Số long đong của tàu sân bay lớn nhất châu Âu diệt IS

Hải Vy |

Theo nhà phân tích Dave Majumdar, tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp đã trải qua một chặng đường phát triển vô cùng gian nan.

Tàu sân bay hạt nhân Charles De Gaulle (R91) là xương sống của Hải quân Pháp. Đây là chiếc tàu sân bay duy nhất của Pháp và là tàu sân bay lớn nhất châu Âu hiện nay.

Con tàu với lượng giãn nước 42.500 tấn sẽ đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến của Pháp nhằm vào mạng lưới khủng bố IS tại Syria và Iraq sau thảm kịch Paris tối 13/11.

Theo nhà phân tích Dave Majumdar của tạp chí National Interest (Mỹ), Charles De Gaulle tỏ ra là một chiến hạm có khả năng tác chiến khá tốt với lực lượng không quân trên hạm tương đối mạnh.

Trên lý thuyết, con tàu có thể mang tối đa 40 máy bay, gồm các chiến đấu cơ Dassault Rafale M, máy bay tiêm kích tấn công Étendard Modernisé, máy bay cảnh báo sớm E-2C Haweyes và nhiều trực thăng.

Tuy nhiên, Charles De Gaulle đã trải qua một chặng đường khó khăn để đạt được khả năng toàn diện.


Pháp đã điều tàu Charles De Gaulle hỗ trợ diệt IS ở Syria.

Pháp đã điều tàu Charles De Gaulle hỗ trợ diệt IS ở Syria.

Quá trình chế tạo tàu Charles De Gaulle bị đội chi phí rất lớn và đã nhiều lần phải trì hoãn. Công tác thi công bị đình lại 4 lần.

Ngay cả khi đã hoàn thiện, con tàu vẫn gặp vô số khó khăn. Người ta phát hiện thấy nồng độ phóng xạ trên tàu vượt mức cho phép. Đó là do quá trình chế tạo kéo dài quá lâu nên đến khi tàu được hoàn thiện thì các tiêu chuẩn an toàn đã có nhiều thay đổi.

Ngoài ra, boong tàu cần mở rộng thêm khoảng 4m để đủ chỗ cho các máy bay Hawkeye. Ban đầu, tàu Charles De Gaulle chỉ được thiết kế để triển khai và thu hồi các máy bay Super Étendard Modernisé, Rafale, cùng các tiêm kích F/A-18C/D của Hải quân Mỹ.

Yêu cầu bổ sung các máy bay Hawkeye được đưa ra vào năm 1992, đòi hỏi con tàu phải nâng cấp để đáp ứng.


Máy bay chiến đấu Rafale trên tàu Charles De Gaulle.

Máy bay chiến đấu Rafale trên tàu Charles De Gaulle.

Charles De Gaulle còn gặp phải nhiều vấn đề lớn với hệ thống đẩy trong giai đoạn đầu hoạt động. Con tàu có độ rung lắc lớn khi di chuyển và có lần, chân vịt của tàu đã bị gãy. Sự cố này sau đó được quy cho lỗi sản xuất.

Tệ hơn cả là bản thiết kế chân vịt của tàu đã mất trong một vụ hỏa hoạn, khiến nó phải sử dụng chân vịt cũ của tàu sân bay Foch và Clemenceau.

Điều đó khiến tốc độ của tàu Charles De Gaulle đã chậm lại càng chậm hơn (từ 27 hải lý/h xuống còn 24 hải lý/h). Trước đó, nó đã bị chê là có tốc độ thấp hơn đáng kể so với các tàu tiền nhiệm (tốc độ 32 hải lý/h).

Mãi tới năm 2007, con tàu mới được thay chân vịt mới.

So với các tàu sân bay thông thường và các tàu tiền nhiệm, Charles De Gaulle có lợi thế là không cần hỗ trợ hậu cần nhiều do sử dụng động cơ hạt nhân. Tuy nhiên, lò phản ứng hạt nhân trên tàu phải được nạp nhiên liệu 7 năm một lần.

Trong khi đó, tàu sân bay Mỹ chỉ cần nạp nhiên liệu 1 lần duy nhất trong suốt tuổi thọ hoạt động dài 50 năm.

Chương trình nâng cấp đã bổ sung thêm nhiều cải tiến cho phép chiếc tàu Pháp phát huy được sức mạnh toàn diện. Nhưng sau đó, tới năm 2010, Charles De Gaulle lại gặp phải sự cố về điện trong hệ thống đẩy, khiến con tàu phải rút ngắn đợt triển khai.

Charles De Gaulle không thể sánh bằng tàu sân bay lớp Ford hay lớp Nimitz của Mỹ do nó có kích cỡ chưa bằng một nửa so với các tàu Mỹ và cũng không có boong tàu đủ rộng để mang theo nhiều máy bay hay triển khai – thu hồi nhiều máy bay cùng lúc.

Bù lại, con tàu có thể mang tối đa 40 máy bay và chúng có thể tiến hành 100 lượt xuất kích mỗi ngày. Song đó là sức mang tối đa trên lý thuyết, còn trên thực tế, Charles De Gaulle không mang theo nhiều máy bay như vậy cùng một lúc.

Vai trò chính của nó là mang lại cho Pháp khả năng triển khai sức mạnh chiến lược một cách độc lập. Đây là mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách quốc phòng của Paris.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại