Sức mạnh thật sự hệ thống phòng không Triều Tiên?

Bằng những vũ khí của thời Liên Xô, hệ thống phòng không Triều Tiên cũng đã làm Không lực Hoa Kỳ có những ký ức buồn.

“Mặc dù trang bị vũ khí đã lỗi thời, song hệ thống phòng không Triều Tiên vẫn có thể ‘hoàn thành’ các nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp”, đó là đánh giá của Mil.eastday.com, một trang web của Trung Quốc. Vậy sức mạnh thật sự hệ thống “canh trời” của Triều Tiên mạnh tới đâu?

Quá khứ vinh quang

Bằng những vũ khí của thời Liên Xô, hệ thống phòng không Triều Tiên cũng đã làm Không lực Hoa Kỳ có những ký ức buồn.

Ngày 18/4/1990, máy bay trực trăng trinh sát hạng nhẹ OH-58B của quân đội Mỹ đã “phá vỡ” đường ranh giới quân sự hai miền Nam-Bắc (còn được biết đến là vĩ tuyến 38) và đã bị trúng đạn pháo phòng không của Quân đội Triều Tiên. Máy bay đã phải hạ cánh bắt buộc, hai phi công sống sót và bị bắt làm tù binh. Các phi công đã được trao trả sau khi có công hàm chính thức từ phía Hoa Kỳ.

Sau đó 13 năm, vào ngày 03/3/2003, máy bay trinh sát điện tử RC-135 cất cánh từ căn cứ trên lãnh thổ Nhật Bản và tiến đến cách bờ biển Triều Tiên 240 km với mục đích quan sát việc bố trí các hệ thống tên lửa của “Miền Bắc”. Ngay lập tức hai chiếc MiG-23 và một MiG-29 cất cánh đánh chặn. MiG-29 đã bay “rất sát” với máy bay do thám của đối phương, buộc RC-135 phải “bỏ chạy trong nỗi khiếp sợ” về phía Nhật Bản.

Tên lửa phòng không Triều Tiên - Ảnh: Chinamil

Hệ thống phòng không “toàn Nga”

Triều Tiên là quốc gia có hệ thống phòng không rất hùng hậu với 300 bệ phóng tên lửa, bao gồm 240 SAM-2, 36 SAM-3 và 24 SAM-5 (S-200) đã từng tham chiến trên các chiến trường Trung Đông, Việt Nam, Nam Tư và được bố trí trên khắp lãnh thổ, nhất là gần khu phi quân sự và thủ đô Bình Nhưỡng.

Hệ thống phòng không SAM-2 được đưa vào Triều Tiên từ những năm 1964. SAM-2 có chiều dài 10,9 m, đường kính 0,65 m, trọng lượng 2.160 kg, tên lửa có tốc độ Mach 3, có thể phá hủy mục tiêu xa từ 13-35 km, độ cao mục tiêu từ 3-22 km. SAM-2 là một trong những vũ khí đã làm thất bại mưu toan của Mỹ ở Việt Nam. Thế nhưng, tổ hợp SAM-2 không có tính cơ động cao và cũng dễ bị “tổn thương” trong chiến tranh điện tử.

SAM-3 là hệ thống phòng không thế hệ thứ ba của Liên Xô, được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên không tầm thấp, ngoài ra cũng có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển. Chiều dài của SAM-3 là 5,95 m, tốc độ tối đa Mach 2, tấn công mục tiêu bay từ 20 m đến 8.000 m.

“Rồng sát thủ” S-200 là “át chủ bài” hệ thống phòng không Triều Tiên, được Liên Xô chuyển giao từ năm 1987, bố trí gần khu phi quân sự và thủ đô Bình Nhưỡng. SAM-5 có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 250-300 km và độ cao lên đến 40 km, tên lửa nặng tới 7,1 tấn, dài 10,8 m, được kết nối với 4 động cơ đẩy.

Tuy nhiên là tên lửa tầm xa nên khi mục tiêu lọt vào sau 60 km thì SAM-5 “bó tay”, mặt khác SAM-5 chỉ có thể “hạ” mục tiêu có tính cơ động không cao như máy bay ném bom chiến lược, khả năng kháng nhiễu kém. Nhưng nếu có chiến thuật, cách đánh hợp lý thì vẫn có thể bắn hạ những máy bay tối tân của đối phương.

Triều Tiên sở hữu khoảng 40 tiểu đoàn (240 bệ phóng) tên lửa phòng không S-75 Dvina (NATO định danh là SA-2)

Trong những năm 80 thế kỷ trước, Triều Tiên đã sản xuất hàng loạt hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) SA-7, chính là tên lửa vác vai 9K32 Strela-2 của Liên Xô. SA-7 nặng 14,5 kg, đường kính 0,72 m, trọng lượng 0,87 kg, tấn công mục tiêu tầm xa 3.400 m và độ cao 1.200 m. Đặc biệt của tên lửa này là nó tự hủy sau 14 giây nếu không trúng mục tiêu. Với thiết kế đơn giản, cho phép người lính có thể sử dụng thành thạo chỉ sau một ngày tìm hiểu.

Ngoài ra, trong biên chế của lực lượng phòng không Triều Tiên còn có MANPADS SA-16, có chiều dài 1,67 m, đường kính 0,72 m, trọng lượng 10,8 kg, tốc độ tối đa 880 m/s, có thể tấn công mục tiêu trong khoảng cách từ 600-8.000 m, độ cao mục tiêu từ 10-3500 m. MANPADS SA-16 tham chiến đầu tiên vào năm 1991 trong cuộc chiến vùng Vịnh, đã bắn hạ 8 máy bay ném bom A-10 và 4 máy bay chiến đấu đa chức năng AV-8. Chính những tổ hợp tên lửa này đã bắn rơi một số máy bay và trực thăng của Nga trong cuộc chiến tại Chechnya.

Lực lượng trên không “khủng”

Không quân quân đội Triều Tiên có 80.000 người, biên chế trong 3 trung đoàn máy bay ném bom hạng nhẹ, 6 trung đoàn máy bay ném bom và 10 trung đoàn máy bay chiến đấu.

Tổng số máy bay của không quân Triều Tiên là 1.500 máy bay các loại, trong đó 690 máy bay chiến đấu, bao gồm 80 máy bay ném bom hạng nhẹ Il-28 và Yak-28, tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ có 110 MiG-17, 130 MiG-19, 130 MiG-21, 46 tiêm kích đánh chặn MiG-23, 40 tiêm kích hiện đại thế hệ thứ 4 MiG-29 có sức mạnh tác chiến hùng mạnh, 36 máy bay ném bom Su-25 và trực thăng Mi-24.

Vũ khí chính trên các máy bay chiến đấu là tên lửa dẫn đường AA-2 (K-13), AA-7 (R-23) và AA-11 (R-60) với tổng số lượng vào khoảng 1.000 tên lửa.

Năm 1999, Triều Tiên mua 40 máy bay MiG-21 đã qua sữ dụng của Kazakhstan với mục chính là “tìm kiếm” phụ tùng thay thế. Khả năng vận tải đường không của Quân đội Triều Tiên “giao phó” cho 300 máy bay, bao gồm các loại An-24, IL-14, IL-18, IL-62, Tu-134 và TU-154.

Ngoài ra còn có 283 máy bay trực thăng, chủ yếu là Heu-500D, Mi-2, Mi-8, Mi-17. Hệ thống máy bay huấn luyện có tất cả 283 máy bay, cơ bản là MiG-21 và Yak-18.

Là lực lượng hùng hậu, song tính sẵn sàng và sức mạnh chiến đấu của những máy bay, vũ khí kèm theo cũng như khả năng hợp đồng tác chiến của lực lượng Không quân Triều Tiên đến đâu sẽ là một bài toán khó cho các chuyên gia quân sự nước ngoài.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại