Tại sao hệ thống Shtora-1 trên T-90 không chặn được tên lửa TOW?

Quân sự |

Mới đây một xe tăng T-90 tham chiến tại Syria đã bị trúng tên lửa TOW của quân đối lập, điều đáng nói là hệ thống phòng vệ Shtora-1 đã không phát huy tác dụng.

Sau khi cân nhắc, đánh giá 22 đáp án được độc giả gửi về để giải thích nguyên nhân: "Tại sao hệ thống Shtora-1 trên T-90 không chặn được tên lửa TOW", chúng tôi quyết định trao giải thưởng cho độc giả sau:

Phần trả lời của bạn Lã Xuân Linh:

Trước khi đi vào vấn đề chính, ta cần hiểu về Shtora-1. Shtora là một tổ hợp phòng vệ mềm, có khả năng đánh bại tất cả các loại tên lửa chống tăng có điều khiển.

Tổ hợp gồm có các cảm biến laser xung quanh tháp pháo, đóng vai trò thu tín hiệu khi xe bị hệ thống chỉ thị bằng laser hoặc đo xa laser chiếu đến, báo hiệu việc đang bị ngắm bắn;

Một máy tính trung tâm để điều khiển, hệ thống phóng đạn khói với tác dụng làm mất phản xạ laser và che mắt xạ thủ ATGM để xe rút lui;

Hai mắt đỏ OTShU-7-1 để làm giả tín hiệu hồng ngoại, khiến hệ thống điều khiển bắn của tên lửa chống tăng nhầm lẫn giữa tín hiệu tên lửa và Shtora, làm nó đưa ra chỉ dẫn sai cho tên lửa dẫn tới việc tên lửa hoặc là lao đầu xuống đất, hoặc là bay lên trời.

Thứ nhất, với các tên lửa dẫn bằng laser như Kh-29L, Maverick,…khi phóng đạn, hệ thống chỉ thị của các loại tên lửa này sẽ phải chiếu chùm tia laser vào xe tăng, đầu dò của tên lửa sẽ theo sự phản xạ của tia laser và lái đến mục tiêu.

Với T-90, ngay khi bị chiếu laser, hệ thống sẽ báo động cho kíp lái và phóng lựu đạn khói ngụy trang, làm tia laser mất tác dụng.

Thứ hai, với các loại tên lửa dẫn bằng hồng ngoại như TOW, AT-4, AT-5, Shtora sử dụng 2 đèn nhiễu để gây tín hiệu giả, làm rối loạn chỉ dẫn của bộ điều khiển tên lửa.

Tuy vậy, vẫn có 1 vấn đề ở đây đó là làm thế nào Shtora phát hiện được mình đang bị TOW hay AT-4 ngắm bắn? Bởi TOW hay AT-4 đâu có dùng laser nên cảm biến của Shtora đâu thể nào biết khi nào mình đang bị “khóa”?

Nhưng tên lửa TOW thuộc các phiên bản hiện đại được tích hợp 1 bộ đo xa laser để xạ thủ xác định khoảng cách trước khi bắn. Nếu xạ thủ lỡ bật đo xa rồi ngắm vào T-90, nó ngay lập tức phát hiện và phóng đạn khói như trường hợp thứ nhất.

Vậy nếu xạ thủ khôn ngoan và không bật đo xa laser thì sao? Nếu thế, kíp lái sẽ phải liên tục bật mắt đỏ Shtora đề phòng bị TOW tấn công bất cứ lúc nào, nhưng trong clip mà chúng ta đã xem, điều đó không xảy ra.

Với việc T-90 bị BGM-71E đánh trúng, ta hãy cùng điểm lại các sự kiện trong video: xe T-90 đứng yên, 2 mắt đỏ không hề bật, cửa trên tháp pháo của trưởng xe để mở và súng NSVT liên tục tác xạ trước khi xạ thủ TOW bắn.

Khi xạ thủ TOW bắn, quả đạn mất 4 giây để tới mục tiêu, tức là khoảng cách tấn công vào tầm 1 km. Đạn đánh trúng giữa tháp pháo, nơi có giáp tương đối yếu, ước tính chỉ khoảng 300 - 400 mm thép thông thường.

Xe không cháy, pháo thủ nhảy ra khỏi xe nhưng không thấy trưởng xe và lái xe đâu. Từ những dữ kiện trên, ta đưa ra các giả thuyết sau:

1. Kíp lái Syria tỏ ra chủ quan, không bật 2 mắt đỏ Shtora để đề phòng TOW.

Hai mắt đỏ có thời gian hoạt động rất lâu nên không có lý gì phải "tiết kiệm điện" trong trường hợp này. Bản thân xạ thủ TOW có lẽ không bật hệ thống đo xa laser trước khi bắn để làm giảm khả năng bị Shtora phát hiện.

Ta biết tầm bắn của TOW là 3 km, tại sao xạ thủ phải tốn công và mạo hiểm tiếp cận gần mục tiêu đến 1 km? Chắc hẳn ý đồ của anh ta là tiến lại gần T-90, bắn rồi nhanh chóng rút lui để T-90 không có thời gian phản ứng và bắn trả.

Có thể thấy trong video, xạ thủ TOW đã chuẩn bị rất cẩn thận và kín đáo, ngay cả khi bắn trúng T-90, anh ta cũng nhanh chóng rời khỏi bệ phóng, đề phòng trúng phản pháo.

2. Shtora đã bị hỏng hoặc người Nga đã tháo bỏ nó trước khi giao cho Syria.

Giả thuyết này được nhiều người đưa ra, tuy nhiên đây là điều không hợp lí, bởi nếu tháo bỏ Shtora, giá trị của T-90 gần như không còn, và Nga thà rằng cung cấp T-72B cho Syria còn hơn là lại đi cung cấp T-90 nhưng tháo Shtora.

3. Có lẽ đây là giả thuyết có khả năng nhất: Không chỉ Shtora mà cả xe T-90 đã bị hỏng. Như ta thấy, các clip về T-90 trước đây của Syria thường sử dụng chiến thuật thoắt ẩn thoắt hiện (pop-up).

Xe tăng sử dụng địa hình địa vật che chắn kỹ lưỡng, sau đó bất ngờ đi ra, nã 1 phát đạn pháo rồi lại rút lui vào chỗ ẩn nấp. Đây là chiến thuật rất khó chịu, gần như TOW bất lực bởi đạn TOW mất thời gian tương đối lâu để tới được mục tiêu.

Tuy nhiên trong clip, chiếc T-90 đứng yên 1 cách khó hiểu. Việc cho rằng tổ lái chủ quan, chiến thuật kém liệu có đúng khi mà 6 chiếc T-90 Nga viện trợ cho Syria đang nằm trong biên chế của sư đoàn xe tăng số 4, 1 đơn vị rất thiện chiến của Syria?

Hơn nữa chính chúng ta đã thấy người Syria sử dụng T-90 với chiến thuật mới thế nào, thì không lẽ gì họ lại mắc sai lầm tai hại như thế.

Lời giải thích ở đây có thể là T-90 đã bị hỏng động cơ cùng hệ thống cung cấp điện. Hỏng hóc có thể do ngẫu nhiên hoặc bị trúng đạn. Việc hỏng động cơ và bộ phát điện khiến xe đứng yên, Shtora không thể hoạt động (vì không có điện).

Bản thân ụ súng máy tự động NSVT cũng không thể điều khiển từ xa được nữa, buộc trưởng xe phải mở cửa ra ngoài và điều khiển thủ công, trong khi đó xạ thủ vẫn ngồi trong xe còn lái xe có thể là đang sửa chữa.

Để yểm trợ cho đồng đội sửa chữa, trưởng xe liên tục dùng NSVT bắn chế áp về phía trước. Khi quả đạn TOW đánh trúng tháp pháo, lực nổ làm trưởng xe bị thương hoặc chí ít cũng choáng và bị ngất do anh ta đang ở bên ngoài, vì thế ta chỉ thấy pháo thủ chạy ra ngoài.

Như vậy, đó là phát bắn vô cùng may mắn của TOW bởi Shtora đã không thể hoạt động do không có điện.

Nhưng dù sao trên đây chỉ là sự phỏng đoán dựa trên 1 video dài có vài phút. Sự thật thế nào chỉ có những người lính tăng Syria mới biết.

Ít nhất thì chúng ta cũng không thấy cảnh T-90 bốc cháy đồng nghĩa với việc TOW đã không thể xuyên qua được giáp trước của T-90. Bởi nếu xuyên và xe bốc cháy thì quân nổi dậy đã quay phim và tung lên youtube rồi chứ chẳng để video ngắn cụt lủn như vậy

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại