Su-27 gia nhập Không quân Trung Quốc như thế nào?

Xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 1992, sau 20 năm chiến đấu cơ Su-27 nhập từ Nga vẫn là loại máy bay huấn luyện quan trọng của không quân Trung Quốc.

Quyết mua bằng được Su-27

Đầu những năm 90 của thế kỉ trước, các nước phương Tây bắt đầu cô lập và bao vây Trung Quốc về mặt quân sự. Mỹ đứng đầu danh sách các nước bao vây Trung Quốc, tiếp đó là một số nước trong khu vực cũng muốn cô lập Trung Quốc. Quân đội Đài Loan nhập khẩu 150 chiến đấu cơ F-16A/B của Mỹ và 60 chiến đấu cơ Mirage 2000-5 từ Pháp. Hàn Quốc, Triều Tiên, Malaysia, Ấn Độ cũng lần lượt nhập các chiến đấu cơ có tính năng ưu việt như F-16, F-18, MiG-29.

Su-27 gia nhập Không quân Trung Quốc như thế nào?
Chiếc Su-27 của không quân Trung Quốc

Cũng trong thời điểm đó, quan hệ giữa Trung Quốc và Nga dần trở lại tốt đẹp. Sau này, kinh tế Nga đi vào giai đoạn khó khăn, Nga muốn bán nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại, và Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhập khẩu vũ khí của Nga.

Thời kì đó, chiến đấu cơ Su-27 của Liên Xô là loại máy bay tiêm kích khá hiện đại, và chỉ trang bị cho lực lượng phòng không của Liên Xô, ngay cả tại Liên Xô cũng ít người biết được sự tồn tại của loại chiến đấu cơ này.

Trong đàm phán mua bán vũ khí với Trung Quốc, ban đầu phía Nga không muốn bán Su-27. Nhưng ngày 31/5/1990, phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Lưu Hoa Thanh dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của quân đội Trung Quốc thăm Mát-xcơ-va, và kết quả là Nga và Trung Quốc đã kí biên bản ghi nhớ về hợp tác mua bán vũ khí. Cũng trong chuyến đi này, phía Trung Quốc biết được thông tin, ngoài MiG-29 ra, Liên Xô còn có loại máy bay tiêm kích hiện đại hơn, đó chính là Su-27. Khi được tận mắt chiêm ngưỡng tính năng ưu việt của loại tiêm kích này, phía Trung Quốc quyết tâm nhập bằng được Su-27.

Sau nhiều lần đàm phán, năm 1990 Trung Quốc và Nga kí kết thỏa thuận mua bán 24 máy bay huấn luyện Su-27 và máy bay chiến đấu Su-27 tại Bắc Kinh. Ngày 26/12/1991 Liên Xô tan rã, Trung Quốc không khỏi lo lắng việc thực hiện bản thỏa thuận đã kí trước đó.

Sau này, Tổng thống Nga Yeltsin đã cam kết tiếp tục thực hiện thỏa thuận cung cấp Su-27 cho Trung Quốc. Tháng 6/1992, 12 chiếc Su-27 đầu tiên được bàn giao cho Trung Quốc.

Thỏa thuận chuyển giao và những phiên bản của Su-27 tại Trung Quốc

Năm 1993, Trung Quốc cùng Nga đàm phán về đợt Su-27 thứ hai. Lần này Trung Quốc muốn phía Nga tiến hành chuyển giao kỹ thuật, phía Nga thì yêu cầu Trung Quốc phải mua thêm 48 máy bay Su-27 nữa thì mới xem xét đàm phán việc chuyển giao công nghệ. Cuối cùng, tháng 12/1995, Nga và Trung Quốc kí kết hợp đồng mua bán 24 chiếc Su-27, và Nga hứa sẽ xem xét việc chuyển giao công nghệ chế tạo loại máy bay này cho Trung Quốc.

Su-27 gia nhập Không quân Trung Quốc như thế nào?
Chiếc đấu cơ J-11 của Trung Quốc có tính năng hoàn toàn giống với Su-27 của Nga

Theo tiết lộ của phía Trung Quốc, nước này và Nga đã kí kết thỏa thuận cho phép Trung Quốc được lắp ráp 200 chiếc Su-27 trong thời gian 15 năm, linh kiện thiết bị cho đợt máy bay đầu tiên  hoàn toàn do Nga cung cấp, sau này Trung Quốc sẽ chế tạo dần các chi tiết. Riêng động cơ, ra-đa và thiết bị điện tử do phía Nga chuyển sang.

Theo thoản thuận, ban đầu Trung Quốc tiến hành mở rộng Tập đoàn máy bay Thẩm Dương, nhập dây chuyền sản xuất của Nga về gia công chế tạo linh kiện; tiếp đó Nga sẽ cung cấp máy bay Su-27SK nguyên chiếc và linh kiện cho Trung Quốc. Nếu phía Trung Quốc không đủ khả năng lắp ráp, thì phía Nga sẽ cung cấp Su-27 nguyên chiếc.

Tập đoàn máy bay Thẩm Dương được giao nhiệm vụ phối hợp cùng lắp ráp máy bay Su-27 và phải nội địa hóa khoảng 20% các linh kiện của máy bay này. Trước đây Trung Quốc chưa hề biết đến kỹ thuật chế tạo cơ khí cho Su-27, cần phải mày mò, học tập từ đầu. Viện nghiên cứu công trình chế tạo hàng không Bắc Kinh đã tiến hành phân tích, phát triển kỹ thuật chế tạo Su-27 hỗ trợ phía Thẩm Dương nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật chế tạo máy bay.

Sau này phía Trung Quốc công bố, họ đã tự chế tạo được hầu hết các linh kiện cho máy bay này, ngay cả động cơ, ra-đa cũng đều do Trung Quốc chế tạo. Năm 2002, 10 năm sau khi chiếc Su-27 đầu tiên có mặt tại Trung Quốc, nước này đã có thể tự lắp ráp, chế tạo máy bay J-11, bản sao của Su-27 tại Trung Quốc.

Su-27 gia nhập Không quân Trung Quốc như thế nào?
Chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc cũng được coi là một bản sao sủa Su-27

Trên cơ sở của Su-27SK, Tại Trung Quốc cho ra loại tiêm kích J-11A một chỗ ngồi có tính năng, đặc điểm hoàn toàn giống với Su-27 của Nga. Sau này, Trung Quốc còn đưa ra phiên bản J-11B, phiên bản nâng cấp của J-11A và J-11BS với hai chỗ ngồi. Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng, chiến đấu cơ J-15 do Tập đoàn máy bay Thẩm Dương Trung Quốc chế tạo cũng là phiên bản của J-11 dùng cho tàu sân bay. Những dòng máy bay này đều được dựa trên cơ sở chiếc Su-27 của Nga.

Sau 20 năm xuất hiện tại Trung Quốc, những chiếc Su-27 vẫn là loại máy bay được ưu tiên sử dụng trong công tác huấn luyện của không quân nước này. Hôm 31/3 vừa rồi, một sự cố xảy ra khiến chiếc Su-27 của không quân Trung Quốc đã bị rơi tại tỉnh Sơn Đông làm hai phi công thiệt mạng. Qua hình dáng đuôi máy bay, nhiều người cho rằng đây là loại Su-27UBK. Các chuyên gia cho rằng, với tính năng của Su-27UBK, nên loại bỏ nguyên nhân kỹ thuật dẫn đến sự cố rơi máy bay khi nó chưa được sử dụng đến 20 năm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại