Tiêm kích tàng hình F-22 - "Thú ăn thịt" đáng sợ!

ĐTN |

F-22 có khả năng hoạt động gần chiến trường như một "máy bay cảnh báo sớm mini", phát hiện các mối đe dọa, nhận dạng chúng cho dù radar không mạnh bằng của máy bay chuyên nhiệm.

Radar của F-22

F-22 được trang bị radar quét mảng điện tử chủ động (Active Electronically Scanned Array/ AESA) AN/APG-77. Radar bao gồm 1956 module thu phát.

Mỗi module có kích thước cỡ thanh kẹo cao su, cho công suất đầu ra là 4W, có thể thay đổi tần số phát sóng cực nhanh (trong khoảng hàng chục nano giây) nhằm tránh bị đối phương phát hiện và khiến xác suất đánh chặn của đối phương thấp.

AN/APG-77 có khả năng phát hiện, theo dõi và đánh chặn nhiều mục tiêu cùng lúc trong mọi điều kiện thời tiết. Radar cũng có thể thực hiện vai trò là radar khẩu độ tổng hợp để quét địa hình dưới mặt đất. Nó cung cấp góc quét lên đến 120° ở góc phương vị và độ cao.

Radar có tầm quét là khoảng 200km, hoặc thậm chí tới 400km nếu được nâng cấp với module GaaS mới. AN/APG-77 có khả năng tác chiến điện tử rất uy lực bởi nó tập trung sóng lại tại một điểm khiến cho các cảm biến của đối phương bị quá tải.

F-22 có khả năng hoạt động gần chiến trường và phát hiện các mối đe dọa, nhận dạng chúng. Khả năng này biến nó thành một "máy bay cảnh báo sớm mini", mặc dù radar không mạnh bằng loại chuyên dụng trên các máy bay cảnh báo sớm.

F-22 có thể chỉ thị các mục tiêu cho đồng minh. Hệ thống radar này đôi khi có thể xác định mục tiêu "nhanh hơn so với máy bay cảnh báo sớm nhiều lần". Giao diện IEEE 1394B được phát triển cho F-22 được bắt nguồn từ giao diện IEEE 1394 "FireWire".

Trong năm 2007, AN/APG-77 được thử nghiệm như là một bộ thu phát dữ liệu không dây, truyền dữ liệu 548 Megabits mỗi giây và nhận được ở tốc độ Gigabit, nhanh hơn so với các hệ thống liên kết dữ liệu Link-16.

Hệ thống điện tử hàng không

Các hệ thống điện tử hàng không trên F-22 bao gồm:

- Hệ thống cảnh báo radar BAE Systems EL&S AN/ALR-94. Đây là một hệ thống thụ động, có khả năng phát hiện các tín hiệu bức xạ trong môi trường, hệ thống này bao gồm hơn 30 ăng ten lắp chìm vào trong cánh và thân máy bay.

Nó được mô tả bởi cựu lãnh đạo của chương trình F-22 tại Lockheed Martin, Tom Burbage là "mảng thiết bị kỹ thuật phức tạp nhất trên máy bay".

Với phạm vi cảnh báo lớn (hơn 400km) so với radar AN/APG-77, nó cho phép F-22 hạn chế phát sóng radar nhằm tránh bị các khí tài trinh sát của đối phương thu được tín hiệu.

Khi tiếp cận mục tiêu, AN/ALR-94 có thể ra tín hiệu cho radar AN/APG-77 theo dõi chuyển động của nó với một chùm tia hẹp, khoảng 2° trong góc phương vị và 2° trong độ cao.

Theo Bill Sweetman, một chuyên gia đã cho biết AN/ALR-94 có thể được sử dụng như một hệ thống phát hiện thụ động có khả năng tìm kiếm mục tiêu và cung cấp đủ thông tin để radar khóa.

- Hệ thống cảnh báo tên lửa phóng bằng hồng ngoại và tia cực tím Lockheed Martin AN/AAR-56. Hệ thống này cho phép F-22 phát hiện các tên lửa hoặc các nguồn nhiệt lớn như động cơ máy bay,… được khai hỏa từ cự ly rất xa.

Lockheed Martin vẫn đang tiếp tục cải tiến hệ thống này, nhằm nâng cao độ phân giải và các phiên bản có cảm biến đa quang phổ với cơ sở thuật toán mở rộng kết hợp nhận thức tình huống và tìm kiếm hồng ngoại và theo dõi chống mục tiêu trên không.


Cửa sổ của hệ thống cảnh báo tên lửa phóng bằng hồng ngoại và tia cực tím Lockheed Martin AN/AAR-56.

Cửa sổ của hệ thống cảnh báo tên lửa phóng bằng hồng ngoại và tia cực tím Lockheed Martin AN/AAR-56.

Vì vậy mà một ngày nào đó F-22 sẽ có thể sử dụng hệ thống AN/AAR-56 như một cảm biến để phát hiện và diệt các mục tiêu trên không.

- Hệ thống phóng mồi bẫy BAE Systems AN/ALE-52. Hệ thống này sử dụng pháo sáng thông thường như MJU-7 và MJU-10 dùng để chống tên lửa hồng ngoại , hoặc sử dụng đạn pháo sáng mới MJU-39, MJU-40.

Khi chống lại tên lửa dẫn bằng radar thì dùng đạn nhiễu xạ RR-170 và RR-180. Các biện pháp đối phó có thể được đưa ra bởi phi công hoặc hệ thống AN/AAR-56 hoặc AN/ALR-94.


Khoang chứa hệ thống mồi bẫy AN/ALE-52, phía sau khoang chứa vũ khí 2 bên thân.

Khoang chứa hệ thống mồi bẫy AN/ALE-52, phía sau khoang chứa vũ khí 2 bên thân.

Buồng lái

F-22 có buồng lái kính với các thiết bị bay toàn kỹ thuật số. Màn hình hiển thị trên đầu phi công (HUD) đơn sắc cung cấp trường nhìn rộng và phục vụ như một công cụ bay chính; thông tin cũng được hiển thị trên 6 màu màn hình tinh thể lỏng (LCD).

Hệ thống điều khiển bay là một cần điều khiển nằm bên phải, một cặp van tiết lưu nằm bên trái. Lúc đầu Không quân Mỹ muốn trang bị bệ thống điều khiển bằng giọng nói (Direct Voice Input/ DVI), nhưng điều này đã được đánh giá là quá nguy hiểm và bị loại bỏ.

Bảng điều khiển tích hợp (Intergrated Control Panel/ ICP) là một hệ thống bàn phím để nhập thông tin liên lạc, dẫn đường, và dữ liệu tự động.

Hai màn hình kích thước 7,6cm x 10,2cm nằm quanh ICP được sử dụng để hiển thị dữ liệu tư vấn/ cảnh báo, dữ liệu thông tin liên lạc, định vị và nhận dạng và phục vụ như là bảng hiển thị thông số bay, chân trời giả và lượng nhiên liệu dự trữ.


Buồng lái của F-22.

Buồng lái của F-22.

Một màn hình chính hiển thị đa chức năng có kích thước 20cm x 20cm, nằm dưới ICP, được sử dụng để dẫn đường và đánh giá tình huống.

Ba màn hình hiển thị đa chức năng kích thước 15,9cm x 15,9cm được đặt xung quanh màn hình hiển thị đa chức năng chính nhằm hiển thị thông tin chiến thuật và quản lý vũ khí.

F-22 sử dụng ghế phóng ACE II, thường được sử dụng trong các máy bay của Không quân Mỹ. F-22 có một hệ thống hỗ trợ sự sống tinh vi.

Bao gồm: hệ thống cung cấp oxy OBOGS, trang phục kháng áp chịu được trong môi trường có vũ khí sinh học/hóa học và nước lạnh, hệ thống kiểm soát lưu lượng và áp suất cho mặt nạ dưỡng khí và trang phục kháng áp.

Tuy nhiên, hệ thống OBOGS đang tiềm ẩn có một số nguy cơ có thể gây tai nạn chết người. Trên thực tế, đã có những vụ tai nạn gây thương vong cho phi công Mỹ.


F-22 Raptor có 3 khoang vũ khí bên trong thân.

F-22 Raptor có 3 khoang vũ khí bên trong thân.

Vũ khí

F-22 Raptor có 3 khoang vũ khí bên trong thân. Một khoang lớn dưới thân máy bay với 6 bệ phóng LAU-142/A cho tên lửa không - đối - không tầm xa và hai khoang nhỏ ở hai bên thân máy bay với 1 bệ phóng LAU-141/A cho tên lửa không - đối - không tầm ngắn.

4 trong 6 bệ phóng ở khoang chính có thể được thay thế bằng giá treo bom có thể mang theo 1 quả bom 450 kg hoặc 4 quả bom 110 kg. Nhờ có khoang vũ khí bên trong thân nên F-22 có thể duy trì khả năng tàng hình của máy bay và giảm thiểu được lực cản không khí.

Khi phóng tên lửa đòi hỏi các cửa khoang được mở trong vòng ít hơn 1 giây, trong đó cánh tay thủy lực đẩy tên lửa ra khỏi máy bay; điều này giúp giảm khả năng bị phát hiện mà vẫn khai hỏa tên lửa trong khi bay ở tốc độ cao.

F-22 cũng có thể mang vũ khí không - đối - đất như bom JDAM (Joint Direct Attack Munition) và bom thông minh cỡ nhỏ (Small Diameter Bomb). Trọng lượng mang theo vũ khí không - đối - đất mang trong khoang của F-22 được giới hạn trong khoảng 990kg.

Pháo nòng xoay 6 nòng 20mm M61A2 Vulcan được lắp vào trong gốc cánh phải với một cửa che để duy trì khả năng tàng hình.

Nhờ khả năng bay hành trình siêu âm và trần bay lớn nên F-22 có thể tăng phạm vi hiệu quả của vũ khí, với tên lửa AIM-120 AMRAAM, nó có thể giúp tăng tầm bắn lên đến 50% so với các máy bay tiêm kích thế hệ trước.

Tầm bắn sẽ được tiếp tục mở rộng hơn nữa với sự ra đời của tên lửa AIM-120D. Đối với bom có dẫn đường JDAM, nếu được sử dụng bởi F-22 thì phạm vi tấn công xa gấp 2 so với các máy bay tấn công trước đó.

Trong một cuộc thử nghiệm, một chiếc F-22 ném một quả GBU-32 JDAM từ độ cao 15.000 m trong khi bay ở tốc độ 1,5 Mach, tiêu diệt một mục tiêu di động cách đó 39 km.

Ngoài khoang vũ khí bên trong thân, F-22 còn có thể mang vũ khí bên ngoài với mỗi cánh chính trang bị 2 giá treo, mỗi giá treo mang được khoảng 2.300 kg có thể mang theo thùng nhiên liệu phụ 2.300 lít hoặc một bệ phóng kép mang được 2 tên lửa không - đối - không.


F-22 với trang bị 2 thùng dầu phụ bên ngoài.

F-22 với trang bị 2 thùng dầu phụ bên ngoài.

Việc sử dụng giá treo ngoài làm giảm khả năng tàng hình và khả năng cơ động của máy bay. Hiện nay, Mỹ đang nghiên cứu và phát triển một khoang chứa vũ khí có vỏ bọc nhằm tăng số lượng vũ khí mang theo nhưng vẫn giữ được khả năng tàng hình cho máy bay.

Thông số kỹ thuật cơ bản:

Phi hành đoàn: 1 người; Kích thước (dài x sải cánh x cao): 18,92 x 13,56m x 5,08m; Diện tích cánh: 70,84m2;

Trọng lượng rỗng: 19.700kg; Trọng lượng cất cánh tối đa: 38.000kg. Khả năng chứa nhiên liệu bên trong: 8.200kg;

Động cơ: 2 động cơ turbine khí phản lực Pratt & Whitney F119-PW-100, có khả năng tăng lực và vòi phụt chỉnh hướng vector 2 chiều (2D);

Tốc độ tối đa: Mach 2,25; Tốc độ hành trình siêu âm: Mach 1,82. Tầm hoạt động: 2.920km; Bán kính chiến đấu: 760km; Tầm hoạt động với 2 thùng dầu phụ bên ngoài: 3.220km. Trần bay tối đa: 20.000m;

Với 8 giá treo bên trong, F-22 mang được nhiều loại vũ khí như tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder, AIM-120 AMRAAM cũng như bom có điều khiển GBU-31, GBU-32, GBU-38 JDAM hoặc GBU-39 SDB.

Ngoài ra, nó còn được trang bị 1 khẩu pháo 6 nòng xoay 20mm M61A2 Vulcan lắp ở gốc cánh phải máy bay với 480 viên đạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại