Su-34 Việt Nam sẽ mua đã được đặt hàng bao nhiêu chiếc?

Bình Nguyên |

Việt Nam sẽ mua tiêm kích bom đa năng Su-34 - dòng máy bay hiện đại nhưng cũng khá gian truân kể từ khi hình thành ý tưởng cho đến lúc được chấp nhận đưa vào trang bị.

"Thủ mỏ vịt" là ca đẻ khó!

Được phát triển từ giữa thập kỷ 1980, nhưng phải gần 30 năm sau, ngày 20/3/2014, dòng máy bay tiêm kích bom đa năng tầm trung Su-34 tiên tiến mới chính thức được Không quân Nga chấp nhận đưa vào trang bị và đến năm 2020, dự kiến sẽ nhận được khoảng 200 chiếc.

Ban đầu nó được đặt tên là Su-27IB (Istrebitel Bombardirovschik/ Tiêm kích bom), bởi vì phát triển từ máy bay tiêm kích/huấn luyện 2 người lái Su-27UB, với nhiệm vụ là dòng máy bay ném bom chiến thuật chuyên nhiệm.

Tuy nhiên, đầu những năm 1990, khi mà dòng máy bay ném bom chiến thuật mới được Viện thiết kế Sukhoi định danh là Т-10V đã tương đối hoàn thiện thì Liên bang Xô Viết sụp đổ, ngân sách dành cho việc phát triển dòng máy bay này bị hạn chế rất nhiều.

Dù vậy, chiếc máy bay thử nghiệm đầu tiên (T-10V-1) đã kịp cất cánh vào ngày 13/4/1990 dưới sự điều khiển của phi công А. А. Ivanov. Phải tới năm 1994, chiếc T-10V-5 - mẫu thử hoàn thiện nhất trước khi sản xuất loạt mới cất cánh lần đầu tiên.

Ngay khi một trong các mẫu chế thử được đặt tên là Su-32FN (Fighter - Chiến đấu, Navy - Hải quân) xuất hiện tại Triển lãm Paris Air Show (Pháp) năm 1995, nó đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của tất cả quan chức, chuyên gia quân sự và khách thăm quan.

Trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, từ Su-27IB, Su-32FN cho tới Su-34MF (Mnogo Funksionalniy - Đa năng), cuối cùng, mãi tới đầu những năm 2000, dòng máy bay tiêm kích bom này mới chính thức được "chốt" với tên gọi Su-34. NATO định danh cho nó là FullBack.

Đúng 21 năm sau khi bay thử lần đầu tiên, Su-34 mới chính thức hoàn thành và Biên bản đánh giá kết thúc thử nghiệm cấp Nhà nước ký năm 2011 đã kết luận Su-34 "dùng được". Sau đó Không quân Nga chính thức chấp nhận đưa Su-34 vào trang bị.

Biên đội Su-34 của Không quân Nga

Như vậy có thể thấy hành trình phát triển của Su-34 không hề dễ dàng, nếu ví đây như một "ca đẻ khó" cũng không hề quá đáng. Gần tròn 30 năm kể từ khi phê duyệt kế hoạch phát triển nó mới được chính thức chấp nhận đưa vào trang bị.

Đến nay, Su-34 đã trở thành "quả ngọt" đối với Sukhoi khi nhận được nhiều đơn hàng từ Bộ quốc phòng Nga và sự quan tâm của các khách hàng, trong đó có Việt Nam mà như báo cáo của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Ukroboronprom (Ukraine) đã đề cập.

Tại Lễ tốt nghiệp Kỹ sư Kỹ thuật hàng không, Thiếu tướng Trần Văn Thanh - Giám đốc Học viện PK-KQ đã động viên các sĩ quan nỗ lực học hỏi để làm chủ những máy bay hiện đại hơn Su-30MK2. Do vậy, rất có thể Su-30SM và Su-34 sẽ là những loại máy bay mới của Việt Nam.

Thiếu tướng, PGS - TS Trần Văn Thanh, Giám đốc Học viện phát biểu giao nhiệm vụ cho học viên

Thiếu tướng, PGS - TS Trần Văn Thanh, Giám đốc Học viện PK-KQ phát biểu giao nhiệm vụ cho học viên

Có bao nhiêu chiếc Su-34 đã được đặt hàng?

Mặc dù phải tới tận năm 2014, Su-34 mới được chấp nhận đưa vào trang bị trong Không quân Nga, nhưng nó đã được hãng Sukhoi sản xuất loạt trước cả khi Bộ Quốc phòng Nga chính thức đặt hàng. Cụ thể:

Lô đầu tiên gồm 8 chiếc Su-32 đã được Nhà máy Novosibirsk hoàn thành vào năm 2008. Tháng 3/2006, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là Sergei Ivanov tuyên bố đặt mua 5 chiếc Su-34 thuộc lô tiền sản xuất loạt đầu tiên để bàn giao cho Không quân Nga.

Ông nói rằng nhờ khả năng chiến đấu cực tốt nên số lượng Su-34 được đặt mua sẽ thấp hơn nhiều con số 300 chiếc Su-24 cần được thay thế. Tháng 12/2006, Bộ quốc phòng Nga hé lộ rằng sẽ có khoảng 200 chiếc Su-34 được đưa vào biên chế tới năm 2020.

Cuối năm 2008, hợp đồng mua Su-34 thứ hai đã được ký giữa Bộ quốc phòng Nga với Hãng Sukhoi. Theo đó, 32 chiếc Su-34 trị giá 33,6 tỷ Rúp đã được đặt mua. Theo tỷ giá lúc bấy giờ, mỗi chiếc Su-34 có giá khoảng 36 triệu USD.

Mất tròn 5 năm kể từ khi ký, chiếc Su-34 cuối cùng theo hợp đồng này mới được Sukhoi chuyển giao cho Không quân Nga.

Năm 2012, hợp đồng mua Su-34 thứ ba đã được ký với tổng số 92 chiếc. Hiện nay, bình quân mỗi năm Sukhoi sản xuất và bàn giao 18 - 20 chiếc Su-34 cho Không quân Nga. Trong đó, năm 2014 đã bàn giao được 18 chiếc, năm 2015 dự kiến là 20 chiếc.

Tổng số máy bay Su-34 đã được Bộ quốc phòng Nga đặt mua theo 3 hợp đồng nói trên là 129 chiếc.

Ngoài ra, còn có 8 chiếc Su-32/34 đầu tiên do Sukhoi sản xuất, không rõ có bao nhiêu chiếc đã được bàn giao cho Không quân Nga, nhưng nhiều khả năng chúng được giữ lại nhằm phục vụ công tác thử nghiệm.

Mặc dù thiên về khả năng đánh đất nhiều hơn, nhưng Su-34 có khả năng không chiến và thao diễn không hề thua kém các loại máy bay tiêm kích đa năng

Mặc dù thiên về khả năng đánh đất nhiều hơn, nhưng Su-34 có khả năng không chiến và thao diễn không hề thua kém các loại máy bay tiêm kích đa năng

Trong khi dòng Su-24 đã cũ, liên tiếp gặp sự cố trong thời gian gần đây, cộng với tiến độ nâng cấp, hiện đại hóa khá chậm chạp, rất có thể Bộ quốc phòng Nga sẽ ký thêm các hợp đồng mua Su-34 để đưa tổng số lên 200 chiếc vào năm 2020 như đã dự kiến.

Trong chuyến thăm Nhà máy Novosibirsk đầu năm 2015, cựu Tư lệnh Không quân Nga Vladimir Mikhaylov (2002 - 2007) cho biết: Su-34 có tiềm năng rất lớn.

Bởi lẽ, nó kế thừa và tích hợp được những điểm mạnh nhất của hầu hết các loại máy bay tiêm kích và tiêm kích bom hiện có trên thế giới, chất lượng và thiết thực, đáp ứng được mọi yêu cầu của một máy bay tiêm kích bom tiền tuyến.

Su-34 vượt trội về sự linh hoạt cũng như tính đa năng, vừa ném bom, vừa làm tiêm kích đánh chặn, có tầm bay xa. So với các tiêm kích đa năng, nó hơn đứt về khả năng tấn công mặt đất, so với các tiêm kích bom thì lại hơn hẳn ở khả năng tác chiến đối không, đối hạm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại