Tiêm kích thế hệ 6 còn trên giấy, Nga đòi vượt Mỹ bằng thế hệ 7

Nhật Minh |

Nga đang nghiên cứu để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 7, Tư lệnh lực lượng Không quân Vũ trụ Nga - Thượng tướng Viktor Bondarev cho biết hôm thứ Tư (2/3).

"Nếu giờ chúng ta dừng lại, chúng ta sẽ dừng lại mãi mãi. Công tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 6 và thế hệ 7 đang được tiến hành. Tôi không được phép tiết lộ nhiều hơn" - ông Bondarev nói.

Trước đó, cũng trong ngày 2/3, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết hãng sản xuất máy bay Sukhoi đã bắt đầu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 6.

Phát biểu sau cuộc họp về tình hình phát triển ngành hàng không quân sự Nga, ông Rogozin cho hay:

"Hiện tại đã có những cuộc thảo luận về công tác phát triển, các ý tưởng chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 6. Tất nhiên, chúng ta vẫn đang hoàn thiện tiêm kích thế hệ 5 nhưng các nhà phát triển đang hướng tới phía trước và đó là điều nên làm".

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 PAK FA.
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 PAK FA.

Tiêm kích thế hệ 5 PAK FA (hay còn gọi là T-50) của Nga từng được Tướng Bondarev tung hô là đủ khả năng "đấu tay đôi" với chiến đấu cơ thế hệ 5 F-22 và F-35 của Mỹ.

PAK FA sẵn sàng đi vào sản xuất trong năm tới và ở mức độ nào đó, nó sẽ giống một con robot biết bay, đưa phi công trở thành một phần của hệ thống điều khiển.

55 chiếc PAK FA sẽ được chuyển giao cho Không quân Nga trong năm 2020.

Trong khi đó, Mỹ hiện đang dẫn đầu trong cuộc đua phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 6. Tháng 12 năm ngoái, tập đoàn Northrop Grumman đã công bố ý tưởng thiết kế mới cho mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Không quân và Hải quân Mỹ.


Ý tưởng thiết kế chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của Northrop Grumman được đưa ra hồi tháng 12.

Ý tưởng thiết kế chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của Northrop Grumman được đưa ra hồi tháng 12.

Tới tháng 2 vừa qua, tập đoàn này tiếp tục tung ra một clip giới thiệu về chiến đấu cơ thế hệ 6 mà họ đang nghiên cứu phát triển.

Lầu Năm Góc hy vọng có thể chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ mới để thay thế các tiêm kích thế hệ 5 Lockheed Martin F-22 Raptor, chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không Boeing F-15C Eagle và tiêm kích hạm Boeing F/A-18E/F Super Hornet.

Hải quân và Không quân Mỹ vẫn đang xác định những lỗ hổng năng lực mà mẫu chiến đấu cơ F/A-XX và mẫu máy bay chiếm ưu thế trên không thế hệ mới (NGAD) cần phải giải quyết.

F/A-XX và NGAD có vẻ sẽ là 2 chương trình tách biệt nhưng cùng chia sẻ những công nghệ chung.

“Những năm tới, khác biệt trong nhiệm vụ cơ bản và các mối đe dọa tiềm năng sẽ định hướng sự khác biệt giữa 2 chương trình F/A-XX và F-X, cũng như các hệ thống cũ F-22 và F-35”– một quan chức quốc phòng cấp cao giải thích.

Nghiên cứu theo hướng này, các ý tưởng của Northrop về F/A-XX và NGAD đã có sự khác biệt rõ nét dù chia sẻ công nghệ và nhiều tính năng chung.

Chẳng hạn, thiết kế của Hải quân Mỹ có vẻ sẽ sử dụng 2 động cơ, trong khi thiết kế của Không quân Mỹ chỉ có 1 động cơ.

Cả 2 ý tưởng đều có thiết kế cánh bay và tốc độ siêu âm để tăng khả năng tàng hình. Ngoài ra, chúng có thể được trang bị vũ khí năng lượng định hướng (DEW).

Theo Northrop, các vũ khí năng lượng định hướng, việc quản lý nhiệt cho những vũ khí này và các cảm biến tiên tiến sẽ là những thách thức cơ bản đối với công tác chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 6.

Clip mô phỏng chiến đấu cơ thế hệ 6 của Mỹ mà tập đoàn Northrop giới thiệu hồi tháng 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại