Các tàu ngầm Nga tham gia cuộc tập trận đều là những chiếc hiện đại về kỹ thuật, có khả năng mang tên lửa đạn đạo và hoạt động như một thế lực đánh chặn hạt nhân.
Thời điểm tàu ngầm hạt nhân Nga tập trận rầm rộ được cho là để phản ứng với việc NATO ngày 5.2 quyết định củng cố vị trí quân sự ở sườn đông, giáp biên giới Nga.
Nhưng Nga nói cuộc tập trận này chỉ là một phần trong kế hoạch củng cố vị trí ở khu vực Bắc cực thuộc Nga.
Đại úy Vadim Serga, người phát ngôn của Hạm đội Biển Bắc cho biết:
“Chúng tôi đặc biệt chú trọng phát hiện các mối đe dọa cùng những mối nguy, nhưng cũng chú trọng khả năng hoạt động, phóng tên lửa, thăm dò băng đá, lặn và trồi khỏi băng đá, sử dụng thủy lôi để phá băng đá cùng nhiều vấn đề khác”.
Trong số đơn vị tham gia cuộc tập trận có nhiều tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Borei, phiên bản nâng cấp của các loại tàu ngầm hạt nhân cũ Delta 3, Delta 4 và Typhoon.
Cuộc tập trận này do phó đô đốc Anatoly Shevchenko chỉ huy, giúp các đơn vị học tập những chuyến hải trình dưới Bắc cực trước đó, cũng như nghiên cứu cách vận hành vũ khí.
Theo người phát ngôn của Hạm đội Biển Bắc, mục đích cuộc tập trận là để các thủy thủ trẻ hơn nắm vững phương án tác chiến tại Bắc cực.
Việc Nga tăng cường lực lượng hạt nhân và các cuộc tập trận đã khiến Bộ trưởng quốc phòng Anh Michael Fallon lo ngại về cách Nga “hạ thấp ngưỡng” sử dụng vũ khí hạt nhân (VKHN):
Học thuyết quân sự mới của Nga cho phép sử dụng VKHN để đối phó một cuộc tấn công theo chiến tranh quy ước vốn đe dọa sự tồn vong của Nga.
Ông Fallon nói với hãng tin Reuters hôm 6.2:
“Có 3 tầng quan ngại. Thứ nhất là Nga có thể hạ thấp ngưỡng sử dụng VKHN.
Thứ nhì là xem ra họ tăng cường hạt nhân cho lực lượng chiến tranh quy ước theo một cách đe dọa và thứ ba, vào lúc lâm khó khăn tài chính, Nga vẫn chi mạnh tay để hiện đại hóa lực lượng hạt nhân”.
Ngày 26.12.2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt học thuyết quân sự mới, nhấn mạnh 3 vị trí quan trọng chiến lược là bán đảo Crimea, vùng Kalingrad và Bắc cực.
Học thuyết này xem NATO là mối đe dọa nghiêm trọng của Nga, kêu gọi quân sự hóa và hiện đại hóa lực lượng quân Nga đóng tại 3 vị trí trên.
Hiện Nga có tranh chấp chủ quyền tại Bắc Cực với Mỹ, Canada, Na Uy, Iceland và Đan Mạch. Mỹ ước tính 15 % số dầu còn lại của thế giới, cùng 30 % nguồn khí đang nằm dưới đáy biển Bắc Cực.
Hoạt động của tàu ngầm Nga dưới đáy biển Bắc Cực tiếp sau việc xây dựng ồ ạt các vị trí quân sự tại Bắc Cực thuộc Nga.
Moscow đang xây 10 trạm tìm kiếm cứu hộ, 16 cảng nước sâu, 13 sân bay, 10 trạm radar phòng không dọc bờ biển Bắc Cực.
Hồi tháng 11.2014, Nga công bố kế hoạch xây dựng căn cứ máy bay không người lái quân sự chuyên do thám, chỉ cách bang Alaska của Mỹ 420 dặm.
Moscow cũng bắt đầu xây dựng một căn cứ quân sự Bắc Cực chỉ cách biên giới Phần Lan 30 dặm.