SIGMA 9814 và Steregushchy Dự án 20382 - Ai mạnh hơn?

Phi Yến |

Steregushchy Dự án 20382 và SIGMA 9814 là 2 lớp tàu tên lửa 2000 tấn tiên tiến nhất của Nga và châu Âu vào thời điểm hiện tại, chúng đều có cơ hội sẽ xuất hiện trong biên chế HQVN.

Thông số cơ bản

SIGMA 9814 có kích thước dài (m) x rộng (m) x mớn nước (m) là 99,91 x 14,02 x 3,75; lượng giãn nước đầy tải 2.150 tấn.

Tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9813

Tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9813

Trong khi đó kích thước của Steregushchy Dự án 20382 (Tigr) là 104,5 x 11,6 x 3,7 m; lượng giãn nước đầy tải 2.200 tấn.

Tàu hộ vệ tên lửa Steregushchy Dự án 20380

Như vậy cả SIGMA 9814 và Steregushchy Dự án 20382 đều có thể xếp vào nhóm "Heavy corvette" hoặc "Light frigate". Khả năng tàng hình của chúng cũng được đánh giá cao do là những thiết kế mới nhất, rất chú trọng đến việc giảm diện tích phản xạ radar.

Hệ thống điện tử

SIGMA 9814 trang bị radar tìm kiếm mục tiêu SMART-S MK2 và hệ thống điều khiển hỏa lực STING EO MK2 do hãng Thales Netherlands phát triển.

Radar SMART-S MK2 làm việc trên băng tần S, có tầm hoạt động tối đa lên tới 250 km nếu anten quay với tốc độ 13,5 vòng/phút; hoặc 150 km nếu quay với tốc độ 27 vòng/phút, theo dõi 500 mục tiêu (trên không và trên biển), bám bắt 3 mục tiêu cùng lúc cho tên lửa tiêu diệt.

Radar kiểm soát hỏa lực STING EO MK2 tích hợp việc chỉ huy hỏa lực cho cả pháo và tên lửa đối hạm, có độ linh hoạt cao và thời gian phản ứng cực nhanh.

SMART-S MK2 và STING EO MK2 mang lại cho SIGMA 9814 năng lực tác chiến vượt trội

Trong khi đó phiên bản Steregushchy Dự án 20382 chỉ được Nga trang bị radar tìm kiếm mục tiêu Furke-E có tầm hoạt động 110 km, đây là biến thể xuất khẩu dựa trên Furke 2 với tính năng đã bị cắt giảm.

Điều đáng nói là ngay cả radar Furke 2 vẫn bị Hải quân Nga phàn nàn rất nhiều về độ tin cậy, không đảm bảo độ chính xác khi dẫn bắn tên lửa 9M96.

Ngoài ra, do đặc trưng của tàu chiến Nga là mỗi loại vũ khí lại có một radar dẫn bắn riêng, dẫn đến việc Tigr phải mang cả radar Garpun Bal để dẫn bắn tên lửa chống hạm và 5P-10E Puma để kiểm soát hỏa lực pháo, nên mức độ cồng kềnh cao và kém linh hoạt hơn STING EO MK2.

Radar Furke-E bị coi là điểm yếu lớn của khinh hạm lớp Steregushchy

Hỏa lực chống tàu mặt nước

SIGMA 9814 được trang bị 8 tên lửa đối hạm Exocet MM40 Block 3 có tầm bắn 180 km, mang đầu đạn bán xuyên giáp nặng 155 kg, vận tốc Mach 0,92 so với 8 tên lửa Uran-E trang bị trên Steregushchy Dự án 20382 chỉ có tầm bắn 130 km, đầu đạn 145 kg và vận tốc Mach 0,8.

Đặc biệt hơn, Exocet là loại tên lửa đã trải qua thực tế chiến đấu và lập được rất nhiều chiến công trong khi Uran-E thì chưa từng thực chiến.

Tên lửa chống hạm Exocet và Uran-E

Tên lửa chống hạm Exocet có nhiều ưu điểm hơn Uran-E

Pháo hạm của SIGMA 9814 là Oto Melara Super Rapid cỡ 76,2 mm có tốc độ bắn 120 phát/phút, tầm bắn tối đa 16 km với đạn thường hoặc lên tới 40 km với đạn Vulcano. Trong khi đó, Tigr được trang bị pháo hạm A-190E cỡ 100 mm có tốc độ bắn 80 phát/phút, tầm bắn 20 km.

Có thể thấy pháo A-190E có uy lực sát thương lớn hơn và tầm bắn xa hơn với đạn thường, nhưng lại không có đạn đặc biệt nối tầm với độ chính xác cao như Oto Melara Super Rapid.

Pháo Oto Melara Super Rapid 76,2 mm và A-190E 100 mm có những điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình
Pháo Oto Melara Super Rapid 76,2 mm và A-190E 100 mm có những điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình

Hỏa lực phòng không

SIGMA 9814 được trang bị 12 tên lửa phòng không VL-MICA chứa trong hệ thống phóng thẳng đứng bố trí ngay phía sau ụ pháo Oto Melara. Tên lửa VL-MICA có tầm bắn hiệu quả 10 km và tối đa 20 km, vận tốc Mach 3, mang đầu đạn nặng 12 kg và khả năng chịu quá tải 50G.

VL-MICA có thể được trang bị đầu dò radar chủ động (VL-MICA-RF) hoặc đầu dò hồng ngoại (VL-MICA-IR). Trong tác chiến, tên lửa nhận lệnh trực tiếp từ hệ thống quản lý chiến đấu của tàu, có khả năng bao quát 360o và không cần bất kỳ hệ thống theo dõi, chiếu xạ hay dẫn đường nào.

So với VL-MICA, tên lửa 9M311 của hệ thống Kashtan trên Tigr chỉ có tầm bắn 8 km, mang đầu đạn 9 kg, được dẫn đường bằng sóng radio từ radar điều khiển của chính Kashtan. Loại tên lửa này không được đánh giá cao như VL-MICA.

VL-MICA có ưu thế rõ rệt so với 9M311

VL-MICA có ưu thế rõ rệt so với 9M311

Tuy nhiên trong trường hợp khách hàng nước ngoài không lựa chọn cấu hình chuẩn của Dự án 20382 mà đề nghị lắp đặt hệ thống tên lửa phòng không Shtil-1 với đạn tên lửa 9M317 có tầm bắn 50 km thì ưu thế phòng không lại thuộc về Tigr.

Ngoài tên lửa, SIGMA 9814 chỉ có thêm pháo tự động MARLIN-WS cỡ 20 mm trong khi Tigr lại có 2 pháo bắn nhanh AK-630M kết hợp với 2 pháo AO-18KD của hệ thống Kashtan tạo thành hệ thống CIWS rất hoàn chỉnh, có ưu thế hơn khi đánh chặn tên lửa đối hạm bay bám biển.

MARLIN-WS yếu thế hơn nhiều khi đứng cạnh AK-630M
MARLIN-WS yếu thế hơn nhiều khi đứng cạnh AK-630M

Năng lực chống ngầm

SIGMA 9814 dự kiến được trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) UMS 4132 Kingklip ASW của Thales cùng ngư lôi 324 mm MU-90 Impact, cho khả năng chống tàu ngầm ở cự ly lên tới 23 km, độ sâu đạt tới 1.000 m.

Sonar trên Steregushchy Dự án 20382 là Zarya-ME kết hợp với tổ hợp ngư lôi chống ngầm Paket-NK/E cỡ 330 mm. Hiện vẫn chưa có thông số rõ ràng về loại ngư lôi trang bị cho Tigr nên chưa thể đưa ra so sánh chính xác.

Đánh giá chung

Sau khi điểm qua một vài thông số tính năng cơ bản và các loại vũ khí trang bị cho 2 lớp chiến hạm trên có thể thấy SIGMA 9814 đang nắm giữ nhiều lợi thế hơn khi so sánh với Steregushchy Dự án 20382.

Ngoài ra, một ưu thế khác của SIGMA 9814 là tàu được đóng theo công nghệ module rất tiên tiến, có tính tùy biến cao hơn hẳn phương thức đóng theo tổng đoạn truyền thống của Tigr.

Nhược điểm đáng nói đến nhất của SIGMA 9814 xuất phát từ nguồn gốc "Liên hợp quốc" của con tàu, buộc quốc gia có ý định mua sắm sẽ phải đàm phán với rất nhiều đối tác, bên cạnh đó đơn giá vào khoảng trên 250 triệu USD, cao hơn rất nhiều con số 175 triệu USD của Tigr.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại