"Sát thủ" mới trên chiến hạm Nga
Cơ quan báo chí của Hải quân Nga tiết lộ, trong một đợt tập trận hồi đầu năm 2015, Hải quân Nga đã âm thầm thử nghiệm mẫu ngư lôi chống ngầm Paket-NK từ tàu hộ vệ tàng hình Boiky thuộc Project 2038,1 lớp Steregushchiy.
Trong đợt tập trận chống ngầm nói trên còn có sự tham gia của tàu hộ vệ lớp Parchim, tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo thuộc Dự án 877 và một trực thăng săn ngầm Kamov Ka-27 ASW.
Theo những thông tin được công khai, Paket-NK là một trong những mẫu ngư lôi chống ngầm thế hệ mới được Hải quân Nga giới thiệu cách đây không lâu và đây là lần đầu tiên Paket-NK được phóng thử nghiệm từ một tàu chiến của Hải quân Nga.
Theo đó, ngoài khả năng tấn công các mục tiêu là tàu ngầm ngư lôi Paket-NK còn có thể tiêu diệt lực lượng tàu nổi của đối phương.
Ngư lôi chống ngầm Paket-NK được phóng đi từ tàu hộ vệ Boiky.
Để hủy diệt mục tiêu với độ chính xác cao, Paket-NK được trang bị hệ thống dẫn đường bao gồm hệ thống định vị mục tiêu bằng thủy âm hoặc tự dẫn.
Theo đó, nó có thể hoạt động độc lập sau khi phóng hoặc được dẫn đường bằng hệ thống quản lý tác chiến (CMS) trên các tàu săn ngầm của Hải quân Nga.
Khi được được dẫn đường bằng CMS, Paket-NK có thể tấn công chính xác mục tiêu cũng như phân biệt được địch-ta nhờ một hệ thống nhận diện.
Paket-NK có thông so khá ấn tượng với đường kính 324 mm, dài hơn 3 m với trọng lượng khoảng 385 kg và có thể mang theo một đầu đạn 70 kg thuốc nổ TNT, nó có tốc độ tối đa lên tới 50 hải lý/h với tầm bắn hiệu quả hơn 10,5 km.
Hiện tại Paket-NK là ứng cử viên sáng giá thay thế cho các loại ngư lôi chống ngầm thế hệ cũ của Nga được Liên Xô phát triển từ những năm 1960.
Sức mạnh diệt ngầm trên tàu hộ vệ Việt Nam
Hiện nay, trên các tàu săn ngầm Dự án 159 Petya của Hải quân Việt nam được trang bị hệ thống rocket chống ngầm RBU-6000.
RBU-6000 Smerch-2 là hệ thống chống tàu ngầm do Viện Viện nghiên cứu Công nghệ Nhiệt Moscow thiết kế, phát triển, chính thức đưa vào phục vụ năm 1961.
Dù ra đời khá lâu nhưng RBU-6000 hiện vẫn còn dùng phổ biến trên các tàu chiến mới - cũ của Hải quân Nga và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam (lắp trên các tàu hộ vệ Dự án 159 Petya).
Tàu hộ vệ săn ngầm Petya của Hải quân Việt Nam khai hỏa RBU.
Hệ thống được kết cấu với giàn phóng 6 ống cỡ 213 mm bắn các quả bom chống tàu ngầm (gắn động cơ đẩy) RGB-60 nặng 110 kg, lắp đầu nổ nặng 25 kg đạt tầm bắn 350 m - 5,8 km, chống mục tiêu ở độ sâu 10 m - 500 m.
Hệ thống được điều khiển từ xa thông qua bộ phận điều khiển tác chiến với các ống phóng xếp cạnh nhau theo hình móng ngựa.
Nó có thể phóng theo loạt 1, 2, 4, 8 hay 12 quả một lần và việc nạp đạn được tự động hoàn toàn với hệ thống nạp đạn nằm ngay bên dưới trong thân tàu có thể chứa từ 72 đến 96 quả.
Khi sử dụng hết bom, nó sẽ tự động nạp đạn, hệ thống sẽ gấp lại đưa các ống vào vị trí thẳng góc 90 độ so với sàn tàu để các quả bom được đẩy vào từ hệ thống nạp bên dưới trước khi trở về chỗ cũ.
Góc bắn giới hạn của hệ thống là -15 độ - 60 độ theo chiều dọc còn khi nạp đạn nó sẽ gấp đến 90 độ, góc xoay là 0 độ - 180 độ theo chiều ngang và tốc độ quay là 30 độ/giây.
Mặc dù với tầm bắn khá ngắn, ít có hiệu quả cao trong tác chiến chống tàu ngầm hiện đại (sở hữu ngư lôi có tầm bắn gấp đôi, gấp 3) nhưng dẫu RBU-6000 vẫn hữu hiệu trong chống ngư lôi, người nhái và khi cần có thể dùng để pháo kích bờ biển.