Tàu sân bay trực thăng mạnh nhất thế giới của Hải quân Liên Xô

Bạch Dương |

Lượng giãn nước rất lớn, mang được nhiều máy bay cùng hỏa lực mạnh mẽ, tàu sân bay trực thăng lớp Kiev của Hải quân Liên Xô có sức mạnh vượt trội hoàn toàn mọi đối thủ còn lại.

Kiev - Dự án 1143 Krechyet là một trong ba lớp tàu sân bay được thiết kế cho Hải quân Liên Xô, nó được xem như thế hệ hàng không mẫu hạm Xô Viết đầu tiên có khả năng mang máy bay cánh cố định,

Mặc dù phương Tây phân loại là tàu sân bay, nhưng người Nga gọi nó là tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay do đặc tính lai tạp giữa tuần dương hạm và hàng không mẫu hạm.

Sử dụng đường băng ngắn và không trang bị máy phóng hay cơ cấu nhảy cầu, Kiev chỉ tiếp nhận được phi cơ cất cánh ngắn - hạ cánh thẳng đứng hay trực thăng. Do vậy, thực chất đây vẫn chỉ là một tàu sân bay trực thăng.

Chiếc tàu đầu tiên của lớp được hạ thủy vào năm 1970 như một phần trong Dự án Orel, nhằm mục đích chế tạo một tàu sân bay hoàn chỉnh với tính năng và kích thước tương tự Kitty Hawk của Mỹ.

Tuy nhiên cuối cùng thiết kế của Kiev đã được lựa chọn sau khi cân nhắc tổng hòa giữa các yếu tố hiệu quả và chi phí.


Tàu sân bay Novorossiysk lớp Kiev

Tàu sân bay Novorossiysk lớp Kiev

Thông số kỹ thuật cơ bản của tàu sân bay lớp Kiev: Lượng giãn nước đầy tải 45.000 tấn; chiều dài 273 m; chiều rộng 53 m; mớn nước 10 m; thủy thủ đoàn 1.200 - 1.600 người.

Hệ thống động lực của tàu gồm 8 nồi hơi turbo tăng áp, 4 turbine hơi nước với tổng công suất 200.000 shp cho tốc độ tối đa 32 hải lý/h (59 km/h), tầm hoạt động 13.500 hải lý (25.000 km) nếu chạy ở vận tốc 18 hải lý/h (33 km/h).

Thiết kế của Kiev khác biệt hoàn toàn với các chiến hạm của phương Tây khi bố trí tháp chỉ huy bên mạn phải, phía trước boong là các bệ phóng tên lửa, còn đường băng nằm bên mạn trái chiếm trọn phần thân chính và kéo dài đến đuôi.


Tàu sân bay Baku lớp Kiev thời điểm năm 1989

Tàu sân bay Baku lớp Kiev thời điểm năm 1989

Hải quân Liên Xô xếp hạng là tuần dương hạm tên lửa nên dễ hiểu vì sao lớp tàu chiến này lại được trang bị hỏa lực cực mạnh và toàn diện.

Vũ khí chính của Kiev gồm 6 ống phóng đôi của tên lửa chống hạm tầm xa SS-N-12 Sandbox (P-500 Bazalt) với 12 tên lửa; 72 tên lửa phòng không tầm ngắn SA-N-3 Goblet (2 ray phóng); 40 tên lửa phòng không tầm ngắn SA-N-4 Gecko (2 ray phóng đôi).

Về sau tàu được hiện đại hóa hệ thống phòng không bằng 24 cụm 8 ống phóng thẳng đứng của tên lửa tầm ngắn SA-N-9 với tổng số 192 đạn.

Vũ khí phụ trợ của Kiev bao gồm 2 pháo hạm 100 mm, 8 pháo phòng không cao tốc AK-630 cỡ 30 mm, 10 ống phóng ngư lôi chống tàu ngầm, tàu nổi cỡ 533 mm và 2 bệ phóng rocket săn ngầm RBU-6000.

Tàu sân bay lớp Kiev có khả năng chuyên chở tổng cộng 32 máy bay gồm: 12 tiêm kích-bom Yak-38M cùng với 20 trực thăng săn ngầm Ka-25/27.


Tiêm kích-bom cất cánh đường băng ngắn - hạ cánh thẳng đứng Yak-38 trên tàu sân bay Kiev

Tiêm kích-bom cất cánh đường băng ngắn - hạ cánh thẳng đứng Yak-38 trên tàu sân bay Kiev

Khi so sánh ở vai trò tàu sân bay trực thăng thì Kiev tương đương với các tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Mỹ, thua kém một chút lớp America về số lượng máy bay mang theo nhưng lại hơn hẳn ở khả năng tác chiến độc lập nhờ kho vũ khí hùng hậu.

Mặc dù xứng đáng được coi là một tượng đài của Hải quân Liên Xô nhưng rất tiếc kết cục của 4 chiếc tàu thuộc lớp lại khá bi thảm.

Sau khi ngừng hoạt động vì thiếu kinh phí liên quan tới sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, 2 tàu Kiev và Minsk bị bán cho Trung Quốc làm công viên và bảo tàng nổi, chiếc Novorossiysk thì bị dỡ bỏ vào năm 1997.

Chỉ duy nhất tàu Đô đốc Gorshkov (Baku) được hoán cải thành tàu sân bay INS Vikramaditya để bán cho Ấn Độ là còn hiện diện trên các đại dương.

Tuy nhiên, nó hầu như không còn dấu hiệu nào để có thể liên tưởng tới chiếc tàu sân bay trực thăng mạnh nhất thế giới trước kia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại