Công khai coi Nga là mối đe dọa
Cựu Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tướng Raymond Odierno cho rằng: "Nga hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ và có những lợi thế nhất định trong các hoạt động phức tạp ở Ukraine.
Để giải quyết vấn đề này, theo tướng Raymond Odierno, cần thiết phải mở rộng khả năng quân sự của lực lượng quân sự thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Âu.
“Chúng ta phải tiếp tục định hướng lại hoạt động quân sự của NATO ở khu vực này”, tướng Mỹ nhấn mạnh.
Trước đó, Tướng thủy quân lục chiến Mỹ Joseph Dunford cũng từng đưa ra nhận định Nga là mối đe dọa chính đối với an ninh của Mỹ.
Theo vị tướng này, Nga có đủ kho vũ khí hạt nhân để đe dọa chủ quyền của Mỹ cũng như các quốc gia đồng minh.
Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah James cũng đồng quan điểm và khẳng định Mỹ phải tăng cường hiện diện quân sự khắp châu Âu.
Trong Chiến lược quân sự quốc gia 2015 của Mỹ công bố hồi tháng 7/2015 chỉ rõ, Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa chính cho an ninh của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thì cho rằng, "chúng tôi (Mỹ, NATO) đang tạo lập “luật chơi mới” trong NATO nhằm tăng cường trách nhiệm, củng cố đồng minh để giải quyết các vấn đề quốc tế".
Ông cũng tuyên bố, Mỹ sẽ tác động đến Nga bằng các biện pháp kinh tế và chính trị liên quan đến tình hình ở Ukraine.
Trên thực tế, Mỹ đã cùng với các quốc gia thành viên khác trong khối NATO đưa binh sĩ, vũ khí tới sát biên giới với Nga. Đặc biệt, Ba Lan mới đây thông báo, các thiết bị quân sự của Mỹ sẽ được chuyển đến miền tây và đông bắc của nước này vào giữa năm 2016.
Một quan chức Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters từ hồi tháng 6/2015 rằng, Lầu Năm Góc sẽ chuyển tới đây các xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và nhiều vũ khí hạng nặng khác để cho hơn 5.000 binh lính sử dụng.
Chiến tranh lạnh và quả bom "thảm họa"
Tên lửa đạn đạo chiến thuật có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander của Nga
Washington đang hướng đến một cuộc chiến tranh lạnh mới với Moscow, liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ quên rằng Nga đang sở hữu một kho vũ khí hạt nhân lớn và có thể triển khai ngay lập tức, nhà phân tích Polk cho biết.
“Quyết định về vũ khí hạt nhân sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong kế hoạch duy trì tình hình an ninh thế giới, và chỉ cần một sai lầm nhỏ đến từ bất cứ bên nào đều là thảm họa.
Nhưng Mỹ ngày càng di chuyển gần hơn đối với việc khiêu khích sử dụng chúng, đặc biệt là trong chính sách liên quan đến Nga”, các phương tiện truyền thông dẫn lời.
Theo cựu cố vấn Mỹ, người từng phục vụ trong Hội đồng hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao nước này trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, sự bế tắc kéo dài 13 ngày giữa Mỹ và Liên Xô đã mang đến một thử thách khủng khiếp cho cả hai bên.
Cuộc khủng hoảng không những ảnh hưởng đến 2 cường quốc, mà còn quyết định số phận thế giới vào thời điểm đó.
“Tôi nhớ rằng, nó như một tập phim khủng khiếp, nhưng may mắn chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Sau này, khi gặp các đối tác Liên Xô, tôi biết được đó không phải là cảm nhận của riêng mình,” ông Polk kể lại.
Ngoài mối quan hệ giữa các nước có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân, ông Polk lưu ý rằng những sai lầm kỹ thuật cũng mang lại thảm họa.
Trên thực tế, một quả bom hạt nhân trước đó đã rơi trên đất Mỹ, bởi một máy bay ném bom của không quân nước này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. May mắn thay, quả bom không phát nổ do cơ chế kích hoạt gặp vấn đề.
“Trong nhiều năm qua, như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara cho biết, chúng tôi đang có ít nhất 500 tên lửa trang bị vũ khí hạt nhân sẵn sàng kích hoạt ở châu Âu.
Tuy nhiên, khi các căn cứ chứa vũ khí hạt nhân nằm trên một khu vực rộng lớn và liên tục thay đổi nhân sự, rõ ràng là ngay cả cơ chế tốt nhất cũng không thể kiểm soát hoàn toàn mọi hoạt động. Điều này tạo ra mối nguy tiềm ẩn cho các nước,” ông Polk cảnh báo.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, giới tướng lĩnh “diều hâu” ở Washington không hề nhận ra sự nguy hiểm gây ra bởi vũ khí hạt nhân hay một cuộc khủng hoảng tương tự trên thế giới.
“Mỹ đang tiến gần hơn cho một cuộc đối đầu trực diện với Nga, liên quan đến cuộc tình hình tại Ukraine.
Mặc dù Moscow không quá mạnh như trước đây, nhưng quốc gia này vẫn có một kho vũ khí hạt nhân lớn. Do đó, Mỹ và NATO phải cân nhắc mọi hoạt động của mình”, hãng tin Sputnik dẫn lời.
Mỹ, NATO nên cẩn trọng
Thông điệp mà Nga muốn nói với Mỹ và NATO đã được đưa ra hồi đầu tháng 4 vừa qua.
Trong buổi gặp mặt với các chuyên viên của Mỹ tại Đức hồi tháng trước, Moscow thẳng thừng "hàng loạt các biện pháp từ phi quân sự đến sử dụng vũ khí hạt nhân" sẽ được sử dụng nếu như NATO triển khai thêm quân tại các quốc gia Baltic như Lithuania, Latvia hay Estonia.
Các nước Baltic (cũng gọi là các quốc gia Baltic) thường được dùng để chỉ các lãnh thổ ở phía đông của biển Baltic đã giành được độc lập từ đế quốc Nga trong giai đoạn náo động của Thế chiến thứ nhất. Hiện nay, Nga được cho là đang hướng đến khu vực này nhiều hơn.
Ngày 16/6 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga bổ sung hơn 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân trong năm nay. Đây là một phần trong chương trình hiện đại hóa quân đội toàn diện của Nga.
Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Mỹ tuyên bố đưa xe tăng cùng vũ khí hạng nặng đến các quốc gia NATO có chung biên giới với Nga ở Đông Âu. Moscow lên án đây là hành động hung hăng nhất của Washington kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Toàn thế giới hiện nay sở hữu khoảng 17.300 đầu đạn hạt nhân, trong đó Nga đứng đầu thế giới với khoảng 8.500 đầu đạn.
Nga có 326 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân với 1.050 đầu đạn; 72 chiếc Tu-160 và Tu-95MS - các máy bay ném bom có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân với biên chế 810 đầu đạn.