Hãng tin Itar-Tass ngày 28/6 dẫn lời người phát ngôn Hải quân Nga phủ nhận thông tin cho rằng Sevastopol, một trong hai chiếc tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral mà Pháp đóng cho Nga, sẽ được triển khai tới quân cảng Sevastopol ở Crimea.
Trước đó, một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng một trong hai chiếc tàu lớp Mistral sẽ được đưa vào phục vụ với vai trò là soái hạm của Hạm đội Biển Đen vào năm 2015.
"Bộ Tư lệnh Hải quân Nga không hề thay đổi kế hoạch ban đầu dành cho các tàu Mistral. Cơ sở hạ tầng cho các con tàu đang được xây dựng ở Vladivostok. Không có sự thay đổi nào được đưa ra" - Người phát ngôn Hải quân Nga cho biết hôm thứ Sáu (27/6).
Cũng theo phát ngôn viên này, Hải quân Nga đã có một số kế hoạch nâng cấp dành cho Hạm đội Biển Đen trong tương lai gần. Sáu tàu ngầm Kilo đề án 636.3 và các khinh hạm đề án 11356 sẽ gia nhập vào hạm đội.
"Các tàu lớp Mistral không có mặt trong những kế hoạch này" - Phát ngôn viên Hải quân Nga nói.
Nga đã ký hợp đồng mua 2 tàu đổ bộ chở trực thăng của Pháp, trị giá 1,2 tỷ Euro (tương đương 1,6 tỷ USD) vào năm 2011. Chiếc đầu tiên được đặt tên là Vladivostock và chiếc thứ hai là Sevastopol. Việc Nga đặt tên con tàu thứ hai là Sevastopol, theo tên một thành phố không thuộc sở hữu của Nga trước khi tiến hành sáp nhập Crimea chỉ càng khiến cho các nước châu Âu thấy thương vụ này vướng mắt hơn.
Hợp đồng mua tàu Mistral từng gây nhiều tranh cãi tại Nga, nhiều ý kiến cho rằng nước này phải chi rất nhiều tiền trong ngân sách quốc phòng khan hiếm của mình cho một nhà thầu quân sự nước ngoài. Một số nhà phân tích tại Nga cũng bày tỏ lo ngại về những công nghệ mà các con tàu này được tích hợp. Tuy nhiên, do trên thực tế, các nhà máy đóng tàu của Nga không có đủ khả năng chế tạo những con tàu cỡ lớn, chất lượng cao từ cuối Chiến tranh lạnh nên tàu Mistral trở thành cơ hội tốt nhất để Nga tăng cường khả năng đổ bộ và năng lực hàng không cho những hạm đội đang xuống cấp của mình.
Người Pháp cũng có những mối lo ngại riêng. Trong khi thương vụ này là một món hời lớn cho ngành công nghiệp đóng tàu của Pháp thì một số đồng minh NATO lại bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể sẽ sử dụng những con tàu đó để chống lại NATO hoặc những nước thân NATO.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine, Pháp phải đối mặt với những áp lực ngày càng tăng từ phía Mỹ và các nước EU khi vẫn lưỡng lự chưa hủy bỏ hợp đồng bán tàu Mistral cho Nga. Trong tháng 10 tới, các nhà chức trách của Pháp sẽ phải quyết định xem có chuyển giao con tàu Mistral đầu tiên cho Nga hay không. Trong khoảng thời gian này, các thỏa thuận trong hợp đồng như đào tạo thủy thủ Nga vẫn được tiến hành.
Ngày 12/6, Defense News đưa tin khoảng 400 thủy thủ Nga sẽ đến Pháp vào ngày 22/6 tới để trải qua khóa huấn luyện trên các tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral. Theo dự kiến ban đầu, các thủy thủ Nga sẽ đến Pháp vào ngày 1/6 nhưng do con tàu huấn luyện được giao nhiệm vụ đưa thủy thủ đoàn tới Pháp đã gặp trục trặc và cần phải sửa chữa. Tuy nhiên, tới ngày 20/6, cũng theo Defense News, kế hoạch đào tạo thủy thủ Nga tiếp tục bị trì hoãn cho tới cuối tháng 6. Nguyên nhân trì hoãn lần này vẫn chưa được công bố.
Bên trong tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA