Khó khăn ngoài dự kiến
Đầu những năm 1960, các kỹ sư Liên Xô đã bắt tay phát triển dự án tên lửa không đối đất nhằm trang bị cho lực lượng không quân tiền tuyến.
Năm 1965, OKB-134 (nay là tập đoàn Vympel) đã thiết kế chi tiết một tên lửa dẫn đường mới trong dự án Kh-23 Grom. Các kỹ sư được yêu cầu tạo ra một vũ khí mới có thể tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất trong phạm vi khoảng 10 km với độ chính xác cao.
Trong giai đoạn đầu của dự án, hệ thống dẫn đường bằng sóng radio được lựa chọn. Hệ thống điều khiển này cho phép đơn giản hóa những thiết bị trên tên lửa, trong khi vẫn duy trì được các đặc tính ở mức cần thiết.
Sự phát triển của tên lửa không đối đất Kh-23 Grom gặp nhiều khó khăn hơn so với dự kiến
Các kỹ sư Liên Xô đã có kinh nghiệm nhất định trong việc chế tạo hệ thống điều khiển bằng sóng radio. Tuy nhiên, sự phát triển của tên lửa Kh-23 vẫn phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng.
Dự án này tỏ ra rất phức tạp ở thời điểm năm 1966, Không quân Liên Xô lúc đó đã chấp nhận một giải pháp tạm thời là Kh-66 của Nhà máy 455. Vào năm 1968, Kh-66 đã được thông qua, trong khi đó dự án Grom vẫn tiếp tục tiến hành.
Thay đổi đơn vị thiết kế
Thực tế trong năm 1966, dự án Kh-23 đã được bàn giao cho Phòng thiết kế của Nhà máy 455 ở Kaliningrad. Trưởng nhóm thiết kế G.I Khokhlov chịu trách nhiệm cho quá trình phát triển.
Để đơn giản hóa, các kỹ sư tại Nhà máy 455 đã quyết định phát triển Kh-23 dựa trên Kh-66, chỉ thay đổi về hệ thống điều khiển. Do hình dáng rất giống nhau nên đã dẫn đến ngộ nhận rằng hai loại tên lửa này là một.
Đến cuối năm 1967, lô tên lửa Kh-23 đầu tiên đã sẵn sàng thử nghiệm. Kh-23 có trọng lượng 289 kg, các cánh ổn định và cánh lái vay mượn từ thiết kế Kh-66.
Tên lửa Kh-23 và Kh-66 có hình dáng rất giống nhau
Kh-23 được trang bị động cơ nhiên liệu rắn PRD-204 trọng lượng 62 kg (động cơ này cũng sử dụng trên Kh-66), có thời gian hoạt động 4,7 - 6 giây, lực đẩy 3.500 - 10.850 kg, cung cấp tốc độ 440 - 750 m/s. Trên thực tế, tốc độ của tên lửa vào khoảng 330 m/s.
Tên lửa Kh-23 được trang bị đầu nổ mạnh trọng lượng 110 kg, có thể xuyên giáp dày 250 mm hoặc tiêu diệt các mục tiêu mềm trong bán kính 36 m.
Hệ thống điều khiển có vấn đề
Kh-23 sử dụng hệ thống điều khiển bằng sóng vô tuyến với một ăng ten ở đuôi. Ăng ten này có nhiệm vụ thu nhận tín hiệu điều khiển tên lửa từ phương tiện phóng.
Tuy nhiên khi tiến hành thử nghiệm, người ta nhận thấy rằng hệ thống điều khiển không thể dẫn tên lửa vào mục tiêu. Nguyên nhân được phát hiện là do ăng ten nằm gần động cơ nên bị quá nhiệt khi hoạt động, dẫn đến việc tín hiệu tiếp nhận không tốt.
Một vấn đề khác là phi công phải duy trì đường ngắm liên tục cho đến khi tên lửa đánh trúng mục tiêu nên dễ bị tổn hại bởi hỏa lực phòng không. Trong một số trường hợp, phi công đã phải hủy bỏ việc tấn công khi có tình huống nguy hiểm phát sinh.
Các kỹ sư đã làm việc rất vất vả để cải thiện hệ thống điều khiển. Đến năm 1973, Kh-23 đã hoàn thành quá trình kiểm tra cấp nhà nước và đi vào hoạt động trong lực lượng không quân tiền tuyến Liên Xô cùng các máy bay MiG-23, MiG-27 và Su-17.
Mặt cắt các bộ phận bên trong tên lửa Kh-23
Đến năm 1974, Nhà máy 455 cho ra đời biến thể nâng cấp Kh-23M với bộ khung cùng một số thiết bị điện tử mới. Cuối những năm 1970, họ tiếp tục phát triển biến thể dẫn hướng bằng laser Kh-23L, có thể trang bị cho trực thăng Ka-25 hoặc Ka-252.
Do còn khá nhiều hạn chế nên đến những năm 1980, Kh-23 phải nhường vị trí cho các tên lửa không đối đất hiện đại hơn. Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình phát triển Kh-23 đã tạo tiền đề cho sự ra đời của những tên lửa không đối đất tiên tiến sau này.