Tên lửa Astra Ấn Độ và PL-12 Trung Quốc, ai mạnh hơn?

Quốc Việt |

Tên lửa không đối không tầm trung Astra sử dụng cơ chế dẫn đường bằng radar chủ động, có nhiều lợi thế hơn khi so sánh với công nghệ chắp vá trên PL-12.

Cuộc đua chiếm ưu thế trên không

Tên lửa không đối không tầm trung - xa có vai trò rất quan trọng trong các cuộc không chiến. Sở hữu một tên lửa với tầm bắn lớn sẽ cho phép tấn công máy bay đối phương trước khi gặp nguy hiểm.

Do vậy, làm chủ công nghệ tên lửa không đối không tầm xa là chìa khóa để các nước nắm được ưu thế quân sự. Nhận thấy tầm quan trọng, Ấn Độ và Trung Quốc đều nỗ lực phát triển loại vũ khí này.

Trung Quốc là quốc gia có xuất phát điểm sớm hơn, hình ảnh về tên lửa không đối không tầm trung PL-12 xuất hiện lần đầu vào năm 2001, nó đã chính thức đi vào sản xuất từ năm 2002.

Trong khi đó, sau khi PL-12 đi vào hoạt động, Astra mới tiến hành những thử nghiệm đầu tiên. Điểm khác biệt lớn giữa hai chương trình là Ấn Độ phát triển Astra thành một tên lửa đa năng sử dụng cho cả không quân và hải quân.

Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO), đơn vị dẫn dắt dự án đã nỗ lực làm chủ các công nghệ tiên tiến để không phụ thuộc vào nước ngoài.

Cơ chế điều khiển

Astra của Ấn Độ (ở trên) được đánh giá cao hơn so với PL-12 của Trung Quốc (ở dưới).
Astra của Ấn Độ (ở trên) được đánh giá cao hơn so với PL-12 của Trung Quốc (ở dưới).

PL-12 có thiết kế khí động học rất giống với tên lửa AIM-120 của Mỹ. Tổng công ty xuất nhập khẩu công nghệ hàng không vũ trụ (CATIC) là đơn vị chịu trách nhiệm phát triển PL-12.

Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu chế tạo gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế về công nghệ dẫn hướng.

Các kỹ sư Trung Quốc đã lựa chọn một giải pháp “chắp vá” là sử dụng radar, liên kết dữ liệu của tên lửa R-77, kết hợp với động cơ, phần mềm điều khiển sản xuất trong nước.

Điều này dẫn đến kết quả là PL-12 có hình dáng của tên lửa Mỹ, hệ thống dẫn đường của Nga, động cơ và đầu đạn sản xuất trong nước. Tên lửa được dẫn hướng kết hợp quán tính, cập nhật tham số mục tiêu và giai đoạn cuối sử dụng radar chủ động.

Việc trang bị radar 9B-1348 của R-77 khiến tên lửa này được đánh giá khá cao. Tuy nhiên, giới quân sự tỏ ra hoài nghi sự tương thích giữa radar Nga và phần mềm điều khiển Trung Quốc.

PL-12 có tầm bắn 70 km, biến thể xuất khẩu SD-10 được giới thiệu có tầm bắn khoảng 100 km. Hiện nay, PL-12 và các phiên bản là tên lửa không đối không chủ lực của Không quân Trung Quốc.

Tên lửa không đối không tầm trung PL-12 có ngoại hình rất giống với AIM-120 của Mỹ.
Tên lửa không đối không tầm trung PL-12 có ngoại hình rất giống với AIM-120 của Mỹ.

Trong khi đó, Astra có thiết kế cánh ổn định giữa thân tương tự R-77. Tuy nhiên, 4 vây kiểm soát của tên lửa có hình tam giác, khác với vây dạng lưới của R-77. Astra được dẫn hướng kết hợp quán tính, cập nhật tham số mục tiêu và radar chủ động giai đoạn cuối.

Radar của Astra có phạm vi tìm kiếm tối đa khoảng 25 km. Tên lửa được trang bị hệ thống chiến tranh điện tử mạnh mẽ, đảm bảo khả năng hạ mục tiêu.

Tầm bắn của Astra đạt khoảng 110 km khi phóng ở độ cao 15 km, 44 km ở độ cao 8 km và 21 km khi phóng ở sát mực nước biển. DRDO dự định phát triển biến thể Astra Mk2 có tầm bắn lên đến 150 km.

Một điểm nổi bật nữa của Astra là nó sử dụng động cơ nhiên liệu rắn không khói. Hiệu suất của Astra được giới quân sự thế giới đánh giá tương đương với R-77 và AIM-120.

Ngày 19/3 vừa qua, Astra đã thử nghiệm thành công từ tiêm kích Su-30MKI. Thành tựu này cho thấy Astra đã sẵn sàng bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Trong tương lai, Astra sẽ là tên lửa không đối không chủ lực của Không quân Ấn Độ.

Xét một cách tổng thể, tên lửa Astra và PL-12 có nhiều đặc tính tương tự nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống dẫn đường chắp vá khiến PL-12 bị đánh giá thấp hơn so với Astra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại