Sự ra đời của 4 thế hệ xe tăng Nhật Bản

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Nhật Bản đang tăng cường phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng mặt đất.

Tờ VPK (Nga) đăng bài viết nhận định xe tăng chiến đấu chủ lực luôn là nắm đấm hỏa lực không thể thiếu của lục quân. Tuy nhiên, gần đây, các nước Tây Âu và Mỹ gần như không có bất kỳ chương trình phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực mới nào. Ngược lại, khu vực Đông Bắc Á lại có khá nhiều chương trình phát triển xe tăng mới.

Theo báo cáo của Jane's International Defence Review, trong số các dự án phát triển xe tăng mới ở khu vực này đáng chú ý là loại xe tăng chiến đấu chủ lực Type-10 được sản xuất để trang bị cho lực lượng mặt đất của Cục phòng vệ Nhật Bản.

Kể từ sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã phát triển 4 thế hệ xe tăng và Type-10 là thế hệ thứ 4 mới nhất. Thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên được phát triển tại Nhật Bản là Type-61 Kai. Trong giai đoạn 1961-1975, đã có khoảng 560 chiếc được sản xuất.

Xe tăng Type-61 có trọng lượng chiến đấu khoảng 35 tấn, nó được trang bị pháo chính 90mm. Type-61 có thể so sánh được với xe tăng M47 của Mỹ và các xe tăng hạng trung hiện đại ở thời điểm đó. Tuy nhiên, thiết kế xe có một số điểm khá yếu như thiếu hệ thống NBC, không có thiết bị lội nước.

Thế hệ xe tăng thứ 2 của Nhật Bản được phát triển vào khoảng những năm 1960, đó là loại Type-74 với trọng lượng chiến đấu khoảng 38 tấn, trang bị pháo chính nòng xoắn L7 105mm. Thông số kỹ thuật của Type-74 có thể so sánh được với Leopard-1 của Đức. Nó đã được cải thiện đáng kể so với người tiền nhiệm Type-61.

Type-61 xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ đầu tiên của Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Type-61 là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ đầu tiên của Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Những chiếc xe tăng Type-74 cuối cùng được sản xuất năm 1989 nhưng trong khoảng thời gian đó, các nước trên thế giới đã cho ra đời nhiều loại xe tăng hiện đại hơn. Như một kết quả tất yếu, quân đội Nhật Bản đã yêu cầu một xe tăng mạnh mẽ hơn và họ đã bắt đầu phát triển xe tăng thế hệ thứ 3 Type-90 Kyumaru.

Được đưa vào hoạt động từ những năm 1990, Type-90 là xe tăng tiên tiến nhất của Nhật Bản và tương đương với các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại khác. Đặc biệt, tương tự như các xe tăng phương Tây, nó đã được trang bị pháo chính 120mm nòng trơn Rheinmetall L44 (trang bị cho Leopard-2 và M1A2 Abrams).

Pháo này được sản xuất theo giấy phép của Đức tại công ty Japan Steel Works. Pháo chính sử dụng hệ thống nạp đạn tự động nằm phía sau tháp pháo. Thiết kế này thậm chí còn đi trước 1-2 năm so với hệ thống tương tự được áp dụng cho xe tăng Leclerc của Pháp.

Type-90 cũng cạnh tranh với Merkava của Israel để trở thành những chiếc xe tăng đầu tiên được trang bị hệ thống theo dõi mục tiêu tự động trong hệ thống quản lý chiến đấu.

Type-10, xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 4 hiện đại nhất của Nhật Bản.
Type-10, xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 4 hiện đại nhất của Nhật Bản.

Có một số ví dụ khác cho thấy Type-90 không chỉ có tính năng kỹ thuật tương đương thậm chí còn tốt hơn so với các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại khác. Đầu tiên là hệ thống treo thủy lực đặc biệt có thể điều chỉnh theo địa hình, tiếp đến là động cơ diesel 2 thì 10 xi lanh công suất 1.500 mã lực. Tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng lên đến 30 mã lực/tấn (mạnh hơn bất kỳ xe tăng nào khác) đảm bảo một khả năng cơ động rất cao.

Tuy nhiên, nhược điểm của Type-90 là khối lượng chiến đấu lên đến 50 tấn, mặc dù xe tăng này không phải là quá nặng so với các xe tăng khác cùng thời nhưng khối lượng chiến đấu này được chứng minh là không phù hợp với hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt của Nhật Bản. Điều đó làm hạn chế khả năng di chuyển chiến lược cũng như di chuyển đến các khu vực chiến sự. Như vậy, trong một số trường hợp, xe tăng Type-90 không thể di chuyển trên các con đường ở Nhật Bản.

Dựa trên những kinh nghiệm có được, Nhật Bản đã quyết định phát triển một xe tăng chiến đấu chủ lực mới với đặc tính kỹ chiến thuật tương tự Type-90 nhưng cơ động hơn. Quá trình nghiên cứu, phát triển xe tăng mới được bắt đầu từ năm 2000 và đến năm 2008, mẫu thử nghiệm được hoàn thành.

4 năm sau khi mẫu thử nghiệm được thuyết trình, Mitsubishi Heavy Industries đã nhận được đơn hàng sản xuất một lô 13 chiếc. Hiện nay số lượng sản xuất của Type-10 không được tiết lộ. Người ta tin rằng, Type-10 sẽ thay thế cho Type-74 và một số Type-90. Dự kiến tổng số xe tăng của quân đội Nhật Bản sẽ giữ ở mức khoảng 300 chiếc.

Về cơ bản, Type-10 có thể mô tả như là bản thu nhỏ và cải tiến của Type-90. Nó được trang bị pháo chính 120mm với hệ thống nạp đạn tự động phía sau tháp pháo, ê kip chiến đấu 3 người. Type-10 cũng có hệ thống treo đặc biệt có thể điều chỉnh cùng một động cơ hiện đại hơn mặc dù không mạnh mẽ bằng với động cơ 4 thì 8 xi lanh công suất 1.200 mã lực.

Xe chiến đấu bộ binh MCV là công cụ chi viện hỏa lực mạnh mẽ của lực lượng mặt đất Nhật Bản trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Xe chiến đấu bộ binh MCV là công cụ chi viện hỏa lực mạnh mẽ của lực lượng mặt đất Nhật Bản trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cải tiến khác bao gồm kính ngắm toàn cảnh cho chỉ huy được di chuyển ra phía sau, bổ sung các thiết bị quan sát xung quanh tháp pháo, trang bị hệ thống thông tin liên lạc và điều khiển hiện đại nhất. Khả năng bảo vệ của Type-10 tương đương với Type-90 và còn được trang bị loại giáp nano tinh thể thép mới nhất.

Type-10 có một thiết kế module cho phép thay đổi trọng lượng chiến đấu từ 40-48 tấn. Bên cạnh đó, để giảm trọng lượng, xe được nhất trí sử dụng hệ thống giáp nhẹ, bằng cách sử dụng 5 bánh cao su truyền động mỗi bên thay vì 6 bánh như trên Type-90 làm cho trọng lượng của nó tiếp tục giảm.

Sự phát triển của xe tăng Type-10 đã tạo động lực cho việc phát triển một xe chiến đấu bộ binh bánh lốp. Loại xe mới được chỉ định MCV Kidon 8x8 bánh có cấu hình này nhẹ hơn bất cứ xe tăng nào của Nhật Bản và có thể nhanh chóng được triển khai trên nhiều khu vực khác nhau hay vận chuyển bằng máy bay Kawasaki C-2.

Sự phát triển của MCV được bắt đầu từ năm 2008 và vào năm 2013, Viện nghiên cứu và phát triển của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã giới thiệu 4 mẫu thử nghiệm. Mẫu thử nghiệm MCV vẫn đang trải qua quá trình thử nghiệm thêm và dự kiến sẽ đi vào trang bị từ năm 2016.

Xe chiến đấu bộ binh MCV có trọng lượng chiến đấu khoảng 26 tấn, được trang bị pháo chính L7 105mm, ê kíp chiến đấu 4 người. Xe được trang bị động cơ diesel công suất 750 mã lực, cho phép đạt tốc độ tối đa 100km/h.

MCV được triển khai để cung cấp hỏa lực yểm trợ cho bộ binh, trọng lượng nhẹ là một lợi thế cho phép nó triển khai đến các khu vực chiến sự bằng đường không.

Xe tăng Type 10 của Nhật Bản

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại