với mục đích tấn công không rõ ràng.
Sau đó, cả hai thủ phạm đều bị tuyên án 10 năm tù giam mà không ai biết họ là Thiếu tá Alain Mafart và nữ Đại úy Dominique Prieur của DGSE.
Những ẩn khuất bên trong vụ việc này đã khiến tờ Le Monde của Pháp quyết định mở cuộc điều tra và phát hiện chính DGSE đã đạo diễn toàn bộ vụ đánh chìm tàu “Chiến binh Cầu vồng”, nhằm ngăn chặn việc tổ chức Hòa Bình Xanh đưa tàu đến phản đối các vụ thử hạt nhân của Pháp.
Vụ đánh bom gây chấn động này đã làm dấy lên làn sóng của cộng đồng quốc tế phải đối hành động vi phạm luật quốc tế của chính phủ Pháp, khiến cho Bộ trưởng Quốc phòng Charles Hemu phải từ chức ngày 20-9-1985, quan hệ ngoại giao giữa Pháp và New Zealand cũng trở nên vô cùng căng thẳng.
Sau đó, hai nước ký một thỏa thuận, Paris cam kết bồi thường 8,16 triệu USD cho New Zealand và đổi lại, Wellington trao trả hai điệp viên này cho Pháp. Hai điệp viên này còn phải ngồi tù thêm 2 năm tại một căn cứ quân sự của Pháp ở Polynesia.
30 năm sau sự kiện này, Jean Luc Kister - chỉ huy của một nhóm nhỏ thợ lặn đặt 2 quả bom vào con tàu “Chiến binh Cầu vồng” đã lên tiếng bày tỏ sự ân hận sâu sắc cùng lời xin lỗi chân thành nhất tới gia đình của Pereira và đội tàu Hòa Bình Xanh cùng toàn thể nhân dân New Zealand.
Trong một bài viết trên trang web Mediapart ngày 6-9, Kister nói rằng ông xem vụ tấn công con tàu không có vũ trang là một hành động không xứng đáng với vị thế của DGSE nhưng ông cùng đồng đội mình buộc phải thực hiện vì họ là những người lính.
Kister gọi việc đặt mìn vào một con tàu vì hòa bình là không minh bạch và bất công, đồng thời nhấn mạnh rằng, đây là một sai lầm lớn của chính quyền Pháp, đặc biệt là nó được thực hiện tại một đất nước thân thiện và hòa bình như New Zealand.