Không những thế, “các nhà cải cách” cũng “tính toán” và nhất trí cho rằng chỉ cần 27 sân bay là đủ. Những sân bay còn lại thì tạm thời không sử dụng và “niêm cất” để đề phòng trường hợp xảy ra chiến tranh. Chính vì những sai lầm này, Nga quyết định tiến hành cải tổ không quân nhằm tránh thảm họa.
Sửa sai
Ngày 17/8/2013, Tư lệnh Không quân Nga, trung tướng V. Bondarev đã thông báo một số thay đổi trong định hướng phát triển của Không quân nước này trong thời gian tới.
Có mấy điểm chính là: bố trí lại các sân bay quân sự theo nguyên tắc “một sân bay- một trung đoàn” với số lượng máy bay theo đúng biên chế của một trung đoàn. Sẽ không duy trì các sân bay có số lượng máy bay từ 100 chiếc trở lên như trước đây;
Đối với không quân của Lục quân, các trung đoàn sẽ được tái lập lại từ các lữ đoàn không quân của Lục quân hiện có. Tuy nhiên, Nga vẫn giữ lại trong biên chế 4 lữ đoàn (mỗi lữ đoàn 88 máy bay lên thẳng);
Trong thời gian tới, mỗi năm Không quân Nga sẽ hiện đại hóa (hoặc cải tạo lại) từ 10 đến 11 sân bay để có thể dần phát triển hệ thống mạng lưới các sân bay đáp ứng được các yêu cầu tác chiến hiện đại và chuẩn bị các đường băng cất- hạ cánh cho các loại máy bay mới nhất trong tương lai.
Thực ra, đây chỉ là các biện pháp “sửa sai” cho những quyết định “sai lầm chết người” của A. Serdiukov (nguyên Bộ trưởng quốc phòng), N.Makarov (nguyên Tổng tham mưu trưởng) và dĩ nhiên là cả Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang thời đó là D. Medvedev đối với Không quân Nga trong hơn 4 năm tiến hành cải cách quân đội (từ năm 2008 đến 2012).
Không quân Nga trước cải cách
Trước năm 2008, Nga có tới 245 sân bay quân sự cấp một được bố trí trên khắp lãnh thổ Liên Bang. Khi A. Serdiukov lên nắm quyền Bộ quốc phòng, ông này cho rằng sẽ rất kinh tế nếu tập trung toàn bộ các máy bay và máy bay trực thăng của Không quân vào một số sân bay lớn.
Tổng tham mưu trưởng lúc đó là N. Makarov cũng chia sẻ ý tưởng này. Lập luận của N.Makarov là ngân sách của Bộ phải chi một khoản quá lớn để duy trì một số lượng sân bay nhiều và phân tán như vậy. Trung bình một năm cần tới 1 tỷ rúp để duy trì hoạt động của mỗi sân bay.
Hai nhân vật này cũng đi đến một kết luận là trên toàn bộ lãnh thổ Nga chỉ cần 8 sân bay cấp một là đủ.
Tất cả những tướng lĩnh phản đối quyết định này với lý do là việc sát nhập và co cụm các sân bay như vậy sẽ dẫn đến thảm kịch năm 1941 (trong những ngày đầu tiên của chiến tranh vệ quốc, Quân khu miền Tây dưới quyền Tư lệnh Pavlov đã mất gần như toàn bộ các máy bay chiến đấu ngay tại sân bay do tập trung nhiều các máy bay tại một số sân bay sát biên giới) đều bị bịt miệng và được gợi ý tự viết đơn xin nghỉ hưu sớm.
Năm 2008, A. Serdiukov và N. Makarov bắt tay vào cải cách Không quân Nga. Bước một là giải thể 6 tập đoàn quân không quân, thay vào đó đã thành lập 4 bộ tư lệnh không quân và phòng không. Biên chế tổ chức cấp sư đoàn và trung đoàn không quân bị bãi bỏ.
Tiếp theo là hàng trăm máy bay chiến đấu cùng với các phi công, lực lượng phục vụ mặt đất kèm theo (kèm theo cả gia đình..) phải rời bỏ nơi đóng quân quen thuộc tại các sân bay cũ để chuyển tới các sân bay khác theo chủ trương sát nhập nhiều sân bay nhỏ thành một sân bay lớn.
Tất nhiên, những quyết định quan trong như vậy không thể thực hiện được nếu không có sự đồng ý của Tổng thổng D. Medvedev. Tại hội nghị mở rộng của Hội đồng an ninh quốc gia năm 2009, D. Medvedev tuyên bố là chính ông đã lệnh cho Bộ quốc phòng thành lập một số căn cứ không quân lớn theo nguyên tắc: “chúng sẽ được bố trí ở các hướng chiến lược chủ yếu”.
Một trong số những hậu quả là sân bay Domna ở vùng ngoại Baikal sau những cải cách, tại sân bay này chỉ có một trung đoàn không quân tiêm kích đóng quân nhưng sau đó nó đã trở thành căn cứ không quân số 412- gồm cả máy bay tiêm kích, máy bay cường kích, máy bay lên thẳng tấn công và vận tải, tổng cộng khoảng vài trăm chiếc.
Các chuyên gia hàng không tính toán rằng trong trường hợp có mối đe dọa tấn công đường không hoặc tên lửa thì không có cách nào để thể phân tán các máy bay này. Dù công tác tổ chức, điều hành có ở mức lý tưởng thì mỗi máy bay cần ít nhất 2 phút để chuẩn bị và cất cánh.
Tại sân bay “Baltimor” Serdiukov cũng đã “gom” tới hơn 200 máy bay và máy bay lên thẳng, kể cả máy bay ném bom hiện đại nhất là Su-34.
Chỉ sau 2 năm, trong số 245 sân bay quân sự cấp một đã có chỉ còn tổng cộng 70 sân bay hoạt động. Không những thế, “các nhà cải cách” cũng “tính toán” và nhất trí cho rằng: chỉ cần 27 sân bay là đủ. Những sân bay còn lại thì tạm thời không sử dụng và “niêm cất” để để phòng trường hợp xảy ra chiến tranh.
Sân bay “Buturlinovka” ở vùng Voronhez là nạn nhân điển hình của quyết định này. Trước đây nó là nơi đóng quân của Trung đoàn không quân tiêm kích sô 899 trong biên chế của Sư đoàn không quân hỗn hợp số 105 thuộc Tập đoàn quân không quân 16. Các phi công của trung đoàn này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm tác chiến trong cuộc chiến với Gruzia năm 2008.
Khi có quyết định giải thể trung đoàn, sân bay “niêm phong” này dù vẫn duy trì một lực lượng bảo vệ nhưng các cáp điện, các thiết bị của hệ thống tín hiệu đã bị mất cắp. Hiện giờ sân bay hầu như không còn khả năng hoạt động.
Phát hiện “lỗ hổng” từ cuộc tập trận chiến lược tại Quân khu miền Đông và Quân khu Trung tâm
Cuộc tập trận nói trên (từ 13 đến 20/7 năm 2013) đã làm bộc lộ nhiều vấn đề (các chuyên gia quân sự cho rằng có 4 nhóm vấn đề), nhưng rõ nhất là đối với Không quân.
Cuối tháng 7, tại cuộc gặp Tổng tư lệnh tối cao V. Putin ( bàn về kết qủa diễn tập), Bộ trưởng quốc phòng Shoigu đã báo cáo:
“Kết quả cuộc tập trận càng làm cho chúng tôi tin tưởng chắc chắn vào những kết luận (mà chúng tôi) đã trình bày với Tổng tư lệnh trong tháng 5 tại Shochi về vấn đề phải bố trí phân tán các sân bay, chuyển vị trí đóng quân một số đơn vị không quân và với một số thay đổi khác trong cơ cấu của Không quân, sử dụng bổ sung một loạt các sân bay, đặc biệt ở phần phía Đông của đất nước (Nga).
Đây là một điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì với các cự ly (lớn) như vậy từ tây sang đông, các binh đoàn lớn của chúng ta rất cần sự hỗ trợ của không quân, nhất là để vận chuyển bộ đội đổ bộ. Và điều đó, dĩ nhiên, sẽ liên quan đến việc bố trí các sân bay, các điểm cung cấp xăng dầu, bảo dưỡng máy bay và các phương tiện kỹ thuật khác”.
Một trong những lý do để dẫn đến kết luận trên là những trục trặc ngay từ ngày đầu cuộc tập trận đối với Không quân Nga.
Ngày 17/7 các máy bay của Không quân vận tải quân sự đã không thể cất cánh trong suốt 10 tiếng đồng hồ vì sân bay Khomutovo tại Xakhalin từ chối tiếp nhận miễn phí. Lý do rất đơn giản là từ một sân bay sử dụng chung, bắt đầu từ năm 2013 Khomutovo đã đã trở thành tập đoàn cổ phần và dĩ nhiên vấn đề kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu.
Trong khi các tướng lĩnh và các nhân viên nhân sự của sân bay trao qua đổi bằng điện thoại và hộp thư điện tử, chuẩn bị các thư bảo lãnh và gửi chúng từ Matxcova đến Xakhalin, các quân nhân và phương tiện kỹ thuật bị lèn chặt trong các khoang chở hàng của 28 chiếc máy bay vận tải IL-76 vẫn phải chờ lệnh cất cánh từ các sân bay Orenburg, Tarangog Pskov và Tver trong suốt 10 giờ.
Với một cuộc chiến tranh chớp nhoáng hiện đại sử dụng vũ khí chính xác cao thì không biết điều gì sẽ xảy ra trong một tình huống như vậy?
Chính Shoigu cũng phải thừa nhận: “Bị trễ đến 10 tiếng đồng hồ như thế là quá lâu, đặc biệt là đối với một số lượng lớn các máy bay vận tải mà chúng ta đã huy động và tập trung tại các sân bay (cùng với các đơn vị và phương tiện kỹ thuật )”.
Ngoài Khomutovo, hiện nay trên bán đảo Xakhalin không còn một sân bay quân sự nào có thể sử dụng được. Trước đây đã từng có tới 3 sân bay quân sự là “Sokol”, “Pushistưi”, Vozvrashehie” nhưng từ thời A.Serdiukov chúng đã bị bỏ hoang, các trang thiết bị bị tháo dỡ, mất cắp, và các đường băng cất – hạ cánh đã bị bỏ cho cỏ dại mọc.
Không chỉ ở Xakhalin, trên toàn khu vực Viễn Đông tình hình đối với các sân bay quân sự cũng không sáng sủa gì hơn. Tư lệnh Không quân vận tải Nga V. Benhedictov buộc phải nhận xét:
“Mạng lưới sân bay ở các khu vực trung tâm, phía đông (nước Nga) và các tổ hợp cung cấp nhiên liệu của Bộ quốc phòng (tại khu vực này) không cho phép sử dụng một cách đầy đủ khả năng của Bộ tư lệnh (Không quân vận tải), đặc biệt là tại các sân bay Ulan- Ude, Vozdvixenka, Knhevichi".
Đây là cách nói nhẹ nhàng. Nói trắng ra là các sân bay này không thể tiếp nhận cùng một lúc 28 máy bay vận tải quân sự trong trường hợp cần phải như vậy .
Chữa cháy
Các biện pháp “sửa sai” đã được đề cập tới ở phần đầu qua tuyên bố của Tư lệnh Không quân Nga ngày 17/8. Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Shoigu cũng đã đề cập đến vấn đề này và cho biết kế hoạch mở rộng (chính xác hơn là cả khôi phục lại) hệ thống các sân bay đã được thông qua.
Dù gián tiếp nhưng ông cũng đã kịp chỉ trích những quyết định của A. Serdiukov: “Bố trí một số lượng máy bay quá lớn vào một sân bay, về mặt kinh tế thì có thể hiểu được nhưng về mặt an ninh (quốc gia) là không thể chấp nhận được”.
Các chuyên gia đang tính toán khoản kinh phí cần thiết để thực hiện kế hoạch trên (tất nhiên sẽ được giữ bí mật). Còn Tổng tham mưu trưởng V. Gerasimov cho biết là ở tầm chiến lược sẽ có những thay đổi trong kế hoạch phòng thủ của Liên Bang Nga và một số điều chỉnh khác trong các văn kiện cương lĩnh liên quan đến lĩnh vực quân sự- quốc phòng.
Đấy là những việc phải làm. Nhưng vấn đề là ngân sách. Để hiện đại hóa và khôi phục lại các sân bay sẽ cần một khoản kinh phí rất đáng kể.
Trong bối cảnh đến năm 2020, Nga đã phải dành một khoản kinh phí lớn chưa từng thấy để hiện đại hóa lực lượng vũ trang và ngành công nghiệp quốc phòng thì khoản chi phí phát sinh này sẽ làm tăng thêm gánh nặng ngân sách, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các chi tiêu dành cho phát triển giáo dục, y tế …
Một số chuyên gia Nga đã cay đắng thừa nhận là những thiệt hại do các vụ bê bối tham nhũng và bán rẻ tài sản Bộ quốc phòng của các “kiều nữ” như Vụ trưởng Vụ tài sản Vasilieva cùng nhiều nhân vật khác trong các “nhóm lợi ích” dưới thời Serdiukov sẽ không thấm vào đâu so với các tổn thất từ chính sách của các quan chức Bộ này gây ra.
Các biện pháp “tái cải cách” bắt buộc rất tốn kém mà các “sếp mới” của Bộ này đang phải tiến hành để chữa cháy là một bằng chứng không thể bác bỏ.