Thương vụ Mistral: Ai thắng, ai thua khi hủy bỏ hợp đồng?

Thiên Minh |

Nga và Pháp đã đặt dấu chấm hết cho thương vụ cung cấp 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral.

Theo bài viết đăng ngày 7/8 của hãng tin Sputnik, Tổng thống Nga và Tổng thống Pháp đã nhất trí thông qua quyết định cuối cùng về việc hủy bỏ hợp đồng trị giá 1,2 tỷ euro được ký kết vào tháng 6 năm 2011.

Moscow sẽ nhận lại toàn bộ số tiền đã trả cho Paris theo hợp đồng, cũng như các thiết bị và vật liệu do Nga cung cấp.

Kremlin cho biết, Pháp đã chuyển số tiền đó. Sau khi trả lại các thiết bị, Paris sẽ có quyền sở hữu và có thể bán cho bên thứ ba hay làm gì theo ý mình với 2 tàu chiến này.

Quyết định hủy bỏ hợp đồng và trả lại tiền cho Nga mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đó là ý kiến của chuyên gia Vladimir Yevseyev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Nga.

Pháp cho thấy rằng, họ thực hiện các cam kết của mình. Và đối với Nga, tình hình cuối cùng trở nên rõ ràng. Moscow sẽ nhận lại số tiền đã đặt trước và về mặt quân sự không bị thiệt hại bởi vì không có nhu cầu lớn về 2 tàu chiến lớp này.

Chuyên gia Yevseyev nhấn mạnh rằng, đối với Nga, việc ký kết  hợp đồng đóng tàu Mistral là một quyết định chính trị.

Tàu đổ bộ Vladivostok (lớp Mistral) mà Pháp đóng cho Nga.

Tàu đổ bộ Vladivostok (lớp Mistral) mà Pháp đóng cho Nga.

Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự Anatoly Tsyganok cho rằng, Paris đã cho toàn thế giới thấy Pháp là một đối tác không đáng tin cậy trong lĩnh vực cung cấp vũ khí.

Aleksey Fenenko, chuyên gia cao cấp của Viện các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, trong thương vụ Mistral không có bên thắng, cả Paris và Moscow đều bị thiệt hại.

Nga bị thiệt hại về mặt tài chính do lạm phát trong khoảng thời gian giữa các giao dịch.

Trong khi đó, việc hủy bỏ hợp đồng là một đòn giáng mạnh vào Pháp với tư cách nhà cung cấp vũ khí cho thị trường thế giới.

Đây là một bằng chứng cho thấy rõ rằng, Mỹ và Anh có thể gây áp lực với Pháp để buộc Paris thay đổi lập trường của mình.

Song, hầu như tất cả các chuyên gia quân sự đều cho rằng, hợp đồng này đã từng được ký kết vì lý do chính trị.

Chuyên gia  Anatoly Tsyganok liệt kê những lý do tại sao các chiến hạm lớp Mistral không thể được sử dụng trong thành phần Hải quân Nga.

Chiến hạm lớp Mistral không thể hoạt động ở khu vực Cực Bắc.

Trong thành phần nhiên liệu của tàu có những chất không sản xuất tại Nga; không có thiết bị kỹ thuật để bảo vệ vững chắc tàu chiến khỏi các cuộc tấn công từ biển, từ trên không và đất liền.

Ngoài ra, trong các chiến dịch quân sự, chiến hạm lớp này nhất định phải có các tàu đi cùng.

Cứ mỗi 6 tháng, tàu chở trực thăng phải được sửa chữa, và để thực hiện các công việc này phải đưa tàu vào ụ đặc biệt.

Chuyên gia Nga giải thích thêm rằng, cách thiết kế tàu lớp Mistral không phù hợp cho các loại kỹ thuật quân sự và vũ khí của Nga, khó thực hiện những chiến dịch đổ bộ từ tàu chiến này.

Trước đây đã có tin Nga đang chế tạo các tàu đổ bộ cỡ lớn lớp "Ivan Gren". Những tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn này có thể mang nhiều máy bay trực thăng và có các đặc tính tương tự như Mistral.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, một số quốc gia đã thể hiện sự quan tâm đến Mistral.

Theo Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga Ruslan Pukhov, trong số các khách hàng tiềm năng có Ấn Độ, Brazil và cả Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại