Trong năm 2013, Việt Nam sẽ nhận được 2 tàu ngầm tấn công hiện đại lớp Kilo Project 636 từ phía Nga. Theo một số nguồn tin Nga, tàu ngầm Kilo dành cho Việt Nam được cải tiến mạnh về hệ thống điện tử.
Đặc biệt, tàu ngầm Kilo 636 cho Việt Nam trang bị tổ hợp tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh Klub có khả năng tấn công tiêu diệt mục tiêu trên mặt biển ở tầm xa tới 300km. Theo giới quân sự thế giới, tên lửa Klub thể gây hư hỏng hoặc đánh chìm tàu sân bay.
Ngoài tên lửa Klub, Kilo 636 của Việt Nam còn mang được loại ngư lôi có “1-0-2” trên thế giới VA-111 Shkval do Nga chế tạo. Tất nhiên, việc có trang bị hay không còn phụ thuộc vào đơn hàng yêu cầu từ phía Việt Nam.
Lịch sử phát triển
Vào những năm 1960, trước áp lực từ hạm đội tàu ngầm hạt nhân đông đảo của Mỹ. Liên Xô cần một loại ngư lôi mới đủ khả năng vô hiệu hóa mối đe dọa từ tàu ngầm hạt nhân và các loại ngư lôi bắn ra từ các tàu ngầm này.
Để làm được điều này, loại ngư lôi mới phải có tốc độ nhanh hơn các loại ngư lôi thông thường nhằm nắm lợi thế về thời gian. Năm 1969, Liên Xô sát nhập 2 phòng thiết kế NII-24 và GSKB-47 để thành lập Viện nghiên cứu thủy ứng dụng có trụ sở ở Kiev, Ukraine.
Ngư lôi VA-111 Shkval là sản phẩm của viện thiết kế hợp nhất này. Theo các nguồn tin, loại ngư lôi này được đưa vào sử dụng từ năm 1977, triển khai hoạt động rộng trong hạm đội tàu ngầm Nga từ những năm 1990.
Ngư lôi nhanh nhất thế giới VA-111 Shkval.
Ngư lôi nhanh nhất thế giới
Với yêu cầu thiết kế một loại ngư lôi tốc độ cao, các nhà khoa học đã ứng dụng một công nghệ hoàn toàn mới là công nghệ tạo ra “siêu bọt khí” bao bọc xung quang ngư lôi. Thiết kế này gần như làm triệt tiêu toàn bộ ma sát của nước tác động lên ngư lôi giúp nó đạt tốc độ nhanh hơn.
Tức là, ngư lôi VA-111 di chuyển dưới nước trong một khoang bong bóng khí nên được gọi là “ngư lôi siêu khoang”. Phần siêu khoang được tạo ra từ một chiếc mũi hình nón đặc biệt.
Với điều đó, ngư lôi siêu khoang VA-111 có thể đạt tốc độ dưới nước vượt quá 370km/h, một tốc độ mà không một loại ngư lôi nào trên thế giới có thể so sánh được.
VA-111 được bắn ra từ máy phóng ngư lôi tiêu chuẩn 533mm với tốc độ 93km/h. Sau đó động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng sẽ được kích hoạt đẩy tốc độ của ngư lôi lên quá 370km/h. Một số nguồn tin gần đây cho biết, tốc độ của ngư lôi có thể lên đến 560km/h nhờ ứng dụng động cơ tên lửa mới.
Đồ họa ngư lôi VA-111 Shkval di chuyển dưới mặt nước.
Tầm bắn với biến thể đầu tiên chỉ khoảng 7km, các biến thể nâng cấp về sau có tầm bắn từ 11-15km. Do thiết kế ứng dụng công nghệ tạo ra siêu khoang nên ngư lôi có độ sâu hoạt động chỉ khoảng 100m đổ lại. VA-111 có chiều dài 8,2m, đường kính 533mm, trọng lượng 2.700kg.
VA-111 lắp đầu đạn nặng 700kg cho phép tiêu diệt tàu ngầm, tàu chiến đấu mặt nước cỡ lớn chỉ bằng một phát bắn. Thậm chí nó có thể gây hư hại lớn, làm mất khả năng chiến đấu tàu sân bay.
Thiết kế ban đầu của VA-111 chỉ có khả năng dẫn hướng quán tính. Ngư lôi này cung cấp một giải pháp tấn công bất ngờ khiến đối phương không kịp trở tay do tốc độ của ngư lôi quá nhanh. Và loại ngư lôi này cũng được sử dụng để chống ngư lôi dẫn hướng âm thanh thụ động bằng dây dẫn của đối phương.
Biến thể nâng cấp về sau được trang bị hệ thống dẫn hướng điện tử. Bốn vây dẫn hướng đã được trang bị cho ngư lôi để hiệu chỉnh đường đi. Phần mũi tạo ra siêu khoang cũng được cải tiến để giúp việc hướng luồng siêu khoang theo các bánh lái phía sau được dễ dàng hơn.
Theo một số nguồn tin, Nga đã xuất khẩu cho Trung Quốc 40 quả ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval-E vào những năm 1998. Tuy nhiên, biến thể xuất khẩu cho Trung Quốc không có khả năng dẫn hướng và tầm bắn rất ngắn.
Theo một số nguồn tin không chính thức, tàu ngầm Kilo 636MV đang đóng cho Việt Nam có khả năng sử dụng loại ngư lôi siêu hạng này.