Tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân sẽ khiến châu Á bất ổn?

Anh Tuấn |

Tuần trước, Trung Quốc đã kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II bằng một cuộc diễu binh lớn. Nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa DF-21D, lần đầu tiên được trình bày trước công chúng.

Tuy nhiên, một trong những loại vũ khí mới đang xuất hiện sau giai đoạn thử nghiệm nhưng lại không được xuất hiện trong sự kiện, đó là tàu Type-094, được coi là tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc.

Tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Trung Quốc không phải là nước duy nhất đầu tư vào loại khí tài lợi hại, phức tạp và đắt tiền này. Ấn Độ và thậm chí là cả Pakistan cùng Triều Tiên cũng đang tiến hành hoạt động chế tạo tàu ngầm của riêng mình.

Trong 3 nước trên, Ấn Độ là nước đang tiến xa nhất khi New Delhi đã cho hạ thủy tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân đầu tiên của họ, tàu INS Arihant vào năm 2009. Chiếc tàu thứ hai và thứ ba hiện đang được đóng tại các xưởng của nước này.

Tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân INS Arihant của Ấn Độ.

Trong một báo cáo của Viện Nghiên cứu Lowy (Mỹ), các tác giả đã viết rằng về lâu dài, tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân có thể giảm bớt nguy cơ xảy ra chiến tranh trong khu vực, bởi không nước nào muốn tấn công một đất nước có kho vũ khí hạt nhân.

Nhưng trước khi sự ổn định này có thể được thiết lập, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân cũng nhiều khả năng sẽ đẩy khu vực này vào tình trang bất ổn.

Bởi vì Ấn Độ và Trung Quốc triển khai các tàu này mà không trang bị đầy đủ hệ thống chỉ huy và liên lạc, cũng như huấn luyện kỹ thuật cho thủy thủ đoàn và một học thuyết quân sự hợp lý.

Hơn nữa, việc triển khai loại vũ khí này cũng sẽ khiến căng thẳng trên biển leo thang và đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang.

Trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh, Mỹ và NATO cùng các tàu ngầm tên lửa hạt nhân của Liên Xô đã giảm bớt khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Đó là bởi vì tàu ngầm là một loại khí tài “bất khả xâm phạm”, nếu một nước có ý định tấn công bất ngờ bằng tên lửa hạt nhân vào nước khác, họ sẽ bị đáp trả bằng các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân, chúng luôn di chuyển và gần như không bị phát hiện khi hoạt động dưới đáy biển.

Nhưng vào đầu thời Chiến tranh Lạnh, khi tàu ngầm tên lửa hạt nhân được Liên Xô và Mỹ sử dụng, những giới hạn về công nghệ buộc các tàu phải tiến gần bờ biển của đối phương, khiến chúng bị dễ bị phát hiện.

Những giới hạn của chúng gồm có tầm hoạt động ngắn, gây tiếng ồn lớn và tầm bắn của tên lửa còn hạn chế của các tàu vào thời điểm này cũng giống như đặc điểm của tàu ngầm Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay, do đó việc triển khai sẽ gây ra những bất ổn.

Do đó, hiện tại, có 5 nguy cơ có liên quan đến sự phát triển của các loại vũ khí hạt nhân dưới biển ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tàu ngầm Type-094 của Trung Quốc, một trong những loại vũ khí tối tân nhất của nước này.

Thứ nhất, nó sẽ thay đổi cách quản lý kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ và Trung Quốc. Để các tàu ngầm có thể coi là vũ khí hạt nhân hiệu quả, các đầu đạn hạt nhân phải được lắp đặt lên các tên lửa trên tàu và luôn sẵn sàng khai hỏa.

Điều này sẽ thay đổi cơ cấu quản lý cũng như xây dựng tâm lý sẵn sàng chiến đấu của cả Ấn Độ và Trung Quốc.

Các đầu đạn của Ấn Độ được cho là thuộc sự giám sát bởi một cơ quan dân sự, trong khi các đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc được giao cho Quân đoàn Pháo binh số 2 của nước này.

Sử dụng các tàu ngầm sẽ khiến hải quân hai nước giám sát kỹ hơn đối với vũ khí hạt nhân của mình và chúng sẽ luôn được sẵn sàng để sử dụng.

Thứ hai, hệ thống chỉ huy và liên lạc của hai nước vẫn còn yếu kém. Lực lượng tàu ngầm hạt nhân luôn cần một hệ thống liên lạc hiệu quả. Việc truyền tín hiệu ở dưới biển sâu ở xa là rất khó, và các tàu thường sử dụng các hệ thống vô tuyến tần số thấp.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có tin tức chứng minh Ấn Độ hay Trung Quốc đang đầu tư vào hệ thống liên lạc cần thiết.

Thêm vào đó, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn các tàu này vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc hoạt động ở xa mà không có hệ thống liên lạc trực tiếp với ban chỉ huy.

Thứ ba, những vụ việc bất ngờ trên biển có thể xảy ra. Số tàu ngầm ở vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương đang ngày một tăng lên. Va chạm giữa các tàu ngầm trong thời Chiến tranh Lạnh đã nhiều lần xảy ra.

Những tình huống đó có thể sẽ dẫn đến hiểu lầm và làm căng thẳng phức tạp hơn.

Thứ tư, nó sẽ đẩy mạnh cuộc chạy đua vũ trang. Sự xuất hiện của tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân sẽ khiến các nước khác trong khu vực có phản ứng mạnh mẽ.

Họ sẽ ưu tiên đầu tư vào các hệ thống do thám và chống tàu ngầm và sẽ triển khai các hệ thống này nếu có. Chúng sẽ đẩy mạnh căng thẳng trên biển tại những khu vực như vịnh Bengal và Biển Đông.

Một trong những nguyên nhân Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ở Biển Đông rất có thể là nhằm tạo ra một “cứ địa” cho các tàu ngầm tên lửa hạt nhân của mình, đồng thời mở rộng cơ sở hạ tầng để ngăn chặn Mỹ do thám.

Cuối cùng, chúng cũng sẽ buộc các nước đưa ra những chiến lược nguy hiểm hơn trước. Cả Trung Quốc và Mỹ đều tập trung vào các công nghệ phá hoại mạng lưới liên lạc của đối phương.

Mặc dù một cuộc xung đột lớn sẽ khó xảy ra, không ai biết chắc được rằng các chiến lược này có nhằm vào hệ thống vệ tinh rất quan trọng đối với các tàu ngầm hay không.

Bất kỳ sự cố mất liên lạc giữa bộ chỉ huy trung ương và các tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân sẽ gây ra vấn đề rất lớn đối với hệ thống chỉ huy chưa phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ.

Sự xuất hiện của các tàu ngầm tên lửa hạt nhân ở Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy tính chất đa cực và phức tạp của hoạt động phòng chống sử dụng vũ khí hạt nhân trong thế kỷ 21.

Tàu ngầm này sẽ không biến mất, và do đó mục tiêu đề ra nên là nhằm giảm thiểu những rủi ro, đảm bảo rằng các tàu này sẽ có lợi cho việc xây dựng hòa bình và ổn định trong khu vực, chứ không làm tình hình bất ổn.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại