Sự thật về việc vũ khí Nga đang bị "ruồng bỏ" tại Ấn Độ

Quang Huy |

Bộ Quốc phòng Ấn Độ mới đây đã công bố thông tin chính thức về các hợp đồng mua sắm vũ khí nước ngoài.

Nga vững chắc ở ngôi vị nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ

Phóng viên hãng thông tấn TASS tại New Dehli cho biết, Nga vững chắc ở vị trí thứ nhất trong danh sách những đối tác quân sự của Ấn Độ.

Từ năm tài khoá 2012 - 2013 đến hết 2014 - 2015 (bắt đầu từ 1/4 và kết thúc vào 31/3), Moscow đã cung cấp cho Ấn Độ các thiết bị quân sự với tổng trị giá lên tới 340 tỷ rupi (hơn 5 tỷ USD).

Xếp ở vị trí thứ 2 theo chỉ số này là Mỹ. Nước trong giai đoạn vừa qua đã kiếm được hơn 300 tỷ rupi, tương đương 4,4 tỷ đôla.

Các thương vụ cung cấp vũ khí đã ký kết cũng có những kết quả tương tự. Trong số 67 hợp đồng mua vũ khí nước ngoài thì Ấn Độ ký 18 với Nga, 13 với Mỹ và 6 với Pháp.

Những lời quả quyết của các nhà phân tích phương Tây về việc “Nga đánh mất thị trường Ấn Độ”, “Hợp tác giữa Dehli và Moscow bị đẩy xuống vị trí thứ yếu” và những tuyên bố tương tự đăng tải trên các trang báo của Mỹ và Châu Âu chỉ hoàn toàn là sự thổi phồng.

Có thể coi đó là phương pháp cạnh tranh không lành mạnh, hoặc nếu dùng một từ sắc xảo để đánh giá thì chính là sự tiếp diễn của một cuộc chiến tranh thông tin chống lại Nga.

Thực ra đối với các chuyên gia Nga, không có bất cứ điều gì đáng ngạc nhiên trong báo cáo chính thức của Bộ Quốc phòng Ấn Độ về sự dẫn đầu của các nhà sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự Nga.

Hơn 70% xe tăng, pháo tự hành, pháo phản lực, máy bay tiêm kích, cường kích, máy bay do thám tầm xa, trực thăng, hàng không mẫu hạm, tàu chiến, tàu ngầm hạt nhân và diesel, hệ thống phòng thủ bờ biển hiện đang được Ấn Độ sử dụng là do Nga và Liên Xô sản xuất.

Tính đến thời điểm hiện tại, 40% thiết bị trong quân đội Ấn Độ, được sản xuất tại Nga hoặc lắp ráp theo bản quyền của Nga tại những nhà máy bản địa. Trong lĩnh vực hàng không tỷ lệ này chiếm tới 80% còn hải quân là 75%.

Bởi vậy nói rằng Nga đang đánh mất thị trường Ấn Độ, hoặc kẻ nào đó đang chiếm thị phần của Nga ở quốc gia Nam Á này thì đó là một suy luận thiếu chuyên nghiệp hoặc lời nói dối có chủ ý.

Trong khi truyền thông phương Tây hoan hỉ với việc Nga thua cuộc trong gói thầu cung cấp trực thăng tấn công cho Dehli, thì họ quên rằng trước đó Ấn Độ đã mua 50 trực thăng vận tải Mi-17V-5 và dự kiến sản xuất 200 chiếc Ka-226T tại các nhà máy của họ.


Trước khi chọn trực thăng tấn công Apache, Ấn Độ đã mua lượng lớn Mi-171V-5

Trước khi chọn trực thăng tấn công Apache, Ấn Độ đã mua lượng lớn Mi-171V-5

Ngoài ra, Ấn Độ còn quan tâm tới các tổ hợp tên lửa phòng không S-400, Tor-M2KM, Pantsir-S1 và nhiều vũ khí khác của Nga. Có lẽ những thông tin này sẽ không có lợi nếu được chuyển tải tới công chúng phương Tây.

Mặt khác, chính quyền Ấn Độ đã giao cho quân đội và lĩnh vực công nghiệp quốc phòng một nhiệm vụ hết sức tham vọng và nguyên tắc.

Một trong những nguyên tắc đó là đa dạng hoá việc mua sắm thiết bị quân sự hoặc nói cách khác, không để hết trứng vào cùng một giỏ, tránh lệ thuộc dù đó là một đất nước hữu hảo, rộng mở và có trách nhiệm như đối tác nhiều năm của Ấn Độ - Liên Bang Nga.

Nguyên tắc thứ hai thường xuyên được thủ tướng Ấn Độ Mohdi công khai tuyên truyền đó là không nên chỉ mua thiết bị quân sự ở nước ngoài, mà cần sản xuất ở các nhà máy trong nước.

Trang bị cho quân đội của mình những hệ thống vũ khí tối tân nhất và đảm bảo chiến đấu, cũng như mua bản quyền và công nghệ để sản xuất tất cả ở các nhà máy của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, dùng cách này để tăng cường và hoàn thiện lĩnh vực công nghiệp quốc phòng nội địa, thiết lập nền tảng để vươn ra thị trường vũ khí quốc tế.

Để hiện thực hoá cả hai nguyên tắc trên, Ấn Độ gặp một số khó khăn nhất định. Họ không gặp nhiều trắc trở khi triển khai nguyên tắc thứ nhất. Một số hợp đồng vũ khí ký với Mỹ và Pháp cũng như Đức, Israel và cả Brazil đã nói lên tất cả.

Tuy nhiên không phải lúc nào việc thực hiện các gói thầu đó cũng đáp ứng được những yêu cầu do phía Ấn Độ đề ra. Ví dụ liên quan tới tiêm kích đa năng Rafale của Pháp là một điển hình.

Như đã biết, người Pháp đã thắng gói thầu cung cấp 126 chiếc máy bay tiêm kích với tổng trị giá lên tới 10 tỷ USD cho Ấn Độ vào năm 2012 với sự tham gia của cả F-16 và F-18 cũng như MiG-35.

Căn cứ vào các điều kiện, bên thắng thầu phải cung cấp một số tiêm kích cho Không quân Ấn Độ từ nhà máy của Pháp, số còn lại, phần lớn, được sản xuất tại Ấn Độ trên cơ sở chuyển giao không chỉ bản quyền mà cả công nghệ.

Nhưng công ty Dassault Aviation, nhà chế tạo Rafale, đã từ chối chuyển giao cả bản quyền lẫn công nghệ. Hơn nữa, họ còn nâng giá chiếc tiêm kích của mình lên gấp 3 lần.

Cho tới nay, dù đã có nhiều cuộc đàm phán giữa Dehli và Paris, dẫn tới sự nhất trí chỉ mua 36 máy bay thay vì 126 như ban đầu, nhưng hiện vẫn chưa có chiếc nào được cung cấp cho Ấn Độ. Các bên chưa thể đạt được thỏa thuận về giá của tiêm kích Rafale.

Tranh cãi xung quanh 1 tỷ USD đang diễn ra. Người Pháp muốn 9 tỷ USD, trong khi Ấn Độ chỉ muốn chi 8 tỷ.

Điều thú vị đó là 40 tiêm kích đa năng Su-30MKI mà Ấn Độ sẽ mua của Nga để bổ sung vào 210 chiếc hiện có trong lực lượng Không quân nước này sẽ được sản xuất trên dây chuyền của Nga đặt tại tập đoàn HAL, lại chỉ mất có 3 tỷ USD.

Đó không phải bán phá giá từ phía Moscow, mà là mức giá dành cho sự hợp tác dài hạn và hai bên cùng có lợi đang diễn ra giữa hai nước trong vòng gần 60 năm qua.


Mặc dù chiến thắng MiG-35 nhưng Ấn Độ hiện vẫn chưa nhận được chiếc Rafale nào từ Pháp

Mặc dù chiến thắng MiG-35 nhưng Ấn Độ hiện vẫn chưa nhận được chiếc Rafale nào từ Pháp

Nguyên tắc cơ bản: Sẵn sàng chuyển giao công nghệ

Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới được đón nhận vào hệ thống hợp tác kỹ thuật quân sự với Ấn Độ theo nguyên tắc “Made in India” do thủ tướng Ấn Độ Mohdi khởi xướng.

Chúng ta đã nhắc tới chiếc tiêm kích đa năng Su-30MKI, nó được chế tạo tại nhà máy Irkut của Nga dành riêng cho Ấn Độ, chữ cái “I” (India) đã nói lên điều đó.

Thêm nữa, dây chuyền sản xuất loại máy bay với hệ thống điện tử của Pháp, Israel và Ấn Độ này được triển khai tại các nhà máy Ấn Độ theo bản quyền và công nghệ của Nga.

Hiện nay, các chuyên gia Ấn Độ chưa hoàn toàn làm chủ được công nghệ, vì thế một phần phụ tùng của Su-30MKI vẫn được cung cấp từ Nga, nhưng mỗi năm tỷ lệ trên sẽ giảm dần và đưa Ấn Độ vào danh sách những cường quốc hàng không dẫn đầu thế giới.

Câu chuyện tương tự cũng liên quan tới xe tăng T-90S. Cỗ máy được thiết kế tại Uralmashzavod, cung cấp cho cả quân đội Nga, nhưng Ấn Độ là nước đầu tiên đặt mua.

Thêm nữa, nước này không chỉ mua xe tăng Vladimir (tên gọi của T-90 trong quân đội Nga), mà còn lắp ráp trong nước theo bản quyền và một phần phụ tùng được phía Nga cung cấp.

Trong quân đội Ấn Độ có khoảng 350 xe tăng T-90S. Có thông tin cho biết Dehli muốn nâng số lượng T-90 lên tới 1.500, dù họ đã 10 năm sản xuất chiếc xe tăng đầy tự hào Arjun của mình.

Nguyên nhân là do Arjun chỉ để tham gia các lễ duyệt binh, còn họ vẫn cần chiếc xe tăng có thể chiến đấu, với Vladimir thì ít đối thủ nào xứng tầm.

Cách đây không lâu, phiến quân IS đã phát tán đoạn video dùng tổ hợp tên lửa chống tăng BGM-71 TOW của Mỹ để bắn vào chiếc T-90S của quân đội Syria.

Đáng lẽ ra chúng không nên làm điều đó, quả tên lửa trúng vào tháp pháo nhưng không gây hư hỏng cho chiếc xe tăng. Cảm ơn những phần tử khủng bố vì đoạn video quảng cáo cho vũ khí Nga, dù tác giả đã hơi đi lạc chủ đề chính.

Nguyên tắc “Made in India” đặc biệt ghi dấu ấn trong tên lửa chống hạm BrahMos, nó được thiết kế dựa trên P-800 Onyx (hoặc Yakhont) của Nga với sự tham gia của các kỹ sư và nhà thiết kế Ấn Độ, được đặt tên theo hai con sông Moskva ở Nga và Brahmaputra ở Ấn Độ.

BrahMos được sản xuất tại các cơ sở thuộc Cơ quan nghiên cứu và chế tạo quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ. Một số phụ tùng do tổ hợp công nghiệp quân sự “NPO Mashinostroenye” sản xuất ở thành phố Reutov (ngoại ô Moscow), còn lại là do DRDO.

Người Ấn Độ trang bị tên lửa này trên các tàu chiến lớp Talwar, tàu ngầm diesel nâng cấp lớp Varshavyanka, sử dụng như tên lửa dành cho hệ thống phòng thủ bờ biển, biên chế cho các máy bay Tu-142 và Il-38SD (tất cả đều do Nga sản xuất).

Hiện nay, đang diễn ra hoạt động thử nghiệm tên lửa thế hệ mới dành cho tiêm kích Su-30MKI. Dehli rất tự hào với sản phẩm này và dự định sẽ cung cấp nó cho các nước thứ ba.


Tên lửa hành trình chống hạm BrahMos - Điểm nhấn trong hợp tác quốc phòng Nga-Ấn

Tên lửa hành trình chống hạm BrahMos - Điểm nhấn trong hợp tác quốc phòng Nga-Ấn

Không thể không đề cập tới tàu sân bay Vikramaditya mang tiêm kích MiG-29K/KUB, được hoán cải dành cho Ấn Độ trên cơ sở tuần dương hạm Đô đốc Gorshkov của Nga.

Chiếc tàu sân bay Vikrant được đóng tại nhà máy ở Ấn Độ và hạ thủy vào năm ngoái cũng được thiết kế tại Phòng Thiết kế Nevsky (Saint Peterburg, Nga).

Gói thầu chế tạo hàng không mẫu hạm mới được mở tại Dehli với sự tham gia của cả Nga, Mỹ và Pháp, nhưng các chuyên gia dự đoán rằng người Ấn Độ sẽ chọn Nga.

Điều đáng nói ở đây chính là việc Nga sẵn sàng cung cấp không chỉ tàu sân bay mà cả công nghệ đóng tàu. Những chuyên gia này nhấn mạnh rằng Mỹ không bao giờ chuyển giao cho ai công nghệ chế tạo của mình.

Tạp chí quân sự danh tiếng Defense News chia sẻ rằng, cách đây không lâu, Dehli và Washington đã thảo luận về khả năng hợp tác để chế tạo tàu sân bay, nhưng các nguồn tin tại Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết không có thỏa thuận nào được ký kết.

Người Pháp cũng gặp những khó khăn tương tự vì không muốn chia sẻ với các Ấn Độ công nghệ chế tạo tiêm kích Rafale, mặc dù đây là một điều khoản trong gói thầu mà Pháp đạt được.

Còn Nga không chỉ sẵn sàng chế tạo tàu sân bay mà còn thiết kế tiêm kích thế hệ thứ 5 phù hợp cho hàng không mẫu hạm. Dự án trên đang được Moscow và Dehli hợp tác nghiên cứu.

Ngoài ra, Ấn Độ đã có tiêm kích MiG-29K mà có thể sẵn sàng triển khai không chỉ trên hàng không mẫu hạm Vikramaditya mà cả trên bất cứ tàu sân bay nào khác của mình.


Tàu ngầm hạt nhân INS Charka (K-152 Nerpa) Ấn Độ thuê của Nga

Tàu ngầm hạt nhân INS Charka (K-152 Nerpa) Ấn Độ thuê của Nga

Nga còn là nước duy nhất trên thế giới cho Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân đa năng K-152 Nerpa (Dự án 971 Shuka-B), người Ấn Độ gọi là Charka. Chiếc tàu ngầm này được coi là “sát thủ tàu sân bay” và có độ ồn thấp nhất trong cùng chủng loại.

Các thủy thủ Ấn Độ sử dụng nó để huấn luyện kinh nghiệm chiến đấu và nghiên cứu khả năng đóng loại tàu này trong nước. Dự kiến Ấn Độ sẽ thuê thêm một chiếc tàu ngầm tương tự hiện đang được đóng mới tại nhà máy Amur (Nga).

Sự hợp tác quý báu trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự của Nga và Ấn Độ có nhiều nguyên do khác nhau.

Thứ nhất, trong vòng 60 năm qua, hai nước chưa có bất đồng nghiêm trọng nào trong mối quan hệ. Hai bên luôn tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Như người ta nói, trong vui buồn vẫn luôn đồng hành cùng nhau, chắc chắn rằng mọi thứ sẽ tiếp tục như vậy.

Và bây giờ, khi phía bên kia đại dương hoặc tại châu Âu đang vang lên những lời nói đầy hậm hực về việc suy giảm hợp tác kỹ thuật quân sự và tình hữu nghị giữa Moscow và Dehli trở thành thứ yếu, thì nước Nga có thể cười vang.

Đúng, Nga có thể không giành được gói thầu này vì nhiều lý do khác nhau, bởi vì Ấn Độ không chỉ mua vũ khí của Nga, để không thiết lập thế độc quyền và sự phụ thuộc vào một đối tác nhập khẩu.

Nhưng điều quan trọng không phải là chiến thắng mà là xu hướng, và nó đang thuộc về mối quan hệ Nga - Ấn hôm nay và tương lai.

Tất cả những ai đang hy vọng rằng mối quan hệ này ở đâu đó, vì lý do nào đó sẽ bị cắt đứt thì nước Nga sẽ trả lời như câu ngạn ngữ: “Đừng có mong!”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại